|
Nguy hiểm rình rập khi người dân đu dây qua sông. |
Chiếc cầu sắt do người dân khu vực Sông Lạnh, ấp Tân Bắc, xã Bình Minh tự đóng tiền làm từ năm 2000 đã bị lũ cuốn trôi giữa tháng 9/2015. Đây là chiếc cầu dân sinh, nối vùng Sông Lạnh đi ấp Sông Mây, giúp người dân trong vùng qua lại, vận chuyển nông sản, học sinh đi học, công nhân đi làm ở các khu công nghiệp Sông Mây, Hố Nai…
“Treo” tính mạng khi qua sông
Sau khi cầu bị nước cuốn trôi, hàng ngày bà Hoàng Thị Lực vẫn phải qua sông để đi chợ, đưa đón các cháu đi học… Tuy nhiên để sang bờ bên kia, bà Lực phải ngồi trên chiếc xuồng nhỏ, bám vào sợi dây thừng được buộc cố định vào 2 gốc cây ở 2 bên bờ sông, sau đó dùng sức để kéo cả xuồng và người, hàng hóa vượt dòng nước chảy xiết để qua đoạn sông rộng hơn 20m. Mỗi lần "đu dây" qua sông là một lần nhọc nhằn, bất an đối với bà và mọi người trong khu vực.
Bà Lực cho biết: “Đợt lũ vừa rồi lớn quá, nước thượng nguồn đổ về vừa mạnh vừa nhiều, nước dâng lên cao từng giờ, người dân ai cũng lo gia cố nhà cửa và di chuyển đồ đạc trong nhà, chừng 4 giờ sáng chúng tôi chạy ra thì thấy cầu đã trôi trong sự bất lực của mọi người. Từ đó đến nay người dân đi làm, vận chuyển hàng hóa, nông sản, con cháu đi học cũng rất khó khăn. Tôi đi mua cám về, phải cho từng bao cám xuống xuồng đưa sang bên kia chuyển lên, rồi quay trở lại bên này chuyển tiếp, vất vả vô cùng. Người dân muốn bán con gà, con vịt, con heo cũng rất khó khăn”.
Ông Trương Văn Nghĩa, người dân sống trong vùng, cho biết trước đó, ngày 15/10 một chiếc xuồng đưa 4 học sinh và 2 người lớn qua bờ để đi học, đi làm, khi “đu” ra giữa dòng nước xiết thì xuồng bị lật. May mà lúc ấy người dân 2 bên bờ đã kịp lao ra cứu sống được 6 mạng người. Chọn cách qua sông với việc “đu dây” đi xuồng, ghe là sự bất an, thậm chí “đùa” với tử thần, nhưng người dân ở đây vẫn phải chấp nhận bởi tình thế và nhu cầu qua lại hàng ngày. Nếu không “đu dây”, người dân trong vùng phải chạy xe máy đi đường vòng một quãng đường xa đến vài chục km, vì thế hầu hết vẫn chọn “phương tiện” lưu thông nguy hiểm này.
Mong cây cầu mới
Mất cầu dân sinh không chỉ đối mặt với hiểm nguy luôn rình rập khi lưu thông, việc “không cầu” còn đồng nghĩa với hàng hóa, nông sản của người dân sản xuất ra bị thương lái ép giá. Bà Nguyễn Thị Kim Hương, người dân trong vùng than thở: “Gần 2 tháng nay dân chúng tôi bị cô lập vì đường đi qua sông. Nếu muốn đi đường vòng thì rất xa, phải chạy qua xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) hoặc đi đường rừng qua xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) rồi đi vòng hàng chục km. Đàn ông thì có thể đi như vậy chứ phụ nữ thì sợ, nhất là vào buổi tối. Vì thế, dù nguy hiểm thế nào người dân cũng phải vượt sông đi đường này. Cũng vì đường xa như vậy, bầy heo nhà tôi bị trả giá thấp với lý do tăng chi phí vận chuyển. Người dân thiệt khổ đủ đường. Bây giờ chúng tôi chỉ mong chính quyền các cấp giúp đỡ cho dân nghèo trong vùng có cây cầu để đi qua đi lại cho đỡ khổ thôi”.
Phó chủ tịch UBND xã Bình Minh Nguyễn Văn Tuyên cho biết: “Sau khi cầu dân sinh của người dân nơi đây bị lũ cuốn trôi, Chính quyền địa phương đã khảo sát và ghi nhận những khó khăn của người dân, đồng thời có văn bản báo lên UBND huyện xem xét giải quyết. Trong khi chờ đợi phản hồi, người dân nơi đây vẫn phải di chuyển qua lại bằng việc “đu dây” bằng xuồng, ghe qua sông vì đó chính là nhu cầu sinh hoạt, cuộc sống của họ. Địa phương chỉ biết mong chờ lãnh đạo cấp trên nhanh chóng khảo sát, xây một cây cầu để bà con qua lại, không phải “đánh cược” mạng sống của mình như thế này”.
Hơn lúc nào hết, người dân ở đây rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người dân sớm có cây cầu đi lại thuận tiện hơn, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế.