Ở Sài Gòn, có một quán cơm treo nụ cười để "đêm nay, các cô chú khó khăn sẽ chẳng sợ đói nữa..."

Google News

Trong nhịp sống hối hả của Sài Gòn, tấm bảng "cơm treo" nho nhỏ ở một góc đường đã trở thành điểm đến ấm lòng của rất nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Cơm treo đổi nụ cười

“Cơm treo. Gửi tới cô chú khó khăn. Mở lên, nếu có hãy lấy 1 phần” - dưới tấm biển trắng là một thùng nhựa màu đỏ đựng các phần cơm treo thu hút sự chú ý của những người qua đường. Nhưng có lẽ với những cô chú ve chai, chạy xe ôm, em nhỏ bán vé số... quán cơm treo ở góc đường Nguyễn Ảnh Thủ (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) đã trở thành trạm dừng chân đầy ý nghĩa. Từ 4 giờ chiều đến tận nửa đêm, phần cơm treo của những người xa lạ đã giúp không ít cô chú lao động phổ thông, trẻ em lang thang được ấm bụng. 

Cơm treo là những hộp cơm được khách ăn trước trả tiền thêm một phần để mời người xa lạ đến sau.

Anh Nguyễn Thành Công (chủ quán cơm) chia sẻ: “Tôi được bạn gửi cho một bài báo về quán cà phê treo ở Ý nên nảy ra ý tưởng làm cơm treo. Cà phê treo là một truyền thống bắt nguồn từ những quán cafe phổ thông dành cho người lao động ở thành phố Naples (Italy) từ cuối thế kỷ 19. Những người khách hào phóng sẵn sàng trả tiền 2 ly cà phê nhưng vẫn chỉ uống 1 ly. Ly cà phê còn lại sẽ được “treo” để phục vụ cho bất kỳ ai ghé qua muốn uống cà phê miễn phí".

Anh cho biết trước khi mở quán cơm anh đã nhiều lần cùng bạn bè đi phát cơm cho người vô gia cư, những người có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình cơm treo này đã được anh thực hiện trong hơn một tháng qua.

“Hôm nay bạn ăn cơm, hơi dư dả một xíu muốn giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn thì dặn quán làm 1- 2 phần cơm treo để vào thùng nhựa. Một phần cơm giá 35 nghìn đồng, quán sẽ làm phần cơm giống với dĩa cơm mà khách ăn nhưng bán lại cho khách với giá 20 nghìn, xem như quán phụ khách một phần” - anh Công tâm sự.

Một người phụ nữ bán vé số, đi xe đạp đến quán đến nhận cơm treo. 

Cầm lấy hộp cơm treo trên tay, một người phụ nữ lớn tuổi bán vé số không khỏi xúc động cho biết nhờ có phần cơm treo, dì vừa tiết kiệm được một khoản chi phí, vừa có được một bữa ăn ngon. 

“Điều tôi thích nhất ở mô hình làm cơm treo này là tính ẩn danh. Người tặng cơm không biết người nhận cơm treo là ai và ngược lại. Mọi người cứ âm thầm đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau thôi, không cần phải biết danh tính giúp cho người nhận đỡ ngại ngùng mà người tặng cũng vui vẻ, thoải mái hơn" - anh Công chia sẻ.

Anh Công cũng hy vọng mô hình cơm treo sẽ được nhân rộng ở nhiều quán ăn hơn. Khi mọi người cùng nhau thực hiện những hành động từ thiện nhỏ như vậy sẽ cảm thấy cuộc sống thêm gắn kết và có ý nghĩa hơn.

"Đêm nay các em và cô chú khó khăn sẽ không sợ đói nữa..."

Đối với nhiều người, Sài Gòn là nơi phồn hoa với nhịp sống hối hả. Nhưng ẩn sâu bên trong vẻ nhộn nhịp ấy, ở Sài Gòn vẫn luôn tồn tại những điều bình dị, nơi lòng tốt, sự hào sảng, sẻ chia mà mọi người dành cho nhau.

Tấm bảng nhỏ được treo chính giữa quán cơm của anh Công khiến ai cũng thấy ấm lòng

“Tôi có 4 vị khách đặc biệt. Trong đó có một cô bán vé số bị cụt tay trái, tôi luôn mời cô vào quán để ngồi ăn cho thoải mái. Vì tôi lo cho cô nếu vừa đi bán vé số vừa ăn cơm dọc đường mà cô thì có chỉ có một tay thôi ăn uống khó khăn. 

Có một cô hay ghé lấy cơm treo. Cô hay nói số cô cũng hên lúc nào cũng có khách treo cơm. Thật ra là tôi nói dối cô là có khách vừa treo, vì lúc trước cô hay hỏi mấy giờ có khách treo để cô đến nhận cơm. Thấy vậy nên tôi bảo cô không cần đến 7 giờ, chiều cô đói giờ nào thì đến giờ đó. Mỗi ngày chỉ có vài lượt khách để cơm treo, còn lại là những phần cơm do quán tự bỏ vào thùng”, anh Công chia sẻ.

Quán treo cơm từ 4 giờ chiều đến 11 giờ đêm, phần cơm treo được tặng ngẫu nhiên cho những người cần.

Mỗi ngày, ngoài các phần cơm được khách hỗ trợ người khó khăn, quán của anh Công cũng đặt thêm vào để hỗ trợ thêm cho mọi người.

“Thời gian đầu có nhiều người nói tôi kiếm tiền từ 20 nghìn đồng đó vì như vậy cũng có lời. Tôi cũng giải thích cho người đó hiểu là vật giá tăng cao, một miếng thịt tôi mua từ chợ cũng khoảng mười mấy ngàn.

Tôi muốn kiếm tiền thì tôi có thể suy nghĩ kiếm từ nhiều cách khác chứ không cần kiếm tiền bằng cách này. Mấy ngày đầu bạn tôi thấy người ta nói như vậy cũng tiêu cực quá nên khuyên tôi bỏ nhưng tôi không đồng ý. Tôi vẫn tiếp tục treo cơm vì tôi thấy mình không làm gì sai, mình làm đúng lương tâm của mình là được” - anh Công nói về những khó khăn ban đầu khi thực hiện mô hình cơm treo.

Những hộp cơm treo đem đến một bữa ăn no cho những người khó khăn là tấm lòng chân thành âm thầm giúp đỡ của những người xa lạ tốt bụng. Trong nhịp sống hối hả, đôi khi chỉ cần một nụ cười, một cử chỉ thân thiện hay một hành động chia sẻ nhỏ cũng đủ để làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn. 

Sài Gòn là thế, chỉ cần một bàn tay xoè ra, một bàn tay khác sẽ nắm lấy, cùng nhau lan toả những điều tốt đẹp nhất đến với mọi người. Cảm ơn anh Công, cảm ơn những vị khách tốt bụng đã để lại những phần cơm treo đầy ắp tình thương, sự sẻ chia sẻ dành người khó khăn.

AN VÕ

Bình luận(0)