Cướp gây mê hay dùng các dược chất và thủ thuật khác để nạn nhân tự nguyện giao nộp tài sản hoặc mất khả năng phản kháng đã có ở Việt Nam từ những năm 1990.
Đã có nhiều vụ án xảy ra nhưng nhiều nạn nhân không trình báo mà chỉ nói với người thân là bị “thôi miên”, “bỏ bùa” .Thuốc gây mê mà những nghi phạm sử dụng đều tự chế, trao đổi từ đồng bọn nên việc bệnh viện nếu có tiếp nhận sớm thì việc điều trị cũng hết sức khó khăn.
Vụ án thi thể tài xế taxi không quần
Trước đó, đêm 25/3, tài xế taxi H. đang di chuyển trên đường Nguyễn Oanh, Gò Vấp, TP.HCM thì có khách vẫy tay gọi, một người phụ nữ có dáng vẻ nghiêm túc, tài xế nhận khách và đó là chuyến xe cuối cùng của anh.
|
Nữ quái Phạm Thị Loan. Ảnh: Vietnamnet |
Sáng hôm sau, người dân thấy một chiếc taxi hãng Vinasun đậu tại bãi đất trống trên đường Tam Châu (phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TP.HCM). Đến trưa, một người nhặt ve chai đi qua thì phát hiện trong xe có một người đàn ông khoảng 50 tuổi, chỉ mặc áo, đã tử vong trong vũng máu.
Ngày 4/4, Công an đã tạm giữ nghi phạm Phạm Thị Loan, tình nghi giết tài xế taxi nêu trên.
Khai với công an, Loan cho biết đêm 25/3 mang một lượng lớn thuốc mê trong người với mục đích tìm “con mồi” ra tay hòng cướp tài sản. Loan đón taxi của ông H. ở Gò Vấp.
Trên đường đi, Loan “buông lời bay bướm” gợi mở và nói ông H. ghé điểm bán hàng tạp hoá mua 4 lon bia, 1 gói khô bò.
Rạng sáng 26/3, Loan yêu cầu tài xế đậu xe ở góc tối trong hẻm 74 Tam Châu, phường Tam Phú, quận Thủ Đức để cả hai nhâm nhi. Lợi dụng lúc ông H. không để ý, Loan bỏ thuốc mê vào lon bia của ông H. khiến nạn nhân mê man, bất tỉnh. Sau đó, Loan lấy tiền và 1 điện thoại của tài xế rồi tẩu thoát.
Nghi phạm này còn cho biết trước khi gây án, Loan cướp xe máy của 1 xe ôm ở quận 12 bằng thuốc mê nhưng bị phát giác nên trả lại tài sản.
Vạn lý độc hành Trần Thị Chắc
Lịch sử cướp gây mê là một hành trình đẫm máu với phương thức gây án khó đoán định và tàn nhẫn.
Từ những năm đầu 1990, ở nhiều tỉnh thành phía Nam xuất hiện loại tội phạm mới - cướp bằng thủ đoạn gây mê nạn nhân. Nhiều năm sau đó, bằng những nỗ lực không mệt mỏi, lực lượng công an các tỉnh và Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã lần lượt “vén màn bí mật” của những cái chết tức tưởi, những vụ cướp tài sản giá trị lớn với tình trạng nạn nhân bị đầu độc hôn mê.
"Tổ sư" của cướp gây mê là một người phụ nữ kỳ lạ, hoạt động đơn độc có dáng vẻ bề ngoài hiền lành, quê quê nhưng thủ đoạn thì bá đạo khôn lường, đến nhà chùa thị cũng không tha.
Năm 1996, bà Trần Thị Kim Dung (xã Tam Bình, Thủ Đức, TP.HCM) đốt nhang cho người chồng mới qua đời thì một phụ nữ đi vào. Người này giới thiệu là vợ của Tỉnh trưởng Phước Tuy (trước 1975), đang đi mua nhà, nếu ai chỉ giùm chỗ bán thì sẽ biếu một chỉ vàng.
|
"Phù thủy gây mê" bị tuyên phạt án tử hình. Ảnh: Công an TP.HCM |
Đang có ý định bán nhà, giờ lại thấy người hỏi mua nên bà Dung mở lời. Mặc dù không chịu mua căn nhà của bà Dung nhưng người phụ nữ ở lại tâm sự suốt buổi sáng về chuyện nhà cửa. Đến đêm, đang nằm trên giường ngủ chung với bà cháu chủ nhà, bà khách bỗng thốt lên quên chưa uống nước sâm.
Bà này chui ra khỏi màn, lát sau đem lên một ly nước sâm lớn mời bà Dung uống. Thắc mắc tại sao nước lại màu trắng đục, bà khách bảo cho nhiều đường. Sau khi uống ly nước, bà Dung mê mệt.
Sáng hôm sau, thấy bà ngoại vẫn nằm ngủ, lay gọi mãi không được, đứa cháu 7 tuổi đã la lên. Lối xóm đổ xô đến, tưởng bà Dung “trúng gió”, cạo gió không khỏi mới đưa đi bệnh viện.
Nạn nhân tiếp theo của người đàn bà quê quê đi hỏi mua đất là bà Nguyễn Thị Sỹ (ở một mình tại xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận),hỏi mua đất không thành Trần Thị Chắc gạ hỏi mua ghe đánh cá với giá 6 cây vàng và cho bà ta ở lại nhà chờ con mang tiền ra. Đêm 22/1/1996, khách pha nước sâm mời bà Sỹ uống và khi bà này mê man đã bị lấy đi một đôi bông tai, một nhẫn vàng, 300.000 đồng và 6 chai dầu gió ngoại.
Công an tỉnh Ninh Thuận cho nhận dạng, xác định kẻ gây án là Trần Thị Chắc nhưng truy bắt chưa được thì nữ quái tiếp tục gây ra vụ án khác với thủ đoạn tương tự.
41 vụ cướp tại 17 tỉnh, thành
Tại một số tỉnh khác, những năm trước đó xảy ra hàng loạt vụ có phương thức, thủ đoạn giống nhau, cũng do một người đàn bà giả đi mua đất, mua nhà. Qua báo cáo của công an các tỉnh, Cục Cảnh sát hình sự ở phía Nam lập được bản thống kê dài danh sách vụ việc.
Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Lâm Đồng) báo cáo năm 1991-1993 địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ. Công an tỉnh Tiền Giang xác định năm 1989 đến hết tháng 3/1996 xảy ra 7 vụ. Tại tỉnh Đồng Nai xảy ra cả chục vụ; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong 8 năm cũng xảy ra 5 vụ, làm chết một người...
Nhận thấy nếu cứ “đánh lẻ” sẽ rất khó khăn và kéo dài thời gian, ngày 3/4/1996 lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát quyết định xác lập chuyên án liên tỉnh truy bắt Trần Thị Chắc.
Chiều 24/9/1996, phát hiện nghi can đi xích lô đến Công an phường 13 (quận 10) để giải quyết vụ ẩu đả với chủ cho thuê nhà, cảnh sát đã bắt giữ, song bà ta nói không phải Chắc và không ký biên bản.
Sau đó, Chắc ký bằng cái tên tự đặt nhưng lại buột miệng thắc mắc: "Tôi đã xem báo thấy truy nã tôi, tội lần trước tôi đã bị xử phạt, còn truy nã cái gì nữa". Bị “lỡ miệng”, đành phải nhận mình là Chắc nhưng bà ta không nhận mình là “tác giả” của hàng loạt vụ gây mê cướp tài sản trong hơn chục năm. Hàng loạt nhân chứng được đưa đến nhận dạng.
Cuối tháng 3/1997, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và Ban chuyên án quyết định giao Chắc cho Công an tỉnh Bình Thuận. Lúc này, cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ đã thống kê, Chắc gây án tại 17 tỉnh, thành phố phía Nam và bà ta khai nhận 43 vụ, 18 vụ còn lại không nhận, cơ quan điều tra không đủ tài liệu chứng minh... Kết thúc điều tra, Chắc bị truy tố về hai tội danh Cướp tài sản và Giết người.
Theo đó, sau khi thi hành xong bản án 36 tháng tù về hành vi dùng thuốc ngủ đầu độc để cướp tài sản của công dân, Chắc tiếp tục sử dụng "tay nghề đánh thuốc mê" gây án trong hàng chục năm, thực hiện 41 vụ cướp tại 41 gia đình ở 17 tỉnh, thành phố phía Nam như: Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP HCM... làm 5 người bị chết và 76 người mê man bất tỉnh, phải đưa đi cấp cứu.
Bà ta chỉ có một “bài” là giả vờ đi mua đất, nhà hoặc mua ghe rồi mời uống nước có thuốc ngủ, đợi khi nạn nhân bị bất tỉnh ra tay cướp tài sản.
Lần này, trước vành móng ngựa, Chắc tỏ ra khá bình tĩnh, nhận gây ra tất cả 41 vụ, nhận tội Cướp tài sản nhưng không nhận tội giết người. Bà ta cướp tổng cộng trên 67 triệu đồng, 722 chỉ vàng 24K, 36,6 chỉ vàng 18K và 300 USD...
Tòa tuyên phạt Chắc tử hình về tội cướp tài sản, tử hình về tội giết người, tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Dù thủ đoạn của phù thủy gây mê đã được thông tin đến người dân để cảnh giác nhưng vẫn tiếp tục xuất hiện những nạn nhân mới và dĩ nhiên thủ phạm cũng mới, nhưng lần này họ không hoạt động đơn độc mà kết thành băng nhóm với thủ đoạn mới hơn.