Sao nghìn người nhộn nhịp nhập cảnh trái phép qua Hà Giang giữa đại dịch?

Google News

Giữa lúc dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp, bất chấp lệnh cấm, vẫn có hàng nghìn người nhập cảnh trái phép qua đường biên giới Hà Giang.

Thời gian qua, bất chấp việc Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đẩy mạnh việc tuần tra, kiểm soát dọc các tuyến biên giới trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 nguy cơ lây lan rộng, lượng người lao động Việt Nam từ Trung Quốc trở về quê qua đường mòn, lối mở, nhập cảnh trái phép có chiều hướng gia tăng.
Nhập cảnh nhộn nhịp vùng biên
Trả lời VTC News, Thượng tá Hoàng Ngọc Định, Phó Chỉ huy trưởng,Tham mưu trưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang cho biết, Bộ đội Biên phòng tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài gần 278km, với tổng số 442 mốc. Địa bàn biên giới gồm 34 xã, thị trấn thuộc 7 huyện biên giới.
Trong đó, Đồn Biên phòng Xín Cái (huyện Mèo Vạc) quản lý gần 24km đường biên được coi là điểm nóng nhất của hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, tình trạng công dân Việt Nam nhập cảnh qua biên giới diễn ra rất phức tạp.
Chỉ tính riêng trong những tháng cao điểm của dịch COVID-19, qua công tác nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát chốt chặn, Đồn Biên phòng phối hợp các lực lượng phát hiện hơn 2.800 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Cao điểm giữa tháng 7, các tổ tuần tra liên tục phát hiện hàng trăm người nhập cảnh trái phép, trốn cách ly y tế, trong đó nhiều vụ nhức nhối, nguy hiểm.
Sao nghin nguoi nhon nhip nhap canh trai phep qua Ha Giang giua dai dich?
Thượng tá Hoàng Ngọc Định, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang. 
Lý giải việc lượng người nhập cảnh trái phép gia tăng ở Đồn Xín Cái, Mèo Vạc trong những tháng cao điểm của dịch COVID-19, Thượng tá Hoàng Ngọc Định cho biết, từ nội địa Trung Quốc để vào Việt Nam đi tuyến đường giáp biên giới thuộc huyện Mèo Vạc là thuận lợi nhất.
“Đối diện Đồn Xín Cái, ở phía Trung Quốc là khu vực gần cao tốc Nam Ninh – Côn Minh, chính vì vậy họ thu gom tất cả người, kể cả người đi qua phía Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh đều được tập trung để đẩy trở về Việt Nam.
Khu vực này bên Trung Quốc cũng là nơi giao thoa giữa khu tự trị dân tộc Choang và tỉnh Vân Nam nên việc kiểm soát lại kém gắt gao và cơ chế thông thoáng hơn”, Thượng tá Định cho biết.
Theo Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang, số người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam từ Trung Quốc thời điểm này chủ yếu là những lao động Việt Nam làm thuê sâu trong nội địa, hoặc những người phụ nữ lấy chồng bên Trung Quốc nhưng không có giấy tờ.
Do Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và lũ lụt nghiêm trọng nên người lao động không có việc làm, cộng thêm việc nước bạn tăng cường kiểm soát, truy quét đẩy người Việt Nam trở về nước theo nhiều hình thức khác nhau.
Một số được phía Trung Quốc trao trả qua cửa khẩu, tuy nhiên số lượng lớn người bị dồn về phía biên giới, buộc phải tìm cách nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Theo Thượng tá Hoàng Ngọc Định, cho đến nay, Bộ đội Biên phòng chưa phát hiện người Trung Quốc nhập cảnh trái phép sang Việt Nam dọc tuyến biên giới ở Hà Giang.
Với công dân Việt Nam, tất cả những trường hợp được trao trả hay nhập cảnh trái phép bị phát hiện đều được đưa vào khu vực theo dõi, cách ly theo quy định.
Khó khăn trong xử lý
Đối với những người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang cho biết, hiện nay cơ chế xử lý các đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn.
“Trước hết trong công tác xử lý vi phạm hành chính và khởi tố vụ án hình sự, các đối tượng vi phạm cư trú ở nhiều địa bàn khác nhau, đại đa số là các tỉnh nội địa, quá trình xác minh nhân thân lai lịch gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian và tốn kém kinh phí, phương tiện.
Trong vi phạm quy định xuất nhập cảnh, các trường hợp vi phạm thường không có tiền để thi hành các quyết định xử phạt tại chỗ, không có giấy tờ tài sản để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt nên cơ quan ra quyết định xử phạt phải chuyển quyết định về địa phương, còn các địa phương có phúc đáp hay không lại là vấn đề khác”, Thượng tá Định nói.
Sao nghin nguoi nhon nhip nhap canh trai phep qua Ha Giang giua dai dich?-Hinh-2
Lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát tại Mốc 238, xã Lao Chải, Vị Xuyên. (Ảnh: Mộc Lan) 
Đối với công tác phòng chống dịch, lực lượng biên phòng hiện còn mỏng so với địa bàn rộng, nhiều đường mòn lối mở, có cả những đường truyền thống và phi truyền thống qua biên giới, do vậy công tác kiểm soát chưa thể khép kín, liên tục.
Ngoài ra, có sự tiếp tay của chính công dân Việt Nam ở trong nước, những người am hiểu, thông thuộc địa bàn. Họ đối phó với lực lượng chức năng để dẫn, đưa người đi và đón người về, tránh các chốt kiểm soát.
Bên cạnh đó, sau một thời gian dài thực hiện cách ly, một số nơi điển hình như ở Đồn Biên phòng Xín Cái đã rơi vào quá tải. Địa phương đang phải cố gắng, nỗ lực tận dụng tất cả các khu vực, các phòng cách ly.
Không chỉ đảm bảo đưa công dân vào cách ly mà còn đảm bảo việc ăn uống, quản lý, việc kiểm soát và hỗ trợ y tế cho các đối tượng nhập cảnh hoặc có ý định xuất cảnh trái phép cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo Thượng tá Hoàng Ngọc Định, việc xử lý lượng người xuất nhập cảnh trái phép ngoài vướng mắc ở chế tài theo luật định, còn khó khăn cho đơn vị trong việc tạm giữ, khai thác, đấu tranh các đường dây buôn người.
“Các đối tượng này dù đã đưa vào cách ly hay chưa thì vẫn phải nuôi ăn, ở. Hiện nay, đơn vị đang phải ‘nhường cơm sẻ áo’, để lo ăn ở cho những trường hợp này.
Kinh phí hỗ trợ còn nhiều khó khăn, Bộ đội Biên phòng tỉnh đang tìm nhiều biện pháp, tuy nhiên chưa có hướng dẫn và bảo đảm từ cấp trên, nhất là đối với tỉnh nghèo như Hà Giang”, Thượng tá Định chia sẻ.
Không có bảo kê, tiếp tay
Về câu hỏi đặt ra liệu có sự lơ là, mất cảnh giác, thậm chí bảo kê, tiếp tay của lực lượng Bộ đội Biên phòng với các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép trong thời gian qua, vị Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang khẳng định: “Cho đến nay, qua công tác bảo vệ chính trị nội bộ, quá trình kiểm tra, tự kiểm tra giữa đơn vị và cơ quan biên phòng tỉnh, tôi khẳng định không có chuyện đó xảy ra”.
“Một thời gian dài như vậy không tránh khỏi anh em chiến sỹ có những tâm tư, nhưng chỉ là ở góc độ gia đình thôi chứ việc nhận tiền bảo kê, tiếp tay thì cho đến nay tuyết đối không có”, Thượng tá Định nhấn mạnh.
Khẳng định Bộ đội Biên phòng Hà Giang cho đến nay không có trường hợp nào làm ngơ, tiếp tay hay bảo kê cho hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, tuy nhiên, Thượng tá Định cũng cho biết, có thể có những trường hợp giả danh, mạo nhận là Bộ đội Biên phòng vi phạm để làm mất uy tín, làm xấu hình ảnh lực lượng.
Trong bối cảnh lượng người nhập cảnh trái phép đang gia tăng với diễn biến phức tạp, các chiến sỹ bộ đội biên phòng phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả hơn.
Thực tế hiện nay, ngoài lực lượng biên phòng, việc tổ chức các lực lượng ngăn chặn trên các tuyến biên giới còn có công an, y tế, hải quan, thậm chí còn có cảnh sát cơ động lên để phối hợp hỗ trợ trong công tác quản lý xuất nhập cảnh và xử lý các trường hợp vi phạm.
Theo Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang, đơn vị đang tập trung lực lượng, tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng kiểm soát cửa khẩu, thống nhất triển khai các biện pháp quản lý xuất nhập cảnh trong phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo.
Theo Xuân Trường/VTC

>> xem thêm

Bình luận(0)