Mỗi đứa trẻ cần được phát triển theo định hướng riêng
Chị Hạnh (Quảng Ngãi) có 2 con gái, một bé lớn học lớp 9, bé còn lại học lớp 3. Bé đầu tiên, theo chị, là một bạn nhỏ rất tự giác, chỉn chu, đến giờ là ngồi vào bàn học, luôn chủ động hoàn thành bài vở. Việc đồng hành cùng cô “công chúa cả” trong chuyện học từ lớp 1 đến lớp 9 với chị khá suôn sẻ. Đơn giản, chị chỉ áp dụng đúng nguyên tắc mà bản thân chị được giáo dục từ nhỏ “học ra học, chơi ra chơi” và cô con gái lớn rất hợp tác.
Tuy nhiên, với bạn nhỏ thứ hai, đây thực sự là một thách thức mà theo chị là “cuộc chiến không thấy hồi kết”. Bởi lẽ, khi chị áp dụng phương pháp giáo dục tương tự với cô út, kết quả hoàn toàn ngược lại. Cô bé là một bạn nhỏ vô cùng hiếu động, không tập trung lâu vào một việc gì, luôn sẵn sàng phản kháng khi bị ép học. Do đó, công sức chị Hạnh ngày ngày nhắc nhở con làm bài tập hầu như không hiệu quả.
Chị chia sẻ: “Trước đây, cũng vì quan niệm "học ra học, chơi ra chơi" đã ăn sâu vào trong tiềm thức mà mình luôn nhắc nhở con học bài, làm bài, thậm chí là rầy la con, ép con phải học hành nghiêm túc và đã vô tình quên mất nhu cầu vui chơi, giải trí của con. Lúc đó mình cảm nhận được là bé không hề vui vẻ và hào hứng nhưng bản thân mình cũng rất bế tắc”.
Với hai trải nghiệm khác nhau khi áp dụng cùng 1 phương pháp giáo dục con, chị mới nhận ra rằng mỗi đứa trẻ cần có một hướng giáo dục khác nhau, tùy vào năng lực và nhu cầu phát triển của con. Do đó, chị quyết tâm thay đổi và tích cực tìm kiếm một hướng giáo dục phù hợp, hiệu quả dành cho con.
Thông qua buổi họp phụ huynh, chị Hạnh biết đến và áp dụng HTQC cho con gái út
Trong quá trình đó, chị Hạnh đã biết đến hướng tiếp cận giáo dục Học thông qua Chơi (HTQC) thông qua buổi họp cha mẹ học sinh cho con gái út Phương Nghi (lớp 2, trường Tiểu học Di Lăng 1, tỉnh Quảng Ngãi). Nhìn thấy con tiến bộ từng ngày, chị bắt đầu phối hợp với nhà trường để tìm hiểu sâu về HTQC và tích cực áp dụng tại nhà.
“Cuộc chiến” dạy con đã biến thành “cuộc vui”
Mặc dù các hoạt động HTQC khá dễ thực hiện, nhưng hiệu quả chưa thể đến liền đối với người mới áp dụng như chị. Chị Hạnh nhận định, rào cản lớn nhất trong việc áp dụng HTQC không phải đến từ chương trình hay thái độ của con, mà nó đến từ trong chính bản thân mình. Bản thân cha hoặc mẹ phải tin rằng chính mình làm được.Vì đã quen hướng giáo dục truyền thống, chị gặp không ít khó khăn trong việc áp dụng HTQC.
Mất khoảng 1 năm “loay hoay” để áp dụng hiệu quả, giờ đây, chị đã linh hoạt áp dụng mô hình này cho phù hợp với con. Ngoài ra, chị có thể sáng tạo các hoạt động vui chơi có lồng ghép những kiến thức trong SGK, trên lớp và kể cả những kiến thức xã hội.
Hai mẹ con thích nhất chơi trò nối chữ, tìm vị trí thẻ giống nhau. Thậm chí, khi đưa con đi chợ, chị để con tự tính số tiền phải trả cho người bán và số tiền thừa, con tính nhẩm rất nhanh. Hay với trò chơi nối chữ, chị rất hài lòng khi giúp con phát triển vốn từ.
Với hướng tiếp cận giáo dục HTQC, các em được khuyến khích nêu góc nhìn và tự do sáng tạo
Chị chia sẻ: “Khi áp dụng HTQC cùng con, mình đã làm bạn với con. Từ đó, bản thân mình cũng được “trở về tuổi thơ” và đắm mình trong các trò chơi ngày thơ ấu như chơi đi chợ, nấu ăn để con biết về các loại rau củ, các loại cá rồi chở con đi dạo để chỉ cho con về những biển hiệu giao thông. Khi thấy con vui vẻ, mình cũng vui lây”.
Thông qua những lần HTQC cùng con, chị Hạnh cho biết không phải la con, ép con học nữa. Con nói ra được suy nghĩ của mình, thể hiện sự tự chủ và tự giác hơn. Qua đó, người mẹ 2 con hiểu được thế mạnh, sở trường của con để giúp con phát huy. “Đặc biệt, nhờ HTQC mà mình phát hiện, hóa ra con rất giỏi về những kiến thức tự nhiên xã hội, vô cùng hoạt ngôn, năng động và tự tin”, chị hào hứng nói.
Giảm được áp lực về thành tích của con
Mỗi ngày, chị Hạnh sẽ cùng con xem trong sách con học hôm nay - ngày mai có kiến thức gì, xem con thích thú với hoạt động nào mà gia đình thường áp dụng, rồi từ đó sẽ cùng con nghĩ ra hôm nay hai mẹ con sẽ áp dụng HTQC như thế nào. Việc dạy con cũng vì thế mà nhẹ nhàng hơn trước rất nhiều.
Trong quá trình áp dụng HTQC, các thành viên trong gia đình tương tác và nói chuyện với nhau nhiều hơn.
“Một thuận lợi của gia đình mình là cả nhà cùng áp dụng HTQC với bé: ba chơi thể thao cùng con, chị lớn cùng chơi đàn với em,… và các hoạt động khác thì thường cả nhà mình cùng hiểu và tự giác, tự động dạy bé”, chị nói. Nhờ quá trình đồng hành cùng con, chị hiểu rằng, có những đứa trẻ sinh ra để làm việc với con số, số khác lại giỏi giao tiếp, nghệ thuật… Chị phát hiện con có thiên hướng phát triển trong môi trường tập thể - nơi mà con có thể phát huy thế mạnh giao tiếp, bày tỏ quan điểm. Do đó, không nên lấy điểm số một môn học để đánh giá con mình giỏi hay dở.
Chị đúc kết: “Không chỉ có mỗi con thay đổi, mà chính tư duy của mình cũng đã cởi mở hơn. Trước đây mình nghĩ trí tuệ, tư duy là quan trọng nhất đối với sự phát triển của một đứa trẻ, nhưng bây giờ mình nhận thức được rằng có nhiều yếu tố tác động để tạo nên một đứa trẻ phát triển toàn diện.
Theo mình, thứ nhất nên dựa trên nền tảng Sức khỏe (con khỏe mạnh), rồi đến sự Vui vẻ (con hạnh phúc), thứ ba mới là Tư duy. Mỗi đứa trẻ có thế mạnh riêng, con phát huy được các kỹ năng sở trường của mình trong cuộc sống, đó mới là điều quan trọng, không nhất thiết là điểm số phải cao”.