Đọc tin một thí sinh dự thi Got Talent của Anh muốn tự sát vì bị giễu trong một chương trình truyền hình trực tiếp, thấy mấy trò này nguy hiểm thật.
- Đọc tin một thí sinh dự thi Got Talent của Anh muốn tự sát vì bị giễu trong một chương trình truyền hình trực tiếp, thấy mấy trò này nhiều khi nguy hiểm thật. Tưởng chỉ có ở Việt Nam mới có tính hay chê bai, chế giễu người khác, hóa ra ở nước văn minh như nước Anh cũng vẫn có.
|
Ảnh minh họa. |
Một lần chúng tôi được tham gia lớp học về sáng tạo của Trung tâm Tâm Việt. Trong giờ học, mọi người phải nêu lên các ý tưởng về cải tiến phương tiện giao thông. Giáo viên lưu ý, chỉ nêu ý tưởng chứ không được phê phán hay chê ý tưởng của người khác. Nghe thì đơn giản, nhưng hầu như ai cũng mắc lỗi. Cứ một người lên trình bày, là những người ở dưới xì xào bình luận, mà chủ yếu là chê: Nào là vớ vẩn, nào là tí tuổi đã tỏ vẻ ta đây, nào là không thực tế...
Thầy giáo lại phải nhắc. Việc chỉ tập trung vào nghe sau đó đã cho thấy một kết quả khác hẳn: Đầu óc thoải mái, rộng rãi, các ý tưởng đến dễ dàng hơn, khi đến lượt mình trình bày cũng tự tin hơn vì không sợ bị cười nhạo... Phải nói rằng qua buổi học đó, điều hay nhất mà tôi thu nhận được là không được chê người khác.
Đây quả thật đó là một thói xấu của người Việt Nam mình. Lỗi của mình thì bao giờ cũng chỉ bé bằng con muỗi, lỗi của người khác thì to bằng con voi. Mà lạ ở chỗ nhiều khi không nhằm vào phần chính để phê phán mà cứ để ý đến những chi tiết chả liên quan gì.
Ví dụ, cái áo cô ấy mặc không hợp, anh kia kiểu tóc trông như ngố, bà này béo, ông kia gầy... Và cứ chê cho sướng mồm mà không để ý đến tâm trạng của người bị nói đến. Vì cứ hay để ý như thế nên ngay bản thân mình cũng rất dễ mất tự tin, lúc nêu ý kiến thì bao giờ cũng sợ bị người khác cười. Cứ thế thành cái vòng luẩn quẩn trói buộc mọi ý tưởng.
Khổ nỗi là căn bệnh này còn lây lan tới cả trẻ con. Các con tôi thường bị nhắc là trong lớp ít phát biểu. Hỏi thì chúng nói vì sợ sai các bạn cười. Khổ thật.
Minh Anh