“Trái tim người mẹ đã níu chị ở lại“

Google News

Chị là Nguyễn Thị Đào tâm sự: Chồng mất rồi, chị vừa làm mẹ, vừa phải làm cha. Nhìn lại hai đứa con, trái tim người mẹ đã níu chị ở lại.

- Tôi cứ bị ám ảnh mãi câu nói của ông Phạm Văn Tảo, Trưởng thôn Kiều, xã Hiên Vân, Tiên Du, Bắc Ninh rằng: "Ở làng này, nghèo nhất thì cũng chỉ có chị ấy. Mà khổ nhất thì cũng chẳng ai sánh bằng". Tôi tìm đến gặp chị trong nỗi ám ảnh về hai cái nhất như thế.

Nghiệt ngã

Chị là Nguyễn Thị Đào, sinh năm 1964. Chồng chị - anh Vũ Thọ Thiện bằng tuổi chị. Các cụ vẫn có câu "lấy chồng bằng tuổi nằm duỗi mà ăn". Thế nhưng chị bảo, "nằm duỗi" đâu chả thấy, chỉ thấy vất vả, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời từ ngày lấy chồng đến giờ, chẳng lúc nào được ngơi nghỉ". Thì đấy, cứ nhìn cuộc đời chị là thấy rõ hơn cả.

Cuối năm1990, chị sinh con gái đầu lòng, đặt tên Vũ Thị Hồng Gấm với mong muốn con gái sẽ có tương lai tốt đẹp hơn cha mẹ nó. Đầu năm sau, con gái bị sốt cao, ảnh hưởng lên não rồi dẫn đến chứng động kinh. Anh chị thay nhau bồng bế con đi khắp các bệnh viện trong tỉnh, sang cả bên huyện Yên Phong nhờ thầy châm cứu. Bao nhiêu tiền của, công sức bỏ ra song bệnh tình của con vẫn không khỏi. Sau cùng, cái lắc đầu của các bác sĩ ở bệnh viện tâm thần tỉnh khiến niềm hy vọng mong manh cuối cùng của vợ chồng chị vụt biến. Chị như đứt từng khúc ruột.

Năm 1993, chị sinh thêm cậu con trai Vũ Thọ Thắng. Từ lúc mới sinh, Thắng đã ốm đau dặt dẹo, thuốc thang triền miên. Chị bảo, những ngày tháng ấy, thời gian các con nằm viện còn nhiều hơn thời gian ở nhà, uống thuốc còn nhiều hơn cả ăn cháo, ăn bột.

Thế nhưng, "ông trời vẫn chưa hết thử thách lòng người khi năm 1997, chồng tôi lại đổ bệnh", chị nén tiếng thở dài. Anh Thiện nằm viện 7 năm sau thì mất, để lại cho chị hai đứa con - một bị động kinh, một ốm yếu, còi cọc cùng khối nợ chồng chất từ tiền thuốc men. Cuộc đời chị dường như đong đầy nước mắt của sự khổ đau, bất hạnh.
"Chỉ mong luôn vững chân để dìu con về nhà".
"Chỉ mong luôn vững chân để dìu con về nhà".

Tôi còn sống ngày nào thì con được sướng ngày đó

Chị bảo, dẫu trước khi mất, chồng chẳng còn là chỗ dựa kinh tế thì vẫn là chỗ dựa tinh thần cho ba mẹ con chị. Nay chồng mất rồi, chị vừa làm mẹ, vừa phải làm cha. Có những lúc mệt mỏi, kiệt sức, chị đã nghĩ đến việc bỏ lại tất cả để đi theo chồng cho "rảnh nợ".

Thế nhưng, nhìn lại hai đứa con, trái tim người mẹ đã níu chị ở lại. "Nếu mình có làm sao thì họ hàng sẽ bao bọc chúng nó nhưng làm sao chúng có được tình yêu thương như của mẹ". Thế là, chị lại phải gắng gượng.

Ngày ngày, chị đi làm thuê, từ cấy hái đến phu hồ. Tiền công cũng khá, tới cả trăm nghìn một ngày nhưng đều dành hết vào thuốc thang. Ngày công cũng bập bõm vì còn phải đưa Gấm đi khám định kỳ, rồi phải đi tìm con những lúc nó lên cơn động kinh, bỏ nhà đi. Thằng Thắng đã biết nấu cơm, quét nhà, trông chừng chị giúp mẹ. Thế nhưng, "nó nhỏ con lắm. Hai mươi tuổi rồi mà vẫn còn đi chơi với đám trẻ con hàng xóm", chị xót xa.

Hôm tôi đến, Thắng theo anh họ lên khu công nghiệp nộp hồ sơ xin việc. Người mẹ ở nhà vẫn đau đáu khi "chẳng biết người ta có dám nhận nó vào làm việc hay không. Nếu không thì cho nó ở nhà vài năm nữa cho có da có thịt hơn, hy vọng lúc đó cũng dễ xin được việc".

Bây giờ, chị lo nhất là cái Gấm. "Thằng Thắng dẫu sao cũng là con trai, mai này cũng phải lấy vợ. Còn cái Gấm, tôi sống được ngày nào thì nó còn sướng ngày đó", chị nói.

Cái Gấm đã 23 tuổi. Dù chị vay mượn tiền để xây tường, xây cổng ngăn không cho Gấm bỏ đi nhưng "cứ lảng ra một tí là nó đi lúc nào không biết. Có khi nửa đêm ngủ không thấy con đâu lại cuống cuồng đi tìm. Rồi lúc mưa gió con cũng cứ lang thang ngoài đường. Tôi chỉ mong luôn vững chân để dìu con về nhà mỗi lần nó bỏ đi như thế", chị gạt ngang dòng nước mắt. Ngồi bên cạnh, Gấm thấy mẹ khóc thì cũng khóc theo, dù chẳng hiểu chuyện gì.

Chuông đồng hồ điểm 1h chiều, người mẹ khắc khổ ấy vội vã cáo từ, khóa trái cửa để ra đồng cắt nốt sào ruộng, 2h chiều chị lại phải tất tả về chỗ công trình xách vữa.
An Nhiên

Bình luận(0)