“Cấm biếu quà Tết chỉ cắt được cái ngọn của tiêu cực”

Google News

(Kiến Thức) - Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, “cấm biếu quà Tết” đã áp dụng nhiều năm nay nhưng hiệu quả không đáng kể, bởi nó giống như nhát kéo cắt phần ngọn, gốc gác tiêu cực vẫn tồn tại. 

Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Lê Hồng Anh vừa ký ban hành Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí , trong đó yêu cầu “nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà Tết cho cấp trên; không được sử dụng tiền, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động trong dịp Tết và xuân Quý Tỵ”.
 
Trao đổi với Kiến Thức, thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an cho rằng, cần phân biệt được cái thật và cái giả, cái lễ nghĩa và cái ngụy biện trong việc biếu quà Tết. Việc bạn bè đồng đội, cấp dưới thăm hỏi cấp trên trong dịp tết cổ truyền là một truyền thống tình nghĩa muôn thuở, là hương thơm truyền từ đời này sang đời khác. Cái chúng ta đang lên án, loại bỏ là những kẻ mượn cớ dịp này để đi mua quan bán chức, chạy dự án, chạy bằng cấp, chạy tội.


"Những kẻ lợi dụng Tết để "chạy" không biếu 500.00 - 1 triệu đồng mà là bạc tỷ"

“Trong thời gian 11 năm làm Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an, tôi cũng thường cùng anh em trong Viện đi chúc Tết lãnh đạo cấp trên vào dịp Tết nguyên đán và Tết độc lập. Quà biếu chỉ là dăm ba lạng chè, vài bao thuốc thơm thể hiện sự lễ nghĩa, chứ tôi không đi vào nhà riêng để đưa phong bì. Phải phân biệt được lễ nghĩa và ngụy biện. Lễ nghĩa không bao giờ bỏ được, nó mãi mãi tồn tại như cây xanh. Nó không chỉ thể hiện trong chỉ dịp Tết, mà luôn luôn tồn tại trong cuộc sống", tướng Cương chia sẻ.

Theo thiếu tướng Lê Văn Cương, khi con lãnh đạo cưới, mình đi mừng 500.000 – 1 triệu đồng hay nhà lãnh đạo có giỗ chạp mình đi nén nhang, giỏ trái cây, phòng bì 300.000 -  500.000 là bình thường, không bao giờ bỏ được cả. Những kẻ lợi dụng chuyện này để chạy chọt, quà biếu dị Tết không phải 500 – 1 triệu mà là bạc tỷ, thậm chí cả căn hộ. Hay, khi thăm viếng đám hiếu người nhà lãnh đạo, dưới dòng nước mắt có 500 triệu, vài chục nghìn đô…chẳng hạn.

Thiếu tướng Lê Văn Cương
Ông Cương cho biết, “chuyện chạy chọt” không chỉ xuất hiện trong những dịp lễ, Tết mà xảy ra thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. Thế nhưng, ngày Tết người ta có cái cớ để đến đường đường chính chính, không sợ người ngoài nghi ngờ, người nhận cũng không bị gượng gạo, khó chịu. 

Về chỉ thị “Cấm biếu quà Tết cấp trên” của Ban Bí thư Trung ương, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định, đây là một tín hiệu lành mạnh, gửi gắm thông điệp về việc triển khai nghị quyết Trung ương 4, 5, 6. 

“Đây là một ý tưởng hay, một giải pháp chống tiêu cực, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm cần được thực hiện. Là một đảng viên, một người dân, tôi ủng hộ chỉ thị này”, ông Cương nói.

Tuy nhiên, Thiếu tướng Cương cũng cho rằng, nội dung cấm biếu quà lãnh đạo dịp Tết trong chỉ thị 21 của Ban Bí thư Trung ương không phải là mới nhưng dễ “hiệu quả không đến nơi đến chốn” và kết quả lần này chắc chắn cũng tương tự. 

“Trong khoảng 10 năm gần đây, qua hai kỳ đại hội, trong đại hội đảng các cấp, thậm chí trong họp thường kỳ hàng tháng, Thủ tướng cũng nêu việc này ra nhưng làm không được bao nhiêu. Nói như vậy không phải không làm mà vẫn phải làm, nhưng đừng nghĩ qua chỉ thị này mà giải quyết được vấn đề, đó là điều không thể. Có chăng nó chỉ có tác dụng nào đấy, đem lại hiệu quả không đáng kể bởi lẽ những trò quà biếu nằm trong cơ chế hiện hành. Khi vấn đề gốc gác còn nguyên thế thì làm sao giải quyết được”, ông Cương phân tích.

Theo đó, để hạn chế “trò quà Tết”, thiếu tướng Cương cho rằng, phải giải quyết tận gốc vấn đề. Nó giống như việc diệt trừ cỏ dại thì phải chặt tận gốc, nếu chỉ lấy cái kéo cắt phần ngọn thì nó lại mọc sang cái khác, không giải quyết được vấn đề gì. Vì thế, cùng với giải pháp này, cấp cao nhất nhà nước sẽ phải làm một loạt giải pháp nữa. 

Cũng theo ông Cương, vấn đề gốc gác của việc phát sinh, tồn tại tiêu cực là ở giám sát quyền lực và chúng ta đang coi nhẹ khâu này. 

“Trong lịch sử văn minh nhân loại 6000 năm nay, quyền lực giao đến đâu, giám sát phải ngang tương xứng đến đấy, quyền lực 100 nhưng giám sát chỉ 10 thì không thể đuợc. Với tư cách một cán bộ khoa học, tôi đề nghị Ban bí thư nên tạo cơ sở cho các nhà khoa học, không né tránh gì cả, tìm ra giải pháp thoát được cái tha hóa trong bộ máy công quyền.  Mục tiêu của chúng ta là làm cho vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng lành mạnh. Các nhà khoa học có mục đích chung là khẳng định vai trò này của Đảng, giúp Đảng gỡ vấn đề gốc gác”, thiếu tướng Cương ý kiến. 

TIN BÀI LIÊN QUAN


Khánh Tường

Bình luận(0)