Ở thành phố Phan Rang (Ninh Thuận) có một cặp đôi “đũa lệch” trở thành tấm gương sáng cho bao gia đình. Họ dù chênh lệch tuổi tác nhưng suốt 15 năm ở bên không cãi vãi, luôn yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Thậm chí họ còn cùng nhau nuôi dạy một bé trai bị gia đình bỏ rơi lớn khôn.
“Chúng tôi không rõ vợ chồng bà ấy tên gì cả, chỉ biết rằng người ta gọi bà là bà Ngoại. Có lẽ cái danh xưng ấy xuất phát từ việc bà nhận nuôi một bé trai từ lúc 8 tháng tuổi, lớn lên thằng bé gọi là bà ngoại.
Song thằng bé lại gọi chồng của bà ấy là ba nuôi, không phải ông ngoại như lẽ thông thường. Chúng tôi đoán sở dĩ nó gọi như thế vì người chồng quá trẻ so với bà ấy”, anh Tuấn Đinh – một người dân sống tại Phan Rang, biết cặp vợ chồng “đũa lệch” cho biết.
Cũng theo người đàn ông này, chỉ cần đi dọc các con phố lớn tại Phan Rang vào các buổi chiều sẽ bắt gặp cảnh bà Ngoại cùng cháu trai chở nhau trên chiếc xe đạp cà tàng. Cả hai cùng đi nhặt ve chai, phế liệu người ta bỏ đi về bán, lấy tiền trang trải cuộc sống.
Sau đó anh Tuấn Đinh chỉ về phía công viên nhỏ - nơi có hai bà cháu hí hoáy nhặt tấm bìa giấy. “Là họ đó! Đúng rồi, là hai bà cháu mà tôi vừa nhắc đến đó”, anh vội vàng nói.
Bà Ngoại thấy người lạ có chút bối rối, sau đó niềm nở tiếp đón và trò chuyện, thậm chí sẵn sàng tâm sự tất cả về chuyện vợ chồng cũng như đứa cháu 4 tuổi. Bà nói: “Thằng nhỏ năm nay 4 tuổi, tên gọi ở nhà là Bình Câu, còn tên trên giấy khai sinh vẫn chưa có.
Người phụ nữ 61 tuổi hào hứng chia sẻ câu chuyện của hai vợ chồng.
Nó không phải là máu mủ ruột rà của chúng tôi. Năm xưa ba mẹ nó sinh ra, được 8 tháng tuổi thì cho tôi về nuôi. Nhà nó ở mạn dưới kia nhưng giờ không biết họ đã chuyển đi đâu sinh sống. Tôi không tìm hiểu kỹ vì không quan tâm cho lắm bởi chẳng có ba mẹ nào bỏ con từ lúc đỏ hỏn như thế. Nếu họ yêu thương thằng bé đã quay trở về tìm từ lâu rồi, chẳng phải đợi đến bây giờ”.
Ban đầu bà Ngoại nhận nuôi bé Câu vì thương xót hoàn cảnh, sợ đứa trẻ bị vứt bỏ ngoài đường như bao trường hợp khác. Thậm chí bà còn hi vọng một ngày không xa cha mẹ ruột của bé sẽ quay về đón đi, làm giấy khai sinh để bé được đến trường. Song bà đợi mãi… đợi mãi không thấy họ xuất hiện. Đó là lý do giờ đây bà không quan tâm, tìm hiểu xem họ sinh sống ở đâu.
Nhắc đến chuyện nuôi bé Câu có vất vả hay không, người đàn bà đầu đã 2 thứ tóc thành thật: “Hồi nhận nuôi thằng nhỏ, tôi đã 57 tuổi, lại chẳng có tiền nên chật vật và vất vả lắm. Tôi phải đi xin sữa hoặc nấu cháo loãng cho nó uống mỗi ngày. Trộm vía trời thương, nó càng lớn càng bụ bẫm, ít ốm đau và rất ngoan ngoãn. Tôi nói gì là nghe lời, chứ không có quấy khóc ăn vạ”.
Vừa dứt lời, bé Câu lí nhí nói với ngoại: “Con muốn về với ba nuôi”. Người phụ nữ vội vàng chở bé về nhà rồi giải thích rằng đây là căn nhà của chủ, được cho ở nhờ suốt thời gian qua. Nơi đây không có thứ gì đáng giá nhưng luôn chứa chan tình yêu thương mà hai vợ chồng dành cho cậu bé 4 tuổi.
Bé Câu là con nuôi chung của cặp đôi.
“Bình thường chỉ có tôi và thằng nhỏ ngủ ở đây thôi. Còn chồng tôi phải ở trong đó để trông nhà của chủ, cách đây vài trăm mét thôi. Ban ngày ông ấy vẫn đáo qua đáo lại đây chơi cùng thằng nhỏ. Ông ấy thương và yêu chiều nó lắm, như cha con ruột thịt ấy”, bà Ngoại tâm sự.
Lúc này một người đàn ông có gương mặt đen đúa nhưng trẻ hơn so với bà Ngoại xuất hiện trước cửa nhà. Bà vội vàng giới thiệu: “Đây là chồng của tôi. Ông ấy kém tôi tận 21 tuổi lận. Vì thế ai nhìn cũng ngỡ là mẹ con, chênh lệch nhan sắc quá mà.
Cũng do ông ấy trẻ mà thằng nhỏ gọi bằng ba. Nhiều người thấy kỳ bảo nó phải thay đổi cách xưng hô với tôi hoặc ông ấy. Nó không chịu nên tôi đành để nó gọi tôi là bà ngoại, còn ông ấy là ba”.
Bà Ngoại từng có một đời chồng nhưng không có con. Sau đó bà sống một mình, đi làm thiện nguyện giúp đỡ người nghèo hoặc vào viện chăm sóc bệnh nhân neo đơn… Một lần bà tình cờ quen trai tân 25 tuổi, nảy sinh tình cảm nam nữ rồi nên nghĩa vợ chồng.
“Bữa đó em gái tôi nằm viện điều trị bệnh. Tôi cứ thấy một bà cô gần 50 tuổi vô thăm non, mua cái gì cái kia cho ăn. Song tôi không cho em ăn vì đâu biết đó là ai, có quen biết gì đâu, nhỡ bỏ thuốc mê vào thì sao.
Vài ngày sau, tôi thấy bà ấy chăm lo cho con bé tận tâm nên cảm mến lắm. Tôi hỏi chuyện mới biết bà cô này đã có một đời chồng, giờ sống đơn chiếc. Tôi dần nảy sinh tình cảm và rủ về sống chung suốt từ năm 2008 đến giờ”.
Người đàn ông 40 tuổi hạnh phúc khi nhắc đến thuở cả hai mới quen nhau.
Hai con người xa lạ, lại chênh lệch tuổi tác bỗng chắp vá thành một mảnh đời lớn. Họ cùng nhau xây dựng tổ ấm mới trên chính mảnh đất của người chủ cho mượn. Hằng ngày người chồng đi làm thuê cho chủ với mức lương 20 triệu đồng/năm, bao ăn ở. Còn bà Ngoại đi nhặt ve chai, rửa cốc chén cho các hàng quán với mức lương từ vài chục đến trăm nghìn đồng/ngày.
“Cuộc sống không mấy khấm khá nhưng tôi hài lòng với tất cả. Tôi chỉ có một trăn trở khi nào mới có thể làm giấy khai sinh để thằng nhỏ được đến trường. Nó cũng sắp tới tuổi vào lớp 1 rồi”, người phụ nữ nói.
Trong lúc đó, người đàn ông 40 tuổi bộc bạch: “Bà xã không muốn ba mẹ của bé Câu về đón đi. Tôi lại suy nghĩ khác, nếu họ muốn đón thì mình phải “trả lại” thôi vì đó là máu mủ ruột già của họ. Khi đó bé được làm giấy khai sinh, được đến trường và ở ba mẹ.
Nếu họ không muốn đón thằng nhỏ về nuôi cũng được. Song tôi rất mong mỏi họ quay lại làm cho nó giấy khai sinh. Sau đó vợ chồng tôi sẽ làm thủ tục xin nhận con nuôi đàng hoàng”.