10 CEO giàu nhất sàn chứng khoán năm 2012

Google News

Người đứng đầu công ty FPT, Quốc Cường Gia Lai, PNJ, Phát Đạt... là những CEO nằm trong danh sách top 10 này.

1. Nguyễn Văn Đạt - Tổng Giám đốc Công ty Phát Đạt (PDR)


Ông chủ Phát Đạt sinh năm 1970 trong một gia đình 8 anh chị em. Ông không học ĐH, dù từ lớp 1 đến 12 đều là học sinh trường chuyên. Khi học xong 12, vì hoàn cảnh gia đình, ông đành rời ghế nhà trường và theo bố mẹ kinh doanh.

Đầu tiên, ông Nguyễn Phát Đạt làm việc trong ngành kinh doanh buôn bán ô tô nhưng bước ngoặt của sự nghiệp và tên tuổi của ông gắn liền với công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR). Sự thành công của dự án EverRich I khiến ông "nổi như cồn" và đưa vị thế của PDR xác lập trên thị trường bất động sản.

Ông trở thành cổ đông sáng lập và giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty từ năm 2004 đến nay.

Hiện ông Đạt sở hữu 76,8 triệu cổ phiếu PDR, trị giá khoảng 1.075 tỷ VND. Dù phát triển theo mô hình cổ phần nhưng Phát Đạt vẫn là một công ty theo kiểu gia đình trị khi mà 77,57% vốn PDR đều nằm trong tay vị tổng giám đốc và gia đình.

2. Trương Thị Lệ Khanh - Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC)


Từng là cán bộ Sở tài chính tỉnh An Giang và Phó Giám đốc công ty Thương Nghiệp Tổng Hợp An Giang trong nhiều năm, bà Khanh bắt đầu kinh doanh từ năm 1997, khi bà mở Công ty TNHH Vĩnh Hoàn (VHC).

Bà Khanh hiện nắm giữ 23,37 triệu cổ phiếu VHC - tương đương 49,6% cổ phần của Vĩnh Hoàn. Lượng cố phiếu này hiện có giá trị gần 640 tỷ đồng.

Trong suốt năm 2012, VHC chưa bao giờ được giao dịch dưới mức giá 26.000 VND. Nếu so sánh thời điểm đầu và cuối năm 2012, cổ phiếu của công ty tuy có mất giá nhưng không đáng kể, chỉ giảm khoảng 3%.

3. Trương Gia Bình - Tổng Giám đốc công ty Cổ phần FPT


Ông Trương Gia Bình quay trở lại "chiếc ghế nóng" sau khi cựu CEO của FPT từ nhiệm vào tháng 9/2012. Trước đó, ông đã ngổi ở vị trí đó trong suốt 21 năm.

Theo báo cáo thường niên của FPT, ông Trương Gia Bình là “linh hồn, người tập hợp lực lượng cũng như có tầm nhìn xa và luôn đưa ra được những định hướng chiến lược quan trọng trong từng giai đoạn để giữ vững sự tăng trưởng vượt bậc của FPT”.

Hiện ông Bình là cổ đông cá nhân lớn nhất, nắm 7,14% cổ phần của FPT và đứng trong top 20 người giàu nhất thị trường chứng khoán với lượng cổ phiếu trị giá hơn 637,6 tỷ VND. Ông cũng là một trong số ít lãnh đạo của FPT chưa hề bán ra cổ phiếu kể từ khi công ty này lên sàn.

Cổ phiếu FPT có lúc lên tới 67.000 VND một đơn vị vào tháng 5/2012. Nhưng sau đó nó lại tuột đốc nhanh chóng, có thời điểm chỉ bằng một nửa mức đỉnh của năm. So với đầu năm, giá chốt cổ phiếu FPT vào ngày 21/12 giảm khoảng 25%.

4. Dương Ngọc Minh - Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG)


Được người dân miền Tây đặt biệt danh là "vua xuất khẩu cá tra", con đường lập nghiệp của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG) Dương Ngọc Minh trải qua không ít sóng gió.

Ông từng ngồi tù 6 năm, khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, đi đầu trong công nghệ kho lạnh tại Việt Nam, và giờ là ông chủ của một trong những doanh nghiệp lớn nhất ngành thủy sản Việt Nam.

Hiện ông Minh nắm giữ 28,4 triệu cổ phiếu HVG, có trị giá 606 tỷ VND, đưa ông trở thành doanh nhân giàu thứ hai trong lĩnh vực thủy sản trên sàn chứng khoán. HVG từng đạt mức giá cao nhất là 44.000 VND, nhưng cổ phiếu này chỉ còn giao dịch ở 21.300 VND vào cuối năm nay.

5. Lê Văn Quang - Tổng giám đốc công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC)



Xuất thân là kỹ sư nuôi tôm làm trong doanh nghiệp nhà nước, ông Lê Văn Quang quyết định rẽ sang con đường riêng: làm đại lý thu mua tôm cho một doanh nghiệp tư nhân từ năm 1988. Lợi nhuận từ những thương vụ đầu tiên được ông dồn vào xây dựng Xí nghiệp Chế biến Cung ứng hàng xuất khẩu Thủy hải sản Minh Phú, sau này là công ty Minh Phú.

Ông Quang từng tuyên bố: “Chỉ khi người Mỹ không ăn tôm nữa thì mới không mua sản phẩm của Minh Phú". Hiện ông và vợ sở hữu tới 47% cổ phần tại Minh Phú, trong đó, riêng giá trị cổ phiếu ông Quang nắm giữ là gần 500 tỷ đồng.

6. Đặng Thị Hoàng Phượng - Tổng giám đốc công ty Cổ phần Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC)



Là một trong những thành viên của gia đình quyền lực họ Đặng, bà Hoàng Phượng không chỉ là sếp tại SQC mà còn giữ chức thành viên HĐQT tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) - công ty do anh trai là ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch. Giá trị cổ phần bà Phượng sở hữu tại 2 công ty trên hiện là 515 tỷ VND.

SQC có một năm giao dịch khá kỳ lạ khi hơn 80% số phiên năm 2012 cổ phiếu này đều giậm chân ở mức giá tham chiếu, trong khi lượng giao dịch mỗi ngày ở mức 100 đơn vị kéo dài hàng tháng liền.

7. Nguyễn Thị Như Loan - Tổng giám đốc công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG)


Khởi nghiệp từ ngành chế biến gỗ, kinh doanh phân bón rồi rẽ sang kinh doanh bất động sản một cách tình cờ, bà Loan có hơn 10 năm kinh nghiệm lăn lộn trong ngành địa ốc. Hiện bà sở hữu 60 triệu cổ phiếu QCG, giá trị gần 406 tỷ VND. Thêm vào đó, bà Loan ũng lọt top 10 nữ doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán.

QCG có một năm giao dịch đối lập nhau khi đầu năm cổ phiếu này vẫn ở mức 16.000 VND, nhưng nửa cuối năm thì giá cổ phiếu chỉ còn ở mức 50% mệnh giá. So với thời điểm đầu năm 2012, giá cổ phiếu của QCG giảm đúng một nửa, khiến giá trị cổ phần của các cổ đông công ty giảm mạnh, trong đó có bà Loan.

8. Doãn Tới - Tổng giám đốc công ty Cổ phần Nam Việt (ANV)

 

Sở hữu gần 30 triệu cổ phiếu ANV, ông Doãn Tới là một trong 3 doanh nhân thủy sản lọt top 10 CEO có tài sản lớn nhất sàn chứng khoán Việt năm 2012, với giá trị tương ứng khoảng 260,5 tỷ VND.

Công ty của ông Doãn Tới từng là doanh nghiệp dẫn đầu về xuất khẩu cá tra vào những năm 2006 - 2008, trước khi bị Vĩnh Hoàn vượt qua.

AVN là một trong số ít công ty ngành thủy sản đang niêm yết có thị giá cổ phiếu dưới mệnh giá. Thậm chí có lúc, cổ phiếu của AVN rơi xuống mức đáy 5.900 VND.

9. Cao thị Ngọc Dung - Tổng giám đốc công ty Cổ phần Vàng bạc Phú Nhuận (PNJ)


Được biết đến như là "nữ tướng vàng nữ trang", bà Cao Thị Ngọc Dung lãnh đạo PNJ liên tục từ năm 1998 đến nay, khi mới chỉ là cửa hàng Kinh doanh vàng bạc Phú Nhuận. Hiện bà sở hữu 10,15% vốn của PNJ, tương ứng 248,4 tỷ VND.

Gia đình bà Dung có tới 10 người sở hữu cổ phiếu của PNJ, từ mẹ bà cho tới anh em, con gái. Ngoài ra, chồng bà Dung là ông Trần Phương Bình, hiện là Tổng Giám đốc ngân hàng Đông Á. PNJ là cổ đông lớn nhất của ngân hàng này với tỷ lệ nắm giữ 7,7%.

10. Lê Văn Hướng - Tổng giám đốc công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC)


Là Tổng Giám đốc JVC từ năm 2010, ông Hướng hiện sở hữu lượng cổ phiếu có giá trị tương đương 242,6 tỷ VND. Đồng thời, ông là người đứng thứ 10 trong danh sách những CEO giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Mới đây, ông đăng ký bán 3 triệu cổ phiếu JVC kể từ ngày 14/12.

Cùng với HVG, JVC là một trong 2 cổ phiếu do các CEO giàu nhất sàn chứng khoán Việt, nắm giữ tăng giá trong năm 2012. So với đầu năm, thị giá JVC tăng khoảng 19%.
TIN BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

TIN LIÊN QUAN

Theo Infonet

Bình luận(0)