Ô nhiễm môi trường 2019: Nóng xả thải Sông Đà, cháy NM Rạng Đông, bụi mịn Hà Nội

Google News

(Kiến Thức) - Năm 2019, hàng loạt vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến người dân, dư luận lo lắng bức xúc, điển hình là vụ xả dầu thải Sông Đà, phát tán thủy ngân vụ cháy NM Rạng Đông, ô nhiễm bụi Hà Nội, hàng loạt công ty con của Hòa Phát xả thải gây ô nhiễm môi trường...

Cháy nhà máy Rạng Đông, phát tán thủy ngân
Vụ cháy Nhà máy Rạng Đông (Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông) tại phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) chiều tối ngày 28/8 khiến dư luận lo lắng về lượng thủy ngân phát tán ra môi trường.
Sau khi xảy ra vụ cháy, UBND phường Hạ Đình đưa ra khuyến nghị người dân nhưng sau đó  một ngày khuyến nghị này bị thu hồi.
Đáng chú ý, ngày 30/8, UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, kết quả quan trắc nhanh cho thấy các thông số vi khí hậu, nhiệt độ, bụi... quanh khu vực nhà máy Rạng Đông đều ở mức bình thường.
Báo cáo của Công ty Rạng Đông cho biết vụ cháy gây thiệt hại 150 tỷ đồng, trong đó số lượng sản phẩm có thể ảnh hưởng đến môi trường ước tính 480.000 sản phẩm bóng đèn huỳnh quang; 2 triệu sản phẩm đèn tròn công suất thấp; 1,6 triệu bóng đèn HQ compact. Đồng thời khẳng định, các vật tư - nguyên vật liệu chính được sử dụng để sản xuất bóng đèn huỳnh quang, CFL, đèn tròn đều an toàn với sức khỏe con người kể cả khi cháy.
O nhiem moi truong 2019: Nong xa thai Song Da, chay NM Rang Dong, bui min Ha Noi
 Hình ảnh vụ cháy Nhà máy Rạng Đông.
Sở TN&MT Hà Nội có báo cáo khẳng định kết quả ban đầu không phát hiện nồng độ thủy ngân tại môi trường quanh vụ cháy.
Đáng chú ý, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tối 4/9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết qua tính toán số lượng đèn huỳnh quang và đèn compact bị cháy, cho thấy số lượng thủy ngân bị thất thoát ra môi trường là từ 15,1 – 27,2kg. Đồng thời cho biết: "người dân sống trong bán kính 500 m tính từ hàng rào kho bị cháy sẽ chịu ảnh hưởng ô nhiễm thủy ngân".
Ngày 5/9, đại diện Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông thừa nhận, căn cứ số sản phẩm bị cháy hỏng, Công ty tính quy ra hàm lượng thủy ngân là khoảng 15,5kg đến 15,6kg. Ngày 7/9, Công ty Rạng Đông chính thức gửi lời xin lỗi sau vụ cháy. Trong thư không nêu về hàm lượng thuỷ ngân thoát ra môi trường và nguy cơ với sức khoẻ của con người.
Vụ cháy và thông tin lượng thủy ngân phát tán đã khiến người dân lo lắng và bức xúc cho rằng Công ty Rạng Đông vô cảm, thiếu trách nhiệm, bưng bít thông tin khiến việc xử lý hậu quả vụ cháy bị kéo dài, tăng thêm những thiệt hại. Nhiều hàng quán gần khu vực cháy đã đóng cửa từ sau vụ cháy, nhiều người dân sống quanh khu vực Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông vẫn cửa đóng then cài, lo sợ bị nhiễm độc nên vẫn chưa dám về nhà. Nhiều gia đình đã đóng cửa, treo biển bán nhà. Mới đây, người dân khu đô thị 54 Hạ Đình (Hà Nội) đã có đơn yêu cầu Rạng Đông phải bồi thường.
Xả thải sông Đà gây ô nhiễm nguồn nước sạch
Vụ việc xả dầu thải đầu độc nguồn nước sạch Sông Đà được phát hiện ngày 10/10 khi người dân 8 quận, huyện ở TP Hà Nội phản ánh việc nước sinh hoạt do Viwasupco cung cấp có mùi dầu thải khó chịu, sau đó các cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh.
Báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình cho thấy, ngày 9/10, người dân phát hiện việc đổ trộm dầu thải trên đường liên xã Hợp Thịnh - Phúc Tiến - Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình), các cơ quan chức năng sau đó đã kiểm tra hiện trường.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, một số cán bộ của Viwasupco có phát hiện việc này từ sáng 8/10 nhưng không có bất cứ báo cáo nào của cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cũng như TP Hà Nội. Công ty này cũng không có bất kỳ hành vi nào ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định dẫn đến váng dầu này chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy đến hệ thống phân phối đến người dân các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.
O nhiem moi truong 2019: Nong xa thai Song Da, chay NM Rang Dong, bui min Ha Noi-Hinh-2
 Xả dầu thải đầu độc nước sạch Sông Đà khiến người dân bức xúc.
Đáng chú ý, gần 1 tuần sau khi sự cố xảy ra, Hà Nội khuyến cáo người dân không ăn, không uống nước này do nhiễm dầu, chứa hàm lượng styren trong nước vượt quá quy chuẩn.
Ngày 16/10, Công an huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, khởi tố vụ án hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường. Một ngày sau, công an tạm giữ hai nghi phạm đổ dầu thải là Nguyễn Chương Đại, Hoàng Văn Thám. Ngày 20/10, người thuê Đại và Thám làm việc này là Lý Đình Vũ ra đầu thú. Theo lời khai các đối tượng số dầu thải được nhóm này lấy từ Công ty gốm sứ Thanh Hà ở Phú Thọ. Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 3 người này và đang tiếp tục làm rõ vụ án.
Sáng 4/11, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung lần đầu lên tiếng nhận trách nhiệm của chính quyền thành phố trong vụ việc và hứa sẽ rút kinh nghiệm. Đến nay, trách nhiệm của Viwasupco và Công ty gốm sứ Thanh Hà vẫn chưa được làm rõ.
Ô nhiễm bụi Hà Nội khiến người dân lo lắng
Cuối tháng 9/2019, mạng xã hội có nhiều chia sẻ về Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Cụ thể, ghi nhận trên trang quan trắc Air Visual sáng 26/9, chất lượng không khí trung bình ở Hà Nội duy trì ở mức 187. Cá biệt, khu vực Tây Hồ lên đến 224.
Chi cục Bảo vệ Môi trường TP Hà Nội sau đó khẳng định số liệu chỉ ra Hà Nội có chất lượng không khí kém nhất thế giới không đầy đủ, khách quan.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - ông Lê Công Thành khẳng định, thông tin từ những trang mạng công bố chất lượng không khí trên toàn cầu như Airvisual, PAM air... về chất lượng không khí chỉ mang tính tham khảo.
O nhiem moi truong 2019: Nong xa thai Song Da, chay NM Rang Dong, bui min Ha Noi-Hinh-3
Ô nhiễm bụi Hà Nội khiến người dân lo lắng. 
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, Hà Nội hiện có 11 trạm quan trắc theo tiêu chuẩn Việt Nam để quan trắc tất cả các chỉ số về không khí, đặc biệt là bụi mịn PM 2.5. Kết quả quan trắc những ngày qua cho thấy các chỉ số đều đạt tiêu chuẩn, còn riêng hạt bụi mịn thì vượt ngưỡng.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, môi trường không khí bị ô nhiễm phải xác định nguyên nhân gây ô nhiễm, vấn đề là đo và đánh giá thế nào cho chuẩn và đề nghị lấy số liệu được quy chuẩn ở Việt Nam mới có thông tin chính xác. Hà Nội cũng đã xác định nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, không khí, trong đó có khí thải từ ô tô xe máy, từ việc đun than tổ ong, phá dỡ công trình xây dựng, vận chuyển vật liệu xây dựng; hiện tượng một số người dân vùng ngoại thành đốt rơm rạ, rác thải, bụi rác thải…
Đáng chú ý, mới đây, báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về việc thi hành Luật Thủ đô dẫn chứng nhiều con số về tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố. Báo cáo hoàn thành ngày 19/7/2019 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng ký.Báo cáo nêu rõ: "Thống kê gần đây nhất cho thấy mỗi năm môi trường không khí thành phố Hà Nội phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2".
Hàng loạt công ty của Tập đoàn Hòa Phát bị tố gây ô nhiễm môi trường
Ngày 5/11, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 2856/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Gia cầm Hoà Phát với số tiền 442,5 triệu đồng.
Công ty TNHH MTV gia cầm Hòa Phát Phú Thọ bị xử phạt do đã thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; thải chất thải rắn công nghiệp thông thường (phân gà) trái quy định về bảo vệ môi trường từ 60.000kg đến dưới 80.00kg. Ngoài phạt tiền, Công ty TNHH MTV gia cầm Hòa Phát Phú Thọ còn bị áp dụng biện pháp khắc phục như đình chỉ ngay hành vi vi phạm, tăng cường gia cố bờ bao đảm bảo không để nước, phân từ các hố và hồ sinh học chảy tràn ra ngoài ảnh hưởng đến môi trường khu vực và hồ Ngả 2; khẩn trương thực hiện các biện pháp cải tạo, phục hồi môi trường bị ô nhiễm.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên Công ty TNHH MTV gia cầm Hòa Phát Phú Thọ bị xử phạt do có hành vi gây ô nhiễm môi trường. Trước đó, vào tháng 11/2018, Công ty này đã từng bị Công an tỉnh Phú Thọ xử phạt số tiền 70 triệu đồng.
O nhiem moi truong 2019: Nong xa thai Song Da, chay NM Rang Dong, bui min Ha Noi-Hinh-4
 Người dân bức xúc trước việc Công ty Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ gây ô nhiễm môi trường.
Tháng 4/2019, Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang (công ty Hòa Phát Bắc Giang) cũng bị người dân tố gây ô nhiễm môi trường.
Theo phản ánh của người dân, kể từ khi dự án chăn nuôi lợn tập trung của Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang đi vào hoạt động, hàng nghìn người dân địa phương đã phải sống với ác mộng do ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, công ty Hòa Phát Bắc Giang liên tục xả thải ra môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải cho phép, dẫn đến không khí nồng nặc mùi hôi thối, các dòng sông, suối cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Bức xúc trước tình trạng môi trường bị ô nhiễm, sáng ngày 6/4, hàng trăm người dân xã Long Sơn (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) đã kéo đến trước cổng công ty Hòa Phát Bắc Giang, chặn đường, bao vây khu vực không có người và phương tiện ra vào để phản đối hoạt động của doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Tại buổi đối thoại được tổ chức ngày 8/4 với sự tham gia của đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang, lãnh đạo UBND huyện Sơn Động, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Bắc Giang), UBND xã Long Sơn và Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang với người dân xã Long Sơn, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Giám đốc Công ty Phát triển Chăn nuôi Hòa Phát (Công ty mẹ của Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang) cho biết, công ty tiếp thu những ý kiến phản ánh của người dân, đồng thời gửi lời xin lỗi đến người dân và nhận trách nhiệm do hoạt động chăn nuôi của công ty gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân.
Đồng thời, cam kết chuyển toàn bộ số lợn đang chăn nuôi hiện có tại Đồng Chòi đi nơi khác. Trong thời gian 3 tháng tới, không tiếp tục thực hiện việc đưa lợn con vào chăn nuôi để thực hiện khắc phục các tồn tại về môi trường, không gây ảnh hưởng đến khu vực xung quanh.
Mới đây, người dân tố Nhà máy thép Hòa Phát (Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất) ở khu công nghiệp Dung Quất, Quảng Ngãi xả thải gây ô nhiễm môi trường khiến cây cối hoa màu bị chết trụi.
Theo phản ánh của người dân, Nhà máy thép Hòa Phát vừa gây ô nhiễm không khí, vừa gây tiếng ồn khiến người dân sống gần nhà máy rất lo ngại. Nếu chính thức đi vào hoạt động, nhà này sẽ còn gây ô nhiễm nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, đời sống cũng như canh tác của người dân.
Sáng 4/12, Cục Bảo vệ Môi trường miền Trung và Tây Nguyên đã tổ chức đoàn công tác làm việc với UBND huyện Bình Sơn để khảo sát và xác minh thông tin phản ánh của dân do ông Nguyễn Gia Cường - Cục Phó dẫn đầu.

Video Toàn cảnh vụ cháy xảy ra tại Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông - Nguồn: ANTV


Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)