Phát hiện hóa chất cực độc trong sản phẩm tẩy rửa

Google News

(Kiến Thức) - Triclosan và triclocarban có mặt trong sản phẩm tẩy rửa ở Việt Nam là thành phần hóa chất mà EPA Mỹ đã đăng ký như một loại "thuốc trừ sâu". 

Triclosan và triclocarban là thành phần hóa chất mà cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) Mỹ đã đăng ký như một loại "thuốc trừ sâu". Tuy nhiên, hiện chất này có mặt trong nhiều sản phẩm tẩy rửa tại thị trường Việt Nam. Theo các chuyên gia, khả năng tích lũy trong cơ thể của hoạt chất này để lại những nguy hiểm khôn lường cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Làm sạch bằng hóa chất? 
Theo kết quả của cuộc nghiên cứu đã được công bố tại Hội nghị và Ttriển lãm quốc gia của Hiệp hội Hóa học Mỹ (ACS), các nhà khoa học đã phát hiện ra hai loại hóa chất diệt khuẩn là triclosan và triclocarban chứa trong mẫu nước tiểu. Trong đó, triclosan có mặt tại 100% mẫu nước tiểu và hơn 50 % mẫu máu từ dây rốn, còn triclocarban chứa trong 85% mẫu nước tiểu của thai phụ. Hiện Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) đang bắt đầu kiểm soát việc sử dụng các sản phẩm kháng khuẩn. Thế nhưng, hiện chất này vẫn hiển nhiên có mặt trong nhiều sản phẩm tẩy rửa tại thị trường Việt Nam. 
Theo khảo sát của KH&ĐS tại nhiều hệ thống siêu thị ở TP HCM, có nhiều sản phẩm chủ yếu là nước, gel rửa tay, xà phòng bánh diệt khuẩn và sữa tắm. Tại siêu thị Văn hóa Văn Lang (quận Gò Vấp, TPHCM) bày bán nhiều loại nước rửa tay với công dụng diệt khuẩn chứa thành phần triclosan. Có thể kể như nước rửa tay dưỡng da sạch khuẩn Tatra, Santis clean hương Lavender loại 500ml, nước rửa tay dưỡng da Kleen, hương táo, hương cam, nước rửa tay S.P.Ca thể tích 250ml, Dr.Clean hương lô hội, hương chè xanh, fruis chanh. Đặc biệt, nước rửa tay hiệu LIX loại 500ml còn đề rõ ngoài bao bì "Diệt khuẩn với hoạt chất triclosan". Ngoài các loại nước rửa tay diệt khuẩn thì một số loại sữa tắm dưỡng da cũng chứa thành phần hóa chất độc hại trên. 
 Thành phần triclocarban có trong loại nước rửa tay diệt khuẩn bán trên thị trường.
Cực độc cho sức khoẻ con người 
PGS.TS Nguyễn Quốc Hiến, Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai Công nghệ Bức xạ, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho rằng, tại châu Âu đã cấm các hoạt chất độc hại này từ những năm 1990 và hiện toàn thế giới đã cấm sản phẩm chứa chất này. Triclosan là một loại thuốc trừ sâu, cực độc như thuốc diệt cỏ, diệt côn trùng, độc tính tương tự dioxin, PCBs, chlorophenols được phân loại là chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, sau khi hấp thụ vào các tế bào mỡ, nó gần như không thể loại bỏ. 
Triclosan và triclocarban có xu hướng tích lũy, khả năng hấp thụ qua da rất nhanh, nó ngấm qua da vào máu, tập trung ở các mô mỡ của người và động vật gây ra các bệnh nguy hiểm cho con người như  rối loạn hormon giới tính, đồng thời gây ung thư, tác động tới hệ miễn dịch của cơ thể. Đặc biệt, rất nhạy cảm với trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. 
Theo BS Nguyễn Ngọc Bá, nguyên Phó khoa Xét nghiệm Dị ứng miễn dịch, Bệnh viện Da liễu TPHCM, thường xuyên sử dụng các sản phẩm diệt khuẩn chứa triclosan hoặc triclocarban về lâu dài tùy vào cơ địa người dùng cũng có khả năng ảnh hưởng đến da dù biểu hiện không đặc hiệu, nhưng có thể gây kích ứng, ngứa. Đặc biệt, nó có thể tiêu diệt hệ thống miễn dịch và ảnh hưởng bạch cầu. 
Hệ thống siêu thị bày bán nhiều loại nước rửa tay, xà bông diệt khuẩn, sữa tắm chứa triclosan và triclocarban.  
Các chuyên gia cũng cho rằng, triclosan cũng có thể chuyển thành một dạng của dioxin, loại hóa chất liên quan đến một loạt các độc tính bao gồm ung thư. Do đó, dù chất này chỉ là một thành phần trong nước rửa tay, sữa tắm hay nhiều sản phẩm tiêu dùng khác, hoặc người sử dụng rửa tay nhanh hay lâu trong một lần tắm, rửa thì do hoạt chất này có khả năng thẩm thấu rất nhanh qua da nên đều ảnh hưởng tới sức khoẻ. 
Hiện nay, các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu ứng dụng thành công chất thay thế hoạt chất này là nano bạc (AgNPs) tổng hợp bằng phương pháp chiếu xạ gamma Co-60, sản xuất quy mô công nghiệp, được kiểm định an toàn với sức khoẻ con người và có khả năng kháng khuẩn cao. 
Triclosan và triclocarban đều có cùng cơ chế hoạt động là một tác nhân kháng khuẩn, kháng nấm được tìm thấy trong các sản phẩm tiêu dùng, bao gồm xà phòng, chất tẩy rửa, đồ chơi cũng như các phương pháp điều trị phẫu thuật làm sạch... Không phủ nhận khả năng làm sạch của nó, nhưng quá trình sử dụng lâu dài sẽ tích lũy trong cơ thể, gây tác hại khôn lường cho sức khoẻ, vì vậy không nên đưa hoạt chất này vào sản phẩm tiêu dùng. Người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm một cách thông minh nhất để tự bảo về sức khoẻ. Có thể chỉ nên dùng loại xà bông tắm rửa thông thường, không nhất thiết phải là sản phẩm giới thiệu có chứa thành phần diệt khuẩn và dùng đúng cách là đã đủ làm sạch cơ thể. 
BS Nguyễn Ngọc Bá (Bệnh viện Da liễu TPHCM)
Hương Nguyên

Bình luận(0)