Bác sĩ Nguyễn Duy Thịnh - phụ trách đơn vị can thiệp, Khoa chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, gần đây khoa tiếp nhận nhiều trường hợp bị ung thư thận (u thận). Điều đáng nói là đa số người bệnh không hề biết mình mắc bệnh, chỉ phát hiện khi đi khám vì gặp vấn đề sức khỏe khác.
Bác sĩ Thịnh dẫn chứng về một cô gái 28 tuổi, ở Hà Nội, chưa lập gia đình, mắc sốt xuất huyết vào viện điều trị thì tình cờ siêu âm phát hiện đã bị u thận trái kích thước 14cm. Theo chia sẻ của cô gái, trước đó cô thấy bụng to, sờ cảm giác cứng và chia sẻ với mẹ. Khi người mẹ kiểm tra thì gặng hỏi đủ điều vì nghĩ rằng con gái chưa chồng nhưng nhỡ mang thai. Tuy nhiên, cô gái khẳng định trước đó không quan hệ tình dục và không phải có thai. Tại bệnh viện, kết quả sinh thiết của cô gái cho kết quả ung thư biểu mô tế bào sáng.
Do bệnh nhân còn trẻ nên các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật khối u sau khi can thiệp nút mạch 8 tiếng tiếng nhằm hạn chế mất máu trong và sau mổ. Sau mổ 5 ngày, bệnh nhân ổn định và được xuất viện, tiếp tục theo dõi.
Cô gái trẻ bụng to tưởng mang thai, siêu âm phát hiện có u thận to 14cm. Ảnh minh họa.
Một trường hợp khác đến viện gần đây là cụ ông 91 tuổi, bị đi tiểu ra máu hơn 1 năm, tần suất ngày càng nhiều. Bệnh nhân này được chẩn đoán có u thận nhưng do tuổi cao và có nhiều bệnh lý mãn tính kèm theo như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh khớp… nên không có khả năng phẫu thuật.
Bệnh nhân được xử lý bằng phương án can thiệp nút tắc động mạch thận nuôi khối u, 12 tiếng sau thì nước tiểu của bệnh nhân đã trong, không còn tình trạng ra máu.
Theo bác sĩ Thịnh, u thận được chia thành 2 loại là u thận lành tính và u thận ác tính. Để xác định chính xác loại u thận nào, các bác sĩ phải tiến hành sinh thiết, làm giải phẫu bệnh. Tùy vào từng giai đoạn bệnh và từng khối u, người bệnh sẽ được điều trị theo phương pháp khác nhau.
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn tới u thận, như thói quen ăn uống không lành mạnh, bị nhiễm hóa chất, sử dụng nhiều chất kích thích như rượu bia, thuốc lá… Ngoài ra, ung thư thận cũng có tính di truyền nên gia đình có người mắc căn bệnh này thì người thân cần thăm khám định kỳ để tầm soát.
Khi xuất hiện cơn đau hạ sườn ra phía sau cần nghĩ ngay đến bệnh lý về thận. (Ảnh minh họa)
Đối với ung thư thận, ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng điển hình, vì thế bác sĩ Thịnh khuyến cáo việc siêu âm định kỳ từ 3 đến 6 tháng/lần có vai trò quan trọng trong việc tầm soát, phát hiện sớm ung thư thận.
Khi ở giai đoạn tiến triển, người bệnh thường có triệu chứng như đái ra máu, đau vùng thắt lưng, sờ thấy khối u vùng thắt lưng. Ngoài ra, có thể xuất hiện một số biểu hiện kèm theo như:
- Sốt dai dẳng do hoại tử trong thận hay do nhiễm trùng.
- Đa hồng cầu, kèm theo đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, ngứa tê các chi, rối loạn thị giác.
- Tình trạng toàn thân giảm sút nhanh chóng, chán ăn, suy nhược, thiếu máu, sốt nhẹ, tốc độ máu lắng tăng.
- Gan to, nhẵn, không đau, kèm theo phosphatase kiềm tăng, tỷ lệ prothrombin giảm, albumin máu giảm (hội chứng Stauffer).
Do vậy khi phát hiện những triệu chứng trên, mọi người cần nhanh chóng đi khám để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Khi phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ điều trị thành công sẽ cao hơn nhiều, nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì điều trị triệu chứng, giảm nhẹ là chủ yếu.