Bị “tuýt còi”, có quyền chứng minh không vi phạm

Google News

(Kiến Thức) - Theo Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) có hiệu lực từ ngày 1/7, người bị xử phạt vi phạm hành chính có quyền chứng minh mình không vi phạm.

Cụ thể, cá nhân có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm của mình. Người có thẩm quyền xử phạt phải thông báo bằng văn bản cho người vi phạm về thời gian và địa điểm tổ chức phiên giải trình trực tiếp trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của người vi phạm.

 Từ ngày 1/7, người bị xử phạt vi phạm hành chính có quyền chứng minh mình không vi phạm.

Người có thẩm quyền xử phạt tổ chức phiên giải trình trực tiếp và có trách nhiệm nêu căn cứ pháp lý và tình tiết, chứng cứ liên quan đến hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả dự kiến áp dụng đối với hành vi vi phạm. Người vi phạm hành chính, hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền tham gia phiên giải trình và đưa ra ý kiến, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trước khi ra quyết định xử phạt, trừ trường hợp cá nhân, tổ chức không có yêu cầu giải trình trong thời hạn quy định. 

Bên cạnh đó, Luật XLVPHC sửa đổi bổ sung cũng có nhiều điểm mới, đáng lưu ý. Luật XLVPHC quy định, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

Luật bổ sung các biện pháp khắc phục hậu quả: buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật...

Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính cũng được quy định cụ thể, bao gồm: vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết; vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng; vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ; vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng; vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính.

Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính từ 50.000 đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân, từ 100.000 đồng đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.

Khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội.

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Tiểu Phong

Bình luận(0)