Bài thuốc điển hình cho mỗi loại đau đầu

Google News

(Kiến Thức) - Đau đầu - đầu thống do nhiều nguyên nhân gây ra. Dựa vào triệu chứng và vị trí đau có thể trị liệu bằng thuốc hoặc day ấn huyệt.

3 nhóm nguyên nhân
Đông y đã tổng kết 3 nhóm nguyên nhân để biết mà phòng bệnh. Một là, do thời tiết khí hậu trái thường, hai là do trạng thái tình chí căng thẳng Đông y gọi là Thất tình, ba là chấn thương - chiến thương do trùng thú cắn, do sinh hoạt quá mức, do lao động nặng nhọc, ăn uống quá thiếu hay quá thừa gây đau đầu.
Chữa đau đầu có nhiều cách, có cách không dùng thuốc như xoa bóp, châm cứu, luyện thiền, luyện yoga. Khi day bấm huyệt trong châm cứu xoa bóp lưu ý các huyệt sau tùy vị trí đau.
Đau 2 bên đầu: Day bấm huyệt Phong trì (hõm sau gáy), huyệt Hợp cốc (ở mu bàn tay khoảng giữa xương đốt bàn tay trỏ và ngón tay cái), huyệt Thái dương (chỗ lõm 2 bên xương thái dương).
Đau vùng đỉnh đầu: Chú ý huyệt Bách Hội (giao điểm của 2 đường gồm đường bổ dọc cơ thể và đường nối đỉnh 2 vàng tai).
 Ảnh minh họa.
Bài thuốc điển hình cho mỗi loại đau
Đau đầu do viêm họng, viêm xoang: Tân di 8g, phòng phong 10g, bạch chỉ 10g, thương nhĩ 8g, xuyên khung 12g, khương hoạt 10g, cam thảo 6g, sắc uống. 
Đau đầu do cơ thể suy nhược, huyết áp thấp: Hoàng kỳ 20g, đương quy 12g, bạch truật 16g, bạch thược 12g, thăng ma 12g, sài hồ 10g, cam thảo 6g, sắc uống.
Đau đầu do cao huyết áp: Thiên ma 12g, câu đằng 12g, mạn kinh 12g, cúc hoa 8g, thảo quyết minh 20g, phục thần 12g, hòe hoa 12g, trạch tả 12g, bạch linh 12g, sắc uống.
Đau đầu do thời tiết thay đổi, ho thúng thắng: Xuyên  khung 12g, bạch chỉ 12g, phòng phong 12g, sinh khương 3 lát, xạ can 8g, huyền sâm 16g, cam thảo 6g, sắc uống.
Như vậy, kết hợp phòng bệnh với chữa bệnh, dùng thuốc hay không dùng thuốc đều cần có chẩn đoán đúng nguyên nhân để đề phòng các điều đáng tiếc.
GS.TS Dương Trọng Hiếu (Viện Y học Cổ truyền T.Ư)

Bình luận(0)