Ô nhiễm nước sạch sông Đà: Cần xem xét thêm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”?

Google News

(Kiến Thức) - Cơ quan CS điều tra huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235, Bộ luật Hình sự năm 2015 là cần thiết. LS Diệp Năng Bình cho rằng, cần xem xét thêm hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Liên quan vụ việc ô nhiễm nước sạch sông Đà cung cấp cho TP Hà Nội, chiều 17/10, Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra công an huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235, Bộ luật Hình sự.
Hiện cơ quan công an đang tiến hành truy xét, truy tìm đối tượng đổ chất thải để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà không bảo đảm chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Ngày 16/10, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Công văn số 6666/VPUBND-NNTN chỉ đạo Sở TN&MT và Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà khẩn trương khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn nguồn nước mặt sông Đà kịp thời cung cấp nguồn nước sạch, bảo đảm chất lượng cho nhân dân. UBND tỉnh Hòa Bình cũng giao Công an tỉnh tập trung điều tra làm rõ hành vi đổ trộm dầu thải tại xã Phú Minh (Kỳ Sơn) và hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà đã không ngăn chặn kịp thời dẫn đến sự cố ô nhiễm cho hệ thống nước cung cấp cho người dân tại khu vực TP Hà Nội, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
O nhiem nuoc sach song Da: Can xem xet them toi “Thieu trach nhiem gay hau qua nghiem trong”?
 Váng dầu bám bên suối đầu nguồn.
Dư luận đặt cho rằng vụ việc, cán bộ, lãnh đạo Viwasupco có dấu hiệu hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà đã không ngăn chặn kịp thời dẫn đến sự cố ô nhiễm cho hệ thống nước cung cấp cho người dân tại khu vực TP Hà Nội và yêu cầu Công an tỉnh Hòa Bình sớm điều tra kết luận về hành vi này.
Có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm
Trao đổi với PV Kiến Thức Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật) cho rằng việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án để điều tra về tội gây ô nhiễm môi trường là cần thiết. Đồng thời nên xem xét thêm hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 360 Bộ luật Hình sự.
Luật sư Diệp Năng Bình phân tích, hành vi phát hiện nguồn nước nhiễm bẩn nguy hại nhưng không có bất cứ hành động nào, từ báo cáo đến ngăn chặn, thì đã có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, hành vi này của một số cán bộ, công nhân của Công ty Nước sạch Sông Đà cũng đã vi phạm tại các Điều 227 Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
"Về cơ bản, nước cũng được xem là một tài nguyên. Căn cứ theo yếu tố này, với tình tiết gây sự cố môi trường thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Đối với pháp nhân phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này như gây ra sự cố môi trường, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm”, Luật sư Diệp Năng Bình cho hay.
O nhiem nuoc sach song Da: Can xem xet them toi “Thieu trach nhiem gay hau qua nghiem trong”?-Hinh-2
 Luật sư Diệp Năng Bình.
Đồng thời Luật sư Bình cho rằng cũng có thể vi phạm theo quy định Điều 237 BLHS Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường: Nếu cá nhân gây thiệt hại 7.000.000.000 đồng trở lên thì thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì mức phạt có thể dao động 1 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 năm đến 3 năm”. luật sư Bình nói
Nếu xác định Viwasupco vi phạm các quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị doanh nghiệp có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
"Theo quy định tại Điều 79 Bộ luật hình sự thì đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra," luật sư Bình giải thích.
Đối tượng đổ trộm dầu thải bị xử ra sao?
Cơ quan Cảnh sát điều tra công an huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235, Bộ luật Hình sự. Dư luận quan tâm, đối tượng có hành vi đổ trộm dầu thải ra môi trường sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
Trao đổi về việc này, Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, hành vi xả thải ra môi trường mà chưa qua xử lý không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân mà còn là hành vi bất hợp pháp và tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý về hình sự.
Theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội gây ô nhiễm môi trường đã nâng mức phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng và nâng mức phạt tù từ 1 - 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng thì có thể bị phạt tiền từ 1 - 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm. Đặc biệt, đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này bị phạt tiền từ 1 - 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp phải có biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu; Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức; Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, vụ việc doanh nghiệp xả thải ra đầu nguồn nước, gây ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân Hà Nội làm hết việc hết sức nghiêm trọng, bởi vậy các quan chức năng cần xác minh làm rõ hành vi sai phạm, làm rõ mức độ ô nhiễm môi trường, nguy hại đến sức khỏe của người khác để có hình thức xử lý phù hợp. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy vào hậu quả xảy ra mà hành vi xả chất thải ra môi trường, đặc biệt là đầu nguồn nước có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường.
Trường hợp hành vi vi phạm chưa đến mức phải xử lý hình sự thì hành vi gây ô nhiễm nguồn nước cũng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 19, Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường, mức phạt cao nhất có thể lên đến 1.000.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, nếu cơ quan CSĐT xác định hành vi đổ trộm chất thải đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì đối tượng sẽ phạm điều Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 có mức án cao nhất lến đến 5 năm tù.
Người dân có thể khởi kiện đòi bồi thường
Về dân sự, Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, người dân chịu hậu quả từ vụ ô nhiễm nước sạch hoàn toàn có thể khởi kiện công ty cấp nước sạch.
“Bên cạnh những thiệt hại về tinh thần trước sự hoang mang, lo lắng của hàng trăm nghìn người dân Thủ đô, những thiệt hại về kinh tế cũng không nhỏ khi người dân phải tự đi mua nước đóng bình về để phục vụ sinh hoạt, phải thay bộ lõi lọc cho các máy lọc nước trong gia đình.
Do đó, đủ cơ sở để yêu cầu đơn vị cung cấp nước phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với toàn bộ những thiệt hại của người dân. Tuy nhiên, do người dân không ký trực tiếp với công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà nên phải xem lại hợp đồng là đơn vị nào đã bán trực tiếp nước cho người dân và người dân kiện trực tiếp đơn vị đó”, Luật sư Bình cho hay.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)