"Càng nhìn con, tôi càng xót con, thương con nhiều hơn. Tôi nghĩ, anh không cần có mẹ con tôi bên cạnh, nên sự chờ đợi lâu hơn nữa của mẹ con tôi cũng là vô nghĩa" – Thuý Hoà, 30 tuổi, người Quảng Ngãi, giải thích thêm về lý do chị sắp rời khỏi nhà chồng.
Chị cho biết, chị là người miền Bắc, chồng người miền Trung. "Năm 2015, tôi và anh cùng đi xuất khẩu lao động ở một công ty. Yêu nhau gần 3 năm, ở nơi đất khách quê người, 2 đứa sống vì nhau và chỉ biết đến nhau thôi. Kinh tế kiếm ra cũng không ai đụng chạm vào ai, chúng tôi tôn trọng nhau, động viên nhau dành tiền gửi về quê nhà".
|
Con tôi đã bước sang tuổi mới, nhưng chồng tôi vẫn bặt vô âm tín. (Ảnh minh hoạ) |
Hoà kể: Giữa năm 2017, anh về Việt Nam trước. Về được nửa năm, anh nói: "Em về Việt Nam đi, ở bên đó vất vả, một thân một mình sẽ rất tủi thân". Anh còn bảo: "Về quê rồi có nghèo khó đến đâu thì anh sẽ có trách nhiệm và yêu thương em đến cuối đời". Vậy là tôi bỏ hết việc về quê cùng anh, đám cưới cũng được tổ chức ngay sau đó, cùng anh vào miền Trung sống với nhà chồng.
Từ khi về Việt Nam, anh mở dịch vụ chạy xe và làm dịch vụ cho vay lãi. Chúng tôi cưới nhau được 2 tháng thì bố chồng bị tai biến, liệt nửa người. Là dâu mới, tôi còn chưa quen nhà chồng nên cũng ngại ngần khi vệ sinh cá nhân, tắm rửa, thay bỉm cho bố chồng. Thế nhưng, tôi không làm cũng chẳng ai làm, mẹ chồng mắt kém, không nhìn rõ, chồng chỉ lo đi làm, coi mọi việc ở nhà đã có vợ nên anh không tham gia. Tôi xác định coi gia đình chồng như gia đình mình nên cố gắng hết lòng chăm sóc bố chồng chu đáo.
Ngay cả lúc tôi có bầu 7 tháng, bố chồng tôi phải đi viện, tôi vẫn phải vào viện, trải chiếu dưới sàn nằm trông ông trong viện. Từ bác sỹ đến mọi người nhà gia đình khác đều xót xa, ái ngại cho tôi nhưng chồng tôi lại chẳng mảy may nghĩ gì cho 2 mẹ con. Vài lần anh ghé vào thăm bố, dặn tôi để ý ông rồi về. Tôi vẫn cố dìu ông tập đi, giúp ông bình phục dần. Vì đứa con sắp chào đời, tôi tự động viên mình bỏ qua mọi nỗi buồn để con tôi sinh ra vẫn có cha, có mẹ, có một gia đình trọn vẹn.
|
Tôi nghĩ, anh không cần có mẹ con tôi bên cạnh, nên sự chờ đợi lâu hơn nữa của mẹ con tôi cũng là vô nghĩa (Ảnh minh hoạ) |
Ngày tôi sinh cu Bon, tôi phải ra Bắc về nhà ngoại sinh con. Thế nhưng, tôi lại không được may mắn như các mẹ khác khi phải mổ 2 lần vì bác sĩ mổ đẻ sơ suất làm rách bàng quang của tôi. Tôi phải nằm viện gần tháng trời và xa con sơ sinh cũng ngần ấy ngày. 2 lần mổ với một sản phụ là sự đau đớn tột cùng, khiến tôi kiệt sức. Trong 1 tháng nằm viện, chồng tôi từ quê ra viện chăm vợ được 2 ngày rồi biến mất, may mà tôi có mẹ đẻ và em gái thay nhau ra viện chăm tôi.
Khi ra viện, tôi mừng lắm vì đã gặp được con, được ôm con vào lòng sau 1 tháng sinh con ra. Để động viên tôi, nhà ngoại đã làm đầy tháng cho cu Bon và cũng mừng tôi thoát chết trở về, thế nhưng 2 mẹ con đứng trên sân khấu chụp ảnh thấy trống trải và tủi thân vô cùng, vì chồng tôi vẫn bặt tăm.
Tôi chỉ nghe bố mẹ chồng nói lại, mấy tháng qua anh làm ăn không may và bị vỡ nợ, anh đã bỏ trốn. Trong lúc nước sôi lửa bỏng, anh cũng đến nhà ngoại tôi vay 1 khoản tiền lớn. Cho dù thế nào, anh cũng nên nhắn tin hoặc hỏi thăm vợ con, nhưng tôi gọi thì anh không bắt máy, nhắn tin anh không trả lời. Thi thoảng, anh vẫn liên lạc về với mẹ để hỏi thăm gia đình, nhưng với vợ con thì anh vẫn không nhắc đến. Từ đó đến nay, con tôi đã bước sang tuổi mới, nhưng chồng tôi vẫn bặt vô âm tín.
Bây giờ chuyện làm ăn của anh vỡ nợ cũng chẳng phải do lỗi mẹ con tôi, vậy mà anh bỏ mặc mẹ con tôi như vậy. Con ốm đau, tôi chỉ biết cầu cứu nhà ngoại tàu xe vào tận miền Trung giúp đỡ. Suốt 1 năm đầu đời của con, không có một dấu ấn nào về sự chăm sóc của người bố. Càng nhìn con, tôi càng xót con nhiều hơn. Tôi không thể cứ sống như thế này mãi được, tinh thần của tôi rất mệt mỏi, tôi lo sợ sẽ bị trầm cảm mất. Tôi nghĩ, anh không cần có mẹ con tôi bên cạnh, nên sự chờ đợi lâu hơn nữa của mẹ con tôi cũng là vô nghĩa. Tôi sẽ ly hôn và mang con ra Bắc để bắt đầu một cuộc sống mới. Mọi nỗi buồn tủi thời gian qua, tôi muốn chôn vùi tất cả để dành tâm trí cho con tôi một cuộc sống an bình, ấm áp hơn.