Khi nhắc tới chuyện mẹ bầu có được thắp hương không, Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh Văn phòng Trung tâm đào tạo, Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương kể về một trong những tai nạn ngày Tết thường gặp đối với các mẹ bầu. Trong đó, bác sĩ Thành kể về trường hợp mẹ bầu 36 tuần ngay trong chiều 30 Tết Nguyên Đán đã phải nhập viện vì trèo thang thắp hương.
Cụ thể, chiều 30 Tết năm trước, một phụ nữ mang thai 36 tuần được gia đình đưa tới bệnh viện Phụ sản Trung ương cấp cứu. Khi ấy sản phụ đang trong tình trạng chảy máu âm đạo và co cứng tử cung. Đặc biệt cơn đau bụng dưới kéo dài và đau dữ dội khiến sản phụ muốn ngất xỉu.
Sản phụ bị bong rau non và thai nhi trong bụng đã giảm cử động. (Ảnh: BSCC)
Qua thăm khám, sản phụ bị bong rau non và thai nhi trong bụng đã giảm cử động nên vội vàng mổ cấp cứu lấy thai ngay lập tức. Cũng may, sau nhiều nỗ lực, ca mổ đã mẹ tròn con vuông trong niềm vui vỡ òa của gia đình.
Bác sĩ Phan Chí Thành cho biết, vợ chồng sản phụ này ở nhà riêng. Ngày 30 Tết vợ chồng họ cũng làm một mâm cơm thắp hương. Do chồng đang tắm nên sau khi làm cơm xong, sản phụ đã trèo lên ghế cao để thắp hương trên bàn thờ. Nhưng khi trèo xuống thì mẹ bầu đã bị sảy chân ngã dập bụng xuống sàn nhà. Thấy máu chảy ra ào ạt ở âm đạo nên ngay lập tức sản phụ đã được đưa vào viện cấp cứu trong sự lo lắng hốt hoảng của người thân.
Do tai nạn ngã khi thắp hương làm chấn thương trực tiếp ở vùng bụng nên sản phụ này bị bong rau non. Đây là một cấp cứu sản khoa nghiêm trọng với diễn biến đột ngột, nhanh chóng, có thể đe doạ tính mạng 2 mẹ con sản phụ do tình trạng sốc mất máu, biến chứng rối loạn đông máu. Vì thế khi sản phụ nhập viện cấp cứu, các bác sĩ đã phải chẩn đoán sớm và xử trí mổ đẻ kịp thời mới có thể cứu sống sản phụ và thai nhi trong bụng.
Chia sẻ về trường hợp sản phụ trên, bác sĩ Phan Chí Thành khẳng định: Bánh rau là nơi trao đổi chất giữa 2 mẹ con, nếu bánh rau bị bong ra trước khi con chào đời thì thai nhi trong bụng sẽ dễ bị ngạt.
Hơn nữa, một khi rau thai bị tách ra khỏi thành tử cung thì không có phương pháp nào để đưa rau trở lại. Nếu không điều trị kịp thời sẽ khiến thai nhi thiếu oxy và chất dinh dưỡng, thai phụ cũng bị mất máu nặng. Rau bong non khi ấy có thể biến chứng thành sảy thai, chảy máu, sinh non và cần cấp cứu ngay lập tức. Thậm chí một số mẹ bầu do rau bong non tiến triển nhanh nên tính mạng 2 mẹ con vẫn bị đe dọa nhiều vì các biến chứng sốc mất máu, vô niệu, rối loạn đông máu và các di chứng nguy hiểm khác: suy gan thận cấp, suy tuyến thượng thận, tăng huyết áp, ...
Mẹ bầu có nên thắp hương ngày Tết không?
Trao đổi với chúng tôi, nam bác sĩ sản khoa Phan Chí Thành cho biết, thắp hương trên bàn thờ tổ tiên là tín ngưỡng lâu đời và thói quen của hầu hết gia đình Việt nhất là vào các ngày rằm, mùng 1, các ngày lễ Tết. Phụ nữ đang mang thai vẫn có thể thắp hương trên bàn thờ để thể hiện tấm lòng thành của con cháu với tổ tiên.
Tuy nhiên mẹ bầu tốt nhất hạn chế thắp hương hoặc các chị em đang bầu bí cần lưu ý một số điểm sau để an toàn nhất với sức khỏe:
\
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành. (Ảnh: BSCC)
Thực tế hiện nay, một số loại hương được tẩm hương liệu, hóa chất khi đốt dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Vì thế, mẹ bầu cần chú ý chọn những loại hương có nguồn gốc tự nhiên có mùi không độc hại, không ảnh hưởng đến sức khỏe 2 mẹ con.
Ngoài ra, khi thắp hương không nên thắp nhiều nén, nên mở cửa chính, cửa sổ để khói hương thông thoáng và bay ra ngoài.
Đặc biệt mẹ bầu cần chú ý cẩn trọng trong việc trèo lên ghế cao thắp hương, tránh nguy cơ trơn trượt bị té ngã, nguy hiểm đến tính mạng của 2 mẹ con.