TS.BS Quản Thành Nam - Khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện Quân y 103) cho biết, các bác sĩ vừa tiến hành thực hiện thủ thuật lấy ra một chiếc bàn chải đánh răng mắc ở thực quản-bụng một bệnh nhân 16 tuổi. Trước đó, bệnh nhân vào viện trọng tình trạng nuốt vướng, đau tức vùng ngực do nuốt dị vật là bàn chải đánh răng.
Gia đình cho biết, một tiếng trước khi vào viện bệnh nhân ăn thịt gà có cảm giác vướng mắc họng. Bệnh nhân tự dùng bàn chải đánh răng cho vào họng để lấy dị vật, sau đó bàn chải đánh răng tuột xuống họng. Bệnh nhân được người nhà cho đi cấp cứu tại Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Quân y 103. Sau khi vào viện, bệnh nhân được đánh giá toàn trạng, khám nội soi tai-mũi-họng, chụp phim X-Quang để chẩn đoán, phát hiện dị vật ở thực quản đoạn ngực-bụng.
Do dị vật khá lớn là bàn chải đánh răng nằm sâu ở thực quản đoạn ngực bụng nên bệnh nhân đã được gây mê, đặt ống cứng soi trực tiếp thực quản lấy dị vật. Sau thủ thuật, bệnh nhân toàn trạng ổn định, được đặt sonde dạ dày nuôi dưỡng. Bệnh nhân xuất viện sau 3 ngày theo dõi và điều trị.
Hình ảnh phim chụp và chiếc bàn chải được lấy ra từ thực quản bệnh nhân.
Bác sĩ Nam cho biết, dị vật thực quản là cấp cứu tai mũi họng, khi dị vật đã vượt qua họng xuống thực quản. Tùy đặc điểm của dị vật, thời gian hóc di vật có thể có nhiều triệu chứng hoặc gây ra các biến chứng khác nhau từ nhẹ đến nghiêm trọng thậm chí dẫn tới tử vong.
Những dị vật tròn nhẵn, không bám dính có thể chỉ gây viêm tại chỗ, tuy nhiên những dị vật sắc, nhiều góc cạnh có thể gây tổn thương rách, niêm mạc thực quản từ đó gây viêm tấy, áp xe thành thực quản. Nhiều trường hợp còn thủng thành thực quản gây tổn thương các thành phần xung quanh như mạch máu, khí-phế quản hoặc viêm lan tỏa, áp xe trung thất có thể dẫn đến tử vong.
Để phòng ngừa dị vật thực quản, bác sĩ Na khuyên mọi người không nên ăn uống vội vàng, tránh nói chuyện và cười đùa trong khi ăn. Đối với trẻ em và người già, cần loại bỏ xương trước khi ăn. Khi bị hóc không nên chữa mẹo tránh làm dị vật càng gây tổn thương phức tạp. Khi phát hiện dị vật, cần đến ngay chuyên khoa tai mũi họng để được soi gắp kịp thời, tránh các biến chứng.
(Nguồn: Đời sống Tri thức cuộc sống)
Người phụ nữ Hà Nội nặng 155kg sinh con chỉ 2,6kg, bác sĩ cảnh báo điều vô cùng nguy hiểm
GS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết ông cùng ê kíp bác sĩ vừa phẫu thuật thành công cho một thai phụ nặng 155kg, sinh con 2,6kg. Ông Ánh cho biết sản phụ sinh năm 1988, ở Hà Nội nhập viện tại Khoa Hồi sức tích cực, chống độc và giảm đau trong tình trạng tiền sản giật nặng, béo phì, đã phát hiện tiểu đường thai kỳ từ tuần 12 có điều trị insulin. Trước khi mang thai, sản phụ nặng 132kg, cân nặng hiện tại là 155kg.
Sau khi tiến hành hội chẩn, với tình trạng tiền sản giật nặng tiến triển xấu, các bác sĩ đã chỉ định mổ chủ động để đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi. Ca mổ diễn ra khó khăn do sản phụ có lớp mỡ dày, gây khó khăn trong quá trình gây tê và phẫu thuật. Bệnh nhân có nguy cơ suy hô hấp trong quá trình gây tê nên được các bác sĩ theo dõi rất sát sao. Ca phẫu thuật sau đó diễn ra thuận lợi, các bác sĩ phẫu thuật lấy một bé gái nặng 2,6kg, da dẻ hồng hào, khỏe mạnh.
Phụ nữ mang thai bị tiểu đường có nguy cơ rất lớn với cả mẹ và con. (Ảnh minh họa)
Do sản phụ bị tiểu đường thai kỳ, béo phì, có lớp mỡ thành bụng dày nên có nguy cơ nhiễm trùng sau mổ, kèm theo tiền sử tiền sản giật nặng nên sản phụ cần được theo dõi sát nguy cơ sản giật sau mổ. Hiện tại, sản phụ và em bé vẫn đang được chăm sóc, theo dõi và điều trị tại bệnh viện.
Các bác sĩ cho biết phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ rất nguy hiểm cho cả mẹ và con. Em bé được sinh ra từ người mẹ bị tiểu đường thai kỳ sẽ đối mặt với các nguy cơ như tăng trưởng quá mức và thai to; sinh non; khó thở nghiêm trọng; hạ đường huyết; tử vong sau sinh; vàng da sơ sinh…
Đối với thai phụ bị đái tháo đường trong thai kỳ, các biến chứng sức khỏe có thể xảy ra là:
- Tăng huyết áp khi mang thai và tiền sản giật: Đây là hai biến chứng nghiêm trọng của thai kỳ, có thể đe dọa tính mạng cả mẹ và con.
- Sinh mổ: Vì em bé quá to không thể sinh thường, nên nhiều khả năng bạn sẽ phải sinh mổ nếu bị tiểu đường thai kỳ.
Ngoài ra, còn có các nguy cơ như tăng nguy cơ sinh non; Tăng nguy cơ sảy thai tự nhiên; Tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Thậm chí người bị mắc đái tháo đường trong lần mang thai đầu, còn có nguy cơ mắc tiếp trong những lần mang thai tiếp theo, thậm chí là nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 khi về già.