Ông Hiệp “khùng” phải chịu trách nhiệm gì trong vụ cháy ở Đê La Thành?

Google News

(Kiến Thức) - Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân ban đầu vụ cháy ở Đê La Thành làm thiệt hại 19 ngôi nhà, 2 người tử vong là do chập điện, điểm cháy xuất phát từ dãy nhà trọ ông Nguyễn Thế Hiệp (biệt danh Hiệp “khùng”).

Liên quan đến vụ cháy 19 ngôi nhà trên phố Đê La Thành (quận Ba Đình, TP Hà Nội) ngày 22/9, bước đầu cơ quan chức năng cho biết, vụ hỏa hoạn lan rộng khoảng 900m2, các căn nhà bị cháy hầu hết là nhà tạm, cơi nới, không đảm bảo về kết cấu xây dựng. Toàn bộ hệ thống khung thép, mái tôn bị sập, do tác động của nhiệt khi cháy. Vì vậy, công tác khám nghiệm hiện trường gặp nhiều khó khăn và kéo dài thời gian.
Ong Hiep “khung” phai chiu trach nhiem gi trong vu chay o De La Thanh?
 Hiện trường vụ cháy.
Nhận định nguyên nhân ban đầu của cháy là do chập điện, điểm cháy xuất phát tại nhà ông Nguyễn Thế Hiệp (71 tuổi, được mệnh danh là ông Hiệp “khùng”), cũng là hiện trường chính.
Theo cơ quan chức năng, ông Hiệp thuê lại 4 nhà của 2 chủ hộ khác để cho thuê trọ. Trong các nhà mỗi tầng được ngăn thành nhiều phòng nhỏ. Đến chiều 21/9, tại hiện trường phát hiện 2 vật thể nghi sọ người nằm dưới hệ thống khung sắt và mái tôn bị sập đổ của tầng 2.
Cơ quan chức năng sau đó tiến hành tháo dỡ các kết cấu khung sắt, xác định là 2 tử thi bị cháy đen không thể nhận dạng được. Kết quả pháp y tử thi, ban đầu nhận định 2 nạn nhân gồm 1 nam và 1 nữ. Nguyên nhân tử vong do ngạt khí CO. Những phần còn lại của cơ thể bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao, không phát hiện dấu vết của ngoại lực tác động.
Ong Hiep “khung” phai chiu trach nhiem gi trong vu chay o De La Thanh?-Hinh-2
 Hình ảnh lực lượng chức năng đưa thi thể nạn nhân ra khỏi hiện trường vụ cháy tối ngày 21/9.
Dưới góc độ pháp lý của vụ việc, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nếu kết quả điều tra nguyên nhân vụ hỏa hoạn là do chập điện trong gian nhà trọ thì không có căn cứ khởi tố ông Hiệp về tội vi phạm quy định về PCCC theo Điều 315 BLHS.
Căn cứ Nghị định số 79 của Chính phủ quy định danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy (PCCC), dãy nhà trọ cấp 4 của ông Hiệp không thuộc danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC nên không bắt buộc phải lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động.
Ong Hiep “khung” phai chiu trach nhiem gi trong vu chay o De La Thanh?-Hinh-3
 Ông Nguyễn Thế Hiệp.
Theo quy định tại Phụ lục I, Nghị định 79/2014/NĐ-CP có đưa ra danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy gồm:
1. Trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, nhà chung cư có chiều cao từ 9 tầng trở lên; nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, trụ sở làm việc của cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội và tổ chức khác, viện, trung tâm nghiên cứu cao từ 7 tầng trở lên.
2. Cảng hàng không; nhà máy sửa chữa bảo dưỡng máy bay.
3. Cơ sở khai thác, chế biến, sản xuất xăng dầu, khí đốt và hóa chất dễ cháy, nổ với mọi quy mô.
4. Kho vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung ứng, bảo quản và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
5. Kho xăng dầu có tổng dung tích 500 m3 trở lên; kho khí đốt có tổng trọng lượng khí từ 600 kg trở lên.
6. Cửa hàng kinh doanh xăng dầu có từ 01 cột bơm trở lên; cửa hàng kinh doanh khí đốt có tổng lượng khí tồn chứa từ 70 kg trở lên.
7. Chợ kiên cố hoặc bán kiên cố có tổng diện tích kinh doanh từ 1.200 m2 trở lên hoặc có từ 300 hộ kinh doanh trở lên; trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hóa có tổng diện tích các gian hàng từ 300 m2 trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000 m3 trở lên.
8. Nhà máy điện hạt nhân; nhà máy nhiệt điện có công suất từ 100 MW trở lên; nhà máy thủy điện có công suất từ 20 MW trở lên; trạm biến áp có điện áp từ 220 KV trở lên.
Mặt khác, theo Phụ lục IV, Nghị định này này thì nhà nghỉ cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên thuộc danh mục dự án, công trình do cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.
Căn cứ Phụ lục I, IV Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, dãy nhà trọ cấp 4 của ông Hiệp không thuộc danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC nên không bắt buộc phải lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ Công an.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động thì chủ nhà và người thuê nhà phải thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC theo Điều 9 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định về điều kiện an toàn về PCCC như đối với hộ gia đình “Nơi đun nấu, nơi thờ cúng, nơi có sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, hệ thống điện, thiết bị sử dụng điện phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy; Tài sản, vật tư, chất cháy phải được bố trí, sắp xếp, bảo quản và sử dụng đúng quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy; Có phương tiện chữa cháy phù hợp với đặc điểm hoạt động và điều kiện của từng hộ gia đình”.
Đặc biệt, trong quá trình hoạt động thì chủ nhà và người thuê phải thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC như đối với hộ gia đình.
Như vậy, nếu có căn cứ xác định nguyên nhân gây hỏa hoạn là do chập cháy thiết bị điện trong phòng trọ được coi như trong hộ gia đình thì đây được coi là rủi ro khách quan. Trong trường hợp này chủ nhà trọ không có lỗi gây ra hỏa hoạn.
Theo luật sư Thơm, sự cố hỏa hoạn xảy ra, nếu do chập điện là sự rủi ro trong sinh hoạt như hộ gia đình chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, việc ông Hiệp mở dãy phòng trọ dù là mục đích nhân ái thì cũng cần phải đăng ký hoạt động với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực kinh doanh.
Nếu trường hợp ông Hiệp chưa thực hiện việc đăng ký kinh doanh thì có thể bị xử phạt hành chính theo điều 6, Nghị định số 124 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 185) về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.
Theo đó, sẽ phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định. Ngoài ra, khi ông Hiệp cho khách vào ở qua đêm mà không khai báo tạm trú thì có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013.
Ông Hiệp không phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng việc bồi thường dân sự sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự. Khi đó, ông Hiệp phải có trách nhiệm thỏa thuận bồi thường cho các gia đình nạn nhân, trợ cấp nuôi con nuôi con đến năm 18 tuổi,...
Bảo Ngân

>> xem thêm

Bình luận(0)