Nhiều trường “mong” Bộ GD dừng cho phép ghi hình phòng thi

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều ĐH, CĐ tham gia Hội nghị tuyển sinh 2013 đề xuất Bộ GD - ĐT rút quy định cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi.

Theo ý kiến của đại đa số lãnh đạo ĐH, CĐ tham gia Hội nghị tuyển sinh 2013, việc Bộ GD – ĐT cho phép thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình không có chức năng phát tại chỗ vào phòng thi như kỳ tuyển sinh năm 2012 gây khó khăn cho các trường. Nhiều trường đề xuất Bộ bỏ quy định này ra khỏi quy chế của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay.

“Công tác đảm chống tiêu cực là trách nhiệm của các trường, không nên vì một vài trường hợp mà đưa ra quy định chung, làm mọi việc trở nên rối rắm, gây khó cho các trường”, đại diện ĐH Vinh ý kiến. 

Chung quan điểm, đại diện ĐH Thái Nguyên cho rằng, việc thí sinh được phép mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi tạo áp lực lớn cho giám thị, cán bộ coi thi. 

 Sau 1 kỳ tuyển sinh cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào
 phòng thi, nhiều trường "xin" Bộ GD - ĐT thay đổi quy định này.

Cũng có một vài ý kiến tham gia hội nghị cho rằng, nếu trường đảm bảo được cơ sở kỹ thuật, giám sát được việc thí sinh mang thiết bị vào phòng thi thì nên cho phép bởi nó khiến giám thị không dám làm điều gì sai trái. Trường nào đủ khả năng thì làm, còn những trường không kiểm soát được thì chắc chắn sẽ không dám làm. 

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD – ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: Việc cho phép thí sinh mang ghi âm, ghi hình vào phòng thi không phải là sáng kiến của Bộ mà là vấn đề của thực tiễn. Nếu quy chế quy định không được mang nhưng thí sinh vẫn mang rồi ghi hình đưa lên mạng bừa bãi sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín của các trường, của cả ngành giáo dục. 

“Việc Bộ cho phép không phải là vẽ đường cho hươu chạy mà là đối diện với thực tế, với những vấn đề phát sinh … Nếu quy chế không cho nhưng thí sinh vẫn đem vào thì chúng ta làm thế nào? Thay vì bị động như vậy, chúng ta phải giành lấy thế chủ động. Khi cho phép đàng hoàng rồi mà thí sinh còn phát tán tùy ý thì sẽ xử lý. Chúng tôi sẽ quy định, sau khi quay thì thí sinh nộp về đâu”, Bộ trưởng Luận nói.

Bộ trưởng Luận cũng tiết lộ, trong các kỳ tuyển sinh trước, vẫn có những trường hợp giám thị, cán bộ, công an làm công tác coi thi, thanh tra thậm chí lãnh đạo nhà trường, chủ tịch hội đồng coi thi vi phạm quy chế thi. Tuy nhiên, Bộ GD – ĐT không công bố công khai thông tin này. 

“Việc cách ly các hội đồng thi sẽ trở thành "nối giáo cho giặc" nếu như nội bộ tiêu cực. Ví như vụ việc THPT Đồi Ngô, nếu thí sinh không phát hiện thì ai sẽ phát hiện được tiêu cực? Tôi cho rằng, chúng ta dựa vào lực lượng đa số học sinh, sinh viên tốt là cách làm đúng đắn”, ông Luận nói.

Vì thế, ông Luận cho rằng, Bộ GD – ĐT sẽ cân nhắc, tính toán bởi quy định này như giăng lên một trách nhiệm vô hình khiến các lực lương tham gia coi thi phải nghiêm túc. Bộ không yêu cầu thí sinh phải mang thiết bị vào phòng thi nhưng nếu thí sinh nào không bằng lòng với tính nghiêm túc của hội đồng thi thì được phép mang vào. 

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Bùi Văn Ga cũng cho rằng việc cho phép thí sinh mang máy ghi âm ghi hình không có chức năng phát tại chỗ đã phát huy tính tích cực trong việc giám sát phòng thi, đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi. Thực tế, trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012, không có thí sinh nào mang vào phòng thi nhưng tác động rất lớn đến tâm lý của cán bộ coi thi, khiến họ phải hết sức nghiêm túc. 

“Thực ra, đa số thí sinh không quan tâm đến điều này,  chỉ trường hợp nào đó thí sinh nghi ngờ tính nghiêm túc thì có quyền mang vào. Các trường chưa làm nên có tâm  lý ngại chứ không có gì phức tạp trong việc phân biệt hai loại máy”, ông Ga nói.
6 điểm mới của tuyển sinh ĐH, CĐ 2013

Bộ GD-ĐT vừa công bố những 6 điểm mới của kỳ tuyển sinh năm nay, tại Hội nghị công tác tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 như: Rút ngắn thời gian xét tuyển; thành lập Ban chấm thanh tra tuyển sinh; tuyển thẳng vào ĐH, CĐ những học sinh tham gia đội tuyển; tăng chỉ tiêu khối ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, thủy sản, y dược, nghệ thuật...

Cụ thể, quy chế bổ sung Ban chấm thanh tra trực thuộc Hội đồng tuyển sinh trường. Ban chấm Thanh tra có nhiệm vụ tổ chức chấm thanh tra ít nhất 10% số bài thi của mỗi môn thi tự luận. Bổ sung đối tượng dự thi tuyển sinh liên thông, là những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi có nguyện vọng học liên thông lên trình độ cao đẳng hoặc đại học. Những thí sinh này phải dự thi các môn văn hóa hoặc năng khiếu theo quy định của khối thi tương ứng với ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học chính quy.

Thí điểm cho 10 trường thuộc khối Văn hóa - Nghệ thuật tuyển sinh riêng, cụ thể: các trường có tuyển sinh ngành đào tạo thuộc khối Văn hóa (khối C), không tổ chức thi, chỉ xét tuyển dự vào kết quả thi theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Các trường có tuyển sinh ngành đào tạo thuộc khối Nghệ thuật (khối H, N, S), chỉ tổ chức thi các môn năng khiếu; xét tuyển môn Ngữ văn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp và điểm trung bình 3 năm học THPT. Các trường thuộc khối Văn hóa - Nghệ thuật được giao thí điểm thi tuyển sinh riêng xây dựng phương án, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt trước ngày 31/01/2013 và báo cáo Bộ GD-ĐT.

Tiếp tục giao các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác xét tuyển, có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, nhưng thời gian xét tuyển mỗi đợt ít nhất là 20 ngày, tính từ ngày thông báo xét tuyển 20/8/2013. Thời hạn kết thúc xét tuyển là 30/10/2013.
Tuyển thẳng vào ĐH, CĐ những học sinh tham gia đội tuyển

Ngoài ra, kỳ tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT bổ sung một số chính sách ưu tiên trong tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Theo đó, những học sinh tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Olympic khu vực và Quốc tế; học sinh đoạt giải hội thi sáng tạo khoa học kĩ thuật quốc tế, đã tốt nghiệp trung học được tuyển thẳng vào trường ĐH, CĐ.

Học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ và học sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ, được ưu tiên xét tuyển vào học và phải học dự bị 6 tháng.

Các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ, được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học phổ thông tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi thấp hơn điểm sàn 1,0 điểm và phải học dự bị 6 tháng.

Về chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013, Bộ GD – ĐT cho biết, sẽ giữ ổn định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2013 và khuyến khích các trường thay đổi về cơ cấu theo hướng tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành mà xã hội có nhu cầu cao về nhân lực thuộc nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, thủy sản, y dược, nghệ thuật;...

 




Khánh Tường

Bình luận(0)