ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Cho tù nhân lao động ngoài, dễ bị đưa lên mạng

Google News

Với thiết bị quay phim, chụp ảnh bằng flycam như hiện nay thì quay phim được nhiều chỗ. Phạm nhân mặc áo sọc lao động ở chỗ này, chỗ kia ngoài trại giam, kẻ xấu có thể lợi dụng quay phim đưa lên mạng” đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

DB Luu Binh Nhuong: Cho tu nhan lao dong ngoai, de bi dua len mang
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (ảnh PV). 
Chiều 12.11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ cho ý kiến về dự thảo Luật thi hành án hình sự (sửa đổi). Một điểm đáng chú ý của dự thảo Luật là quy định căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam. Việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến.
Phát biểu tại tổ đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết, ông không đồng tình với quy định cho phạm nhân ra ngoài trại giam để lao động. “Đưa phạm nhân ra ngoài trại giam lao động có biết bao nhiêu thứ rủi ro như phạm nhân có thể trốn chạy, phạm nhân chống trả, có thể xảy ra việc tấn công giải vây tù nhân hoặc phạm nhân tai nạn lao động…”, đại biểu Nhưỡng nói.
Ông Nhưỡng phân tích thêm, phạm nhân ra ngoài trại giam lao động còn dễ bị thế lực thù địch lợi dụng quay phim, chụp ảnh. “Với thiết bị quay, chụp ảnh bằng flycam như hiện nay thì quay phim được nhiều chỗ. Phạm nhân mặc áo sọc lao động ở chỗ này, chỗ kia, kẻ xấu có thể lợi dụng quay phim đưa lên mạng. Chúng ta sắp tới ký Công ước 105 xóa bỏ lao động cưỡng bức mà lại có những hình ảnh người tù lao động bị đưa lên mạng thì sẽ lý giải thế nào với thế giới về tính nhân văn của chúng ta, lý giải thế nào về cam kết của chúng ta với quốc tế”, đại biểu Nhưỡng băn khoăn.
Cũng đề cập tới vấn đề này, đại biểu Hồ Đức Phớc – Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam sẽ tạo hình ảnh phản cảm, có nguy cơ phạm nhân bỏ trốn cũng như tạo sự lạm dụng của cán bộ trại giam. Ông cho rằng, trại giam có thể phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động nhưng phải bảo đảm chế độ giam giữ. Ông đề xuất có thể tổ chức học nghề cho phạm nhân, sản xuất trong trại, ký hợp đồng bán sản phẩm.
Đại biểu Lê Thị Nga- Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án Luật này) cũng cho rằng, việc đưa ra ngoài lao động sẽ rất phức tạp và trên thực tế những trường hợp bỏ trốn, rồi hình ảnh phản cảm, tác động đến người dân xung quanh.
“Trại giam nào khó khăn thì đề nghị địa phương tạo điều kiện về đất đai để tổ chức lao động cho phạm nhân. Nếu trại giam phối hợp với doanh nghiệp thì cũng tổ chức cho phạm nhân lao động trong trại. Tôi không đồng ý đưa hẳn ra ngoài”, đại biểu Lê Thị Nga nói.
Đồng quan điểm với các ý kiến trên, đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) phân tích thêm: Đã là phạm nhân thì phải có sự khác biệt. Người phạm tội sau khi bị kết án được đưa vào trại là để cải tạo, có cách ly để thi hành án. Lao động của phạm nhân là trong trại giam để tránh trốn trại, bảo đảm an toàn. Vị đại biểu này cũng nhấn mạnh không đồng tình với quy định cho phạm nhân ra lao động ở ngoài trại giam.
Sáng nay 13.11, Quốc hội sẽ nghe các báo cáo liên quan đến công tác tư pháp, trong đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2018
Theo Lương Kết/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)