8 vụ lật container trên cầu Cát Lái: Thiết kế hụt TCVN?

Google News

(Kiến Thức) - Ông Vũ Kiến Thiết - Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (Sở GTVT TP. HCM) cho rằng thiết kế độ mở rộng bụng của đường cong trên cầu vượt Cát Lái còn thiếu khoảng 1m so với tiêu chuẩn VN.

Cầu vượt chuyên lật container

Sự cố đầu tiên xảy ra vào ngày 14/9/2010, đúng 1 tháng cầu vượt Cát Lái đưa vào vào sử dụng. Một xe container chở gốm sứ xuất khẩu theo hướng từ xa lộ Hà Nội vào cảng Cát Lái đã bị lật nhào đè lên thành cầu vượt, gốm sứ bên trong bị hư hỏng gần như hoàn toàn. 

Tiếp đó, sáng 24/6/2011, một container rơi từ trên xe xuống đường làm hư hỏng mặt cầu và rào chắn khi xe container này lưu thông qua cầu để vào cảng Cát Lái. 

Hơn 1 tháng sau, ngày 26/7/2011, một xe container lưu thông trên nhánh A cầu vượt Cát Lái từ hướng xa lộ Hà Nội vào cảng đã bị rớt container xuống mặt cầu. 

Vụ thứ tư xảy ra chiều 11/8/2011 khi một xe đầu kéo container lưu thông từ xa lộ Hà Nội về cảng Cát Lái đã bị lật nhào giữa cầu. Thanh chắn cầu bị xe tông gãy nhưng rất may thùng container chưa bị rơi xuống đường đã khiến hàng trăm phương tiện lưu thông phía dưới một phen hốt hoảng. Chiếc xe này bị hư hỏng nặng, hóa chất rò rỉ từ container chảy đầy ra đường...

Vụ thứ 7 xảy ra vào ngày 14/2/2013 và vụ thứ 8 xảy ra vào rạng sáng ngày 7/5 vừa qua.

Vụ lật thùng xe cotainer xảy ra tại cầu vượt Cát Lái sáng ngày 7/5. Đây là sự cố thứ 8 sau hơn 2 năm cầu này đưa vào sử dụng.

Cần xem lại thiết kế cầu

Thiếu tá Huỳnh Văn Long, Phó Đội trưởng CSGT Công an quận 2 khuyến cáo: “Do đây là khúc cua nguy hiểm nên khi lưu thông qua cầu, tài xế cần tuân theo biển báo tốc độ, đi đúng làn đường về bên trái để tránh việc xe “bay” xuống xa lộ Hà Nội”.

Đại diện đội CSGT Rạch Chiếc cho biết tốc độ tối đa cho phép các xe container lưu thông qua cầu vượt Cát Lái là 30km/h. Tại đầu các nhánh đường dẫn lên cầu, cơ quan chức năng đều đã gắn biển hạn chế tốc độ nhưng nhiều tài xế vẫn không chú ý, bất cẩn.

 Container lật trên cầu vượt Cát Lái ngày 14/9/2010

Trao đổi với PV Kiến Thức, trung tá Phạm Văn Tuyến, đội phó đội CSGT Rạch Chiếc (PC67, Công an TPHCM), phân tích: “Vì cầu vượt được thiết kế vòng cua nên nếu tài xế tăng ga vượt quá tốc độ cho phép sẽ rất dễ dẫn tới khả năng xe bị lật. Mặt khác, qua phân tích nguyên nhân một số vụ tai nạn gần đây cho thấy nhiều tài xế chủ quan, không chốt gù, cố định container vào thân xe chắc chắn nên khi qua đoạn vòng cua của cầu, thùng container đã bị văng ra khỏi xe, rớt xuống mặt cầu”.

Hiểm họa khôn lường trên xa lộ Hà Nội

Những vụ tai nạn liên tiếp trên cầu vượt Cát Lái khiến người dân không khỏi lo ngại bởi phía dưới cầu là xa lộ Hà Nội với hàng chục ngàn lượt người qua lại mỗi ngày. Nếu lại xảy ra tai nạn, các thanh chắn không đỡ được các thùng container nặng hàng chục tấn rơi xuống thì điều gì sẽ xảy ra?

 

8 vụ lật container đầy hàng trên cầu vượt Cát Lái chưa gây thiệt hại về người nhưng khiến người dân nơm nớp lo sợ.

 

Dưới cầu có hàng chục ngàn lượt người qua lại mỗi ngày.

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông đô thị TP. HCM, chủ đầu tư dự án đại lộ Đông - Tây, cho biết đã yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế rà soát toàn bộ thiết kế ở công trình này để đề xuất giải pháp khắc phục các sự cố tai nạn.

Ban quản lý dự án cũng đề xuất các giải pháp căn cơ lâu dài để trình Sở Giao thông vận tải TP. HCM như: gắn thêm biển báo hiệu giao thông, lắp đặt thêm hàng rào trên lan can cầu để ngăn thùng container rơi xuống xa lộ Hà Nội.

Theo ông Vương Hoàng Thanh - nguyên Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP. HCM, cầu vượt Cát Lái đã được Sở Giao thông vận tải TP. HCM cùng Bộ Giao thông vận tải thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng. Theo thiết kế, cầu vượt cho xe chạy với tốc độ 40 km/h. Thế nhưng, sau khi xảy ra vụ đầu tiên lật xe container trên cầu vượt, Sở Giao thông vận tải TP. HCM đã cảnh báo và cho phép giảm tốc độ xe lưu thông còn 30 km/h nhằm hạn chế xe tải bị lật trên cầu vượt này.

Chỉ là giải pháp tạm thời!

Ông Vũ Kiến Thiết - Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (Khu 2, Sở GTVT TP. HCM) cho rằng có thể các cơ quan thẩm quyền đã phê duyệt thiết kế cầu vượt này trong một "tiêu chuẩn đặc biệt". Thế nhưng, thiết kế độ mở rộng bụng của đường cong trên cầu vượt này còn thiếu khoảng 1m so với tiêu chuẩn VN. Giải pháp mở rộng bụng của đường cong trên cầu vượt tốn kinh phí rất lớn chẳng khác nào xây dựng thêm một chiếc cầu nên Khu 2 đã đề xuất một số giải pháp trên nhằm hạn chế xe tải lật. 

Trong khi đó, một chuyên gia giao thông khẳng định do độ dốc cầu vượt cao khiến nhiều xe phải tăng tốc trước khi lên cầu dẫn đến vượt tốc độ cho phép và gây lật xe trên khúc cong “tử thần”.

 Sự cố xảy ra ngày 24/6/2011

Theo ông Phạm Sanh - chuyên gia các công trình cầu đường thì giảm tốc độ xe lưu thông chỉ là giải pháp tình thế để xử lý nhanh, hạn chế xe tải, xe container lật trên khúc cong “tử thần”. Tuy nhiên, hạn chế xe tải chạy với vận tốc 30km/h sẽ gây tác hại cho cầu do xe tải nặng lưu thông như rùa bò trên cầu.

Ngày 14/2/2013 chiếc xe đầu kéo đã rơi thùng container trên cầu vượt Cát Lái.

Ông Sanh cũng cho rằng các cơ quan thẩm quyền đã thẩm định thiết kế cầu theo tiêu chuẩn bình thường mà không đặt hàng đơn vị thiết kế loại cầu cho xe container lưu thông. Vì vậy, về lâu dài các cơ quan chức năng cần thuê đơn vị tư vấn độc lập kiểm tra chiếc cầu này để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp và cần rút kinh nghiệm cho các công trình xây dựng cầu vượt sau này. 

“Tại các nước, người ta thiết kế cầu cho xe chạy với tốc độ phù hợp với đường, trong khi ở nước ta đường được thiết kế cho tốc độ lưu thông cao, còn cầu cho xe lưu thông với tốc độ quá thấp là bất hợp lý” , ông Sanh nói.


Vũ Sơn - Thiên Dũng

Bình luận(0)