Nguy hại từ thói quen chỉ tráng thớt bằng nước sôi

Google News

Thớt là nơi chứa nhiều loại vi khuẩn có hại, đặc biệt là những thớt cũ, vi khuẩn có thể lây lan từ thớt sang thức ăn nếu không vệ sinh thớt đúng cách.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, bề mặt thớt là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn có hại trong đó có khuẩn E.coli. Nếu để thớt bẩn thì vi khuẩn sẽ sinh sôi và rất khó để loại bỏ, đặc biệt là đối với thớt cũ với nhiều rãnh cắt sâu. Vi khuẩn E.coli, salmonella và Campylobacter (các vi khuẩn gây tiêu chảy và bệnh đường ruột) có thể lây lan từ thớt sang thức ăn khi thớt không được vệ sinh đúng cách gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Trên thị trường có bày bán nhiều loại thớt bằng chất liệu như thớt gỗ, thớt nhựa, thớt thủy tinh… với hình dạng và màu sắc bắt mắt, ngoài những loại có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng còn xuất hiện những loại không nguồn gốc. Trên thực tế, nhiều loại thớt là sản phẩm được các xưởng chế biến đồ gỗ tận dụng từ những mẩu gỗ thừa hoặc có xuất xứ từ Trung Quốc, bán với giá thành rẻ nên được nhiều người mua. Khi sử dụng, màu của sản phẩm và vụn gỗ có thể bám vào thức ăn, nếu đi vào cơ thể với một số lượng lớn, thường xuyên sẽ dẫn đến nhiều hậu quả. Nhẹ thì nổi vài vết mẩn ngứa dị ứng, nặng hơn thì tiêu chảy đau bụng, còn nặng hơn nữa thì lên cơn khó thở, suyễn, hay thậm chí bị sốc phản vệ.

Bên cạnh đó, nguy cơ mang bệnh từ thớt thật ra không chỉ nằm ở chuyện thớt làm bằng nguyên liệu gì, mà chủ yếu là vì thói quen dùng chung một thớt cho cả thực phẩm sống lẫn chính, ngoài ra nguyên nhân quan trọng nữa là do làm vệ sinh thớt không đúng cách hoặc do dùng một cái thớt quá lâu.

Thớt bẩn là ổ tích tụ vi khuẩn gây hai cho sức khỏe con người

Theo kết quả của một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học Thụy Sĩ do TS. Andreas F.Widmes thì các dụng cụ như thớt, bàn… dùng để giết mổ, chặt thịt gia cầm sống trong các bếp ăn công cộng cũng như gia đình có thể là “kho” lớn chứa và làm lan truyền các loại vi khuẩn kháng thuốc. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều loại vật nuôi bị “nhồi nhét” thức ăn có chứa các chất kháng sinh để chúng mau to, mau lớn. Trong quá trình giết mổ các động vật này, các vi khuẩn kháng thuốc nói trên có thể bám trên bề mặt thớt, bàn chặt thịt và cả tay người pha chế, từ đó làm lây lan dịch bệnh.

Thói quen chỉ tráng nước sôi hoặc nước lạnh sau khi sử dụng khiến vi khuẩn còn tồn đọng tại bề mặt thớt. Đối với thớt gỗ, mùn và những vùng đen trên thớt chính là các ổ vi trùng còn lại sau mỗi lần sử dụng. Khi thớt bị ố, ngả màu, nên ngâm thớt trong giấm, nước cốt chanh trong vòng hai giờ, rửa sạch lại bằng nước rửa bát, tráng nước sôi để làm thớt sạch và mới lại, giúp kéo dài tuổi thọ của thớt.

Tùy từng loại thớt, người tiêu dùng nên cân nhắc cách sử dụng để bảo quản thớt lâu dài. Thớt gỗ thích hợp cho băm chặt do có độ đàn hồi cao, trọng lượng nặng. Nhược điểm của thớt gỗ là dễ thấm hút nước và các loại mùi, nhanh cong vênh, có mùn, nứt, dễ mục. Đối với thớt thủy tinh, dolàm từ thủy tinh chịu lực nên không bị mùn, không bị ô-xy hóa, dễ lau rửa, chịu được nhiệt độ cao. Người tiêu dùng có thể yên tâm thái thực phẩm mà không sợ làm trầy xước bề mặt thớt.

Tuy nhiên, bề mặt thớt cứng làm dao nhanh cùn và không thích hợp cho việc băm, chặt thức ăn. Ngoài ra, bề mặt thớt trơn nhẵn có thể khiến dao dễ bị trượt, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Vì thế chỉ nên dùng thớt thủy tinh để thái trái cây, rau củ, thức ăn mềm, các món cơm cuốn, sushi, thức ăn đã được chế biến như thịt luộc, thịt quay, giò, chả.Đối với thớt nhựa, khi sử dụng tránh ấn dao quá mạnh khiến các vết dao hằn trên mặt thớt, tạo thành những khe hở cho vi khuẩn sống, đồng thời làm thớt nhanh cũ. Thớt nhựa thích hợp để thái thức ăn chín.

Một lưu ý cchung sau khi sử dụng thớt là treo thớt nơi khô thoáng, có ánh nắng để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn. Sau sáu tháng sử dụng hoặc khi mặt thớt xuất hiện vết nứt, vỡ, ngả màu đen, có mùi lạ, nên thay thớt mới.  

Theo Phương Khanh/VietQ

>> xem thêm

Bình luận(0)