Canh cá diếc ngải cứu giúp phục hồi sức khoẻ

Google News

(Kiến Thức) - Món ăn từ ngải cứu và cá diếc cũng góp phần không nhỏ trong phục hồi sức khoẻ cho người bệnh.

 Ảnh minh họa.
Nguyên liệu: Ngải cứu tía 250g, cá diếc 50g, gia vị vừa đủ. Ngải cứu làm sạch, cắt khúc khoảng hai đốt ngón tay. Cá làm sạch ướp gia vị, thêm nước vừa đủ đem nấu chín, khi cá chín cho rau ngải vào đun tới khi rau ngải mềm, nêm gia vị bắc ra ăn nóng, tuần có thể ăn 2 -  3 bữa. Bài thuốc có tác dụng ôn bổ nguyên khí, điều hòa khí huyết, trừ thấp nhiệt, kiện tỳ, kích thích tiêu hóa... Thích dụng cho những người mắc bệnh lâu ngày, người mới ốm dậy, cơ thể suy nhược, gầy còm ốm yếu, khí huyết bất túc khiến ăn uống kém, khí huyết kém lưu thông...
Theo Đông y, ngải có vị đắng, mùi thơm, tính ấm; có tác dụng điều hoà khí huyết, trừ hàn thấp, ôn kinh, an thai, cầm máu. Thường được giới y khoa và nhân dân dùng làm vị đầu tay để phòng và điều trị các bệnh như phụ nữ: Băng huyết, lậu huyết, tử cung lạnh, đe doạ sẩy thai; đau bụng kinh, thiếu máu và suy nhược cơ thể. Đây cũng là vị thuốc được nhân dân Nhật Bản và Ấn Độ dùng làm thuốc bổ dưỡng và trị nhiều chứng bệnh khác nhau.
Cá diếc còn gọi là tức ngư, tên khoa học Carassus auratus L. có thịt dày, vị thơm, là món ăn ngon và lành tính, giàu dinh dưỡng. Theo quan điểm của Đông y, cá diếc có tác dụng ôn trung bổ hư, kiện tì, lợi tiểu... được dùng cho những người bệnh lâu ngày, cơ thể suy nhược, gầy còm ốm yếu, khí huyết bất túc khiến ăn uống kém, ợ chua, hoặc tỳ hư phù nề, tiểu tiện khó... 
Dưới nhãn quan của y học hiện đại, thịt cá chứa nhiều dinh dưỡng gồm: Protein chiếm 17,7%, lipit 1,8% và nhiều khoáng chất như canxi 70mg%, phốt pho 152mg%, sắt 0,8mg%, nhiều vitamin các loại như B1, axit nicotinic (vitamin PP), B6... Nên rất thích dụng bồi bổ sức khoẻ cho người suy nhược cơ thể, người mới ốm dậy, gầy còm, huyết hư... Do vậy, khi kết hợp hai vị thuốc này với nhau cho ta một bài thuốc có thành phần dinh dưỡng cao cũng như công năng phòng và trị bệnh hiệu quả chứng suy nhược, phục hồi sức khoẻ cho người bệnh.
Chú ý: Không dùng bài thuốc này cho người tạng nhiệt, tăng huyết áp do âm hư hỏa vượng, tăng urê huyết, hôn mê gan (do bài thuốc có hàm lượng protein cao). Không nên dùng bài thuốc này kéo dài.
Lương y Chu Văn Tiến (Hội Đông y Vĩnh Tường)

Bình luận(0)