PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu lý do nghỉ học thứ Bảy không thể áp dụng đại trà

Google News

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, đề xuất nghỉ dạy học ngày thứ Bảy phải tùy trường hợp, tình huống cụ thể chứ không thể áp dụng đại trà.

Những ngày qua, thông tin về đề xuất nghỉ dạy học ngày thứ Bảy từ Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Trong đó, các phụ huynh, học sinh cũng như những người thầy cô giáo đã có ý kiến riêng của mình về vấn đề này.
PV báo Người Đưa Tin cũng đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho hay: “Tùy theo tình hình về cơ sở vật chất của nhà trường, tính toán xem có nghỉ dạy học vào ngày thứ Bảy hay không. Bởi, có những trường học luôn hai ca (tức là chỉ học 5 ngày). Thứ Bảy, Chủ nhật nghỉ là đúng, điều này cũng giống như các nước trên thế giới.
Nhưng, đối với nhiều trường học ở Việt Nam hiện nay, không có đủ cơ sở vật chất để dạy học cả ngày mà phải học một buổi. Nếu nghỉ thêm ngày thứ Bảy nữa thì chương trình học sẽ dồn lên, sẽ sinh ra chuyện học thêm, dạy thêm… Vì thế, học sinh chỉ học một ca sáng hoặc một ca chiều, thì việc phải học ngày thứ Bảy là điều đương nhiên. Theo tôi, phải phân biệt rõ ràng, không thể cái gì cũng làm đồng loạt”.
PGS.TS Tran Xuan Nhi neu ly do nghi hoc thu Bay khong the ap dung dai tra
 PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng đề xuất không dạy học ngày thứ Bảy phải tùy tình huống, hoàn cảnh cụ thể.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, việc nghỉ học ngày thứ Bảy ở bậc THCS, THPT còn tùy thuộc vào cơ sở vật chất, tùy thuộc vào hoàn cảnh.
Tuy nhiên, việc dạy học vào ngày thứ Bảy, theo ông Trần Xuân Nhĩ sẽ có những mặt tích cực: “Việc học rải đều ra các ngày trong tuần, sẽ tránh được áp lực cho học sinh. Nếu hai ngày thứ Bảy, Chủ nhật đều nghỉ trong khi đó các ngày còn lại trong tuần học nhồi nhét thì rất căng thẳng. Vấn đề là cần phải tính toán hệ lụy xã hội kèm theo như: Xe cộ, thời gian của cha mẹ... Vì thế, khi đưa ra một chủ trương cần phải tính toán cho thích hợp, chứ không thể làm đại trà”.
Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cũng nhấn mạnh: “Dù chỉ học 5 ngày hay học cả ngày thứ Bảy thì điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng kiến thức phải được đặt lên hàng đầu”.
Muốn nhưng khó thực hiện!
Trao đổi với PV, thầy Tôn Sỹ Dũng (giáo viên trường THCS Võ Xán, tỉnh Bình Định), người hơn 30 năm đứng trên bục giảng bày tỏ: “Đề xuất của Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về các cơ sở giáo dục phổ thông không tổ chức dạy học ngày thứ Bảy có nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng, phần lớn đều đồng tình từ phụ huynh giáo viên và học sinh. Ngày thứ Bảy các em được nghỉ cùng với gia đình, tái tạo sức lao động sau một tuần làm việc. Tuy nhiên, theo tôi khó thực hiện, bởi nếu nghỉ ngày thứ Bảy có những buổi các em phải học 2 ca/ngày, trong khi một số trường phòng học còn thiếu. Hiện nay, ngày thứ Bảy chúng tôi vẫn dạy bình thường. Nên nếu đề xuất này được áp dụng thì tôi cũng rất đồng tình”.
Theo Thanh Lam/Người đưa tin

>> xem thêm

Bình luận(0)