Gia đình chồng tôi có điều kiện kinh tế tốt, bố mẹ chồng đều làm công chức, có mức lương cao. Khi cưới, bố mẹ chồng đã mua cho chúng tôi một căn hộ ra ở riêng để hai vợ chồng tận hưởng cuộc sống vợ chồng son. Mặc dù căn nhà hơi nhỏ nhưng tôi vẫn cảm thấy hài lòng khi có một ngôi nhà ở thành phố.
Tuy nhiên, cuộc sống không hề dễ dàng. Chỉ sau 5 năm kết hôn, bố chồng tôi đột ngột qua đời vì đột quỵ. Khi ấy, em trai chồng tôi mới 17 tuổi, đang tuổi ăn tuổi học. Với tư cách là anh trai, chị dâu, vợ chồng tôi cũng giúp mẹ nuôi em ăn học.
Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp cấp 3, em lại chẳng chịu đi học đại học, cũng không chịu đi kiếm việc làm. Thay vào đó, em suốt ngày ở nhà chơi bời lêu lổng, sống nhờ vào lương hưu của mẹ chồng.
Bố mẹ chồng tôi có 2 người con trai, chồng tôi là trưởng. (Ảnh minh họa)
Nỗi buồn mất bố chưa kịp nguôi ngoai, 3 năm sau, chồng tôi lại gặp tai nạn giao thông. Anh cố gắng tránh một người đi bộ và chiếc xe đã bị lật xuống mương.
Chồng tôi bị thương nặng, phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt suốt một tháng. Chúng tôi đã tiêu tốn hết số tiền tiết kiệm và buộc phải bán nhà để trang trải chi phí y tế. Dù đã cố gắng hết sức, anh vẫn không qua khỏi.
Sau khi chồng qua đời, tôi đưa con gái về sống chung nhà với mẹ chồng và em trai chồng. Tôi đã từng nghĩ đến việc tái hôn, nhưng vì lo lắng cho con gái nên tôi đã từ bỏ ý định đó. Vài năm sau, em trai chồng kết hôn, và mẹ chồng đã dùng toàn bộ tiết kiệm còn lại để giúp em mua nhà. Nhà chỉ còn lại tôi, mẹ chồng và con gái.
Mẹ chồng ngày càng lớn tuổi, nhưng may mắn là bà vẫn có lương hưu, và tôi cũng có công việc. Cuộc sống của chúng tôi tạm ổn, nhưng bệnh tật không chừa một ai. Trong những năm qua, tôi đã chăm sóc mẹ chồng mỗi khi bà ốm đau. Bà thường nói rằng dù chồng tôi không còn, nhưng chúng tôi vẫn là một gia đình. Mẹ chồng hứa rằng khi bà qua đời, căn nhà sẽ thuộc về tôi và con gái.
Nói thật, tôi rất cảm động khi nghe những lời nói ấy, tôi thực sự coi mẹ chồng như mẹ ruột của mình. Suốt một năm khi bà nằm liệt giường, sáng hôm nào tôi cũng dậy sớm lo cơm nước, nhà cửa, vệ sinh cá nhân rồi cho mẹ chồng ăn mới đi làm. Đến trưa, tôi lại tranh thủ tạt về nhà cho mẹ chồng ăn. Chiều tan làm lại vội vã về nhà.
Tuy vất vả nhưng tôi chưa bao giờ than vãn nửa lời, ngược lại cho rằng đó là việc nên làm. Về phía em trai chồng và em dâu, họ thỉnh thoảng mới đến thăm và chưa bao giờ chăm sóc mẹ chồng, dù là đút cho bà thìa cháo.
Sau khi chồng qua đời, tôi vẫn chăm sóc mẹ chồng chu đáo. (Ảnh minh họa)
Nhưng không thể ngờ rằng, khi qua đời, mẹ chồng đã để lại di chúc chuyển nhượng quyền sở hữu nhà cho em trai chồng. Đó là tài sản duy nhất mẹ chồng để lại, bởi tiền tiết kiệm của bà đã tiêu hết khi bà nằm liệt giường rồi.
Sau khi mẹ chồng mất, em trai chồng đến thu hồi nhà:
- Chị và cháu hãy sớm dọn đi đi, để em bán nhà. Hoặc, nếu chị có tiền thì có thể mua lại căn nhà này, là người quen, vợ chồng em sẽ giảm giá cho chị. Chị đừng trách mẹ, cũng đừng trách vợ chồng em bạc tình bạc nghĩa. Vợ chồng em làm ăn thua lỗ vài tỷ, không còn cách nào khác nên mới nài nỉ mẹ cho căn nhà này gán nợ.
Mẹ áy náy với chị và cháu nhiều lắm, nhưng ngoài bán nhà thì đâu còn cách nào khác. Mẹ cũng dặn vợ chồng em sau này phải quan tâm tới chị và cháu, vì thế nếu sau này có khó khăn gì, hai người cứ mở lời nhé.
Trong lòng tôi có nhiều cảm xúc phức tạp, vừa thất vọng vừa cảm thấy bất bình vì không nhận được chút gì từ nhà chồng. Tôi cũng thấy nực cười trước sự tử tế giả tạo của vợ chồng em trai chồng. Nếu các em biết tình thân là gì thì đã không thờ ơ với mẹ khi còn sống như vậy. Hơn nữa, giờ các em còn không lo nổi thân mình thì sao lo được cho mẹ con tôi chứ.