Trải lòng của ông bố “Hà Nội 2” đưa con thi ĐH

Google News

"Mang tiếng là người Hà Nội, nhưng lần đầu tiên đưa con đi thi đại học cũng là lần đầu tiên tôi bước chân vào nội thành"

- "Mang tiếng là người Hà Nội, nhưng lần đầu tiên đưa con đi thi đại học cũng là lần đầu tiên tôi bước chân vào nội thành. Ở đây cái gì cũng đẹp. Người mặc đẹp. Đường phố đẹp. Nhà xây đẹp. Nhưng cái gì cũng đắt quá. Tôi mong là con gái mình sẽ đỗ đại học để được ở trong thành phố đẹp này".

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Công, thôn Thượng, xã Tuy Lai, Mỹ Đức, Hà Nội về hành trình đưa con đi thi đại học của mình.

"Đỗ đại học, đời con, đời cháu nó sẽ sướng"

Đây là lần thứ mấy ông đưa con đi thi đại học ạ?

Đây là lần đầu tiên tôi đưa con đi thi đại học đấy. Tôi có 2 đứa con nhưng đứa đầu chỉ học hết cấp 2, không thi đỗ vào cấp 3 nên đi học nghề.

Ông có định hướng cho con học ngành gì, thi khối gì không?

Cháu nó thích học gì thì học, thích đi thi thì tôi đưa đi chứ cũng không ngăn cản hay ép buộc gì cả.

Nhà ông ở Hà Nội, chắc hẳn không phải thuê trọ?

Nhà tôi cách đây khoảng 50 cây số nhưng tôi vẫn đi đi, về về. Chứ thuê nhà trọ ở đây thì chết, tiền đâu. Hôm đưa cháu đến làm thủ tục thi, tôi thấy thông báo giá nhà trọ là 500.000đ/ngày mà tôi thấy hoảng quá. Thế là hai bố con quyết định đi xe máy về nhà. Buổi trưa thì đành phải ở lại và ăn cơm bụi thôi.

Việc đưa con đi thi có tốn kém nhiều không ạ?

Trước khi con đi thi đại học, vợ chồng tôi bàn nhau phải lo cho cháu chu đáo. Kể cả là mấy tạ lúa cũng chi. Cháu mà đỗ được đại học thì đời con, đời cháu của nó cũng sẽ sướng. Còn vợ chồng tôi thì làm ruộng từ nhỏ, giờ đủ ăn đã là may lắm rồi. Nhà 4 miệng ăn trông chờ vào 3 sào ruộng, tính trung bình thì mỗi vụ được 3 tạ thóc, cũng gọi là đủ ăn thôi.

Nếu chỉ đủ ăn thôi thì lấy đâu tiền cho con đi học?

Phải chịu thôi, cứ lần mò dần.

Ông có làm thêm gì không?

Tôi chỉ làm ruộng, ngày nông nhàn thì cọc cạch đi làm thợ sơn, thợ vữa... Người dân làng tôi đa phần cũng đều thế, hiếm người đi học đại học lắm. Nếu con tôi mà đỗ đại học thì đó sẽ là niềm vinh dự lớn cho cả nhà.

Ông Nguyễn Văn Cộng, thôn Thượng, xã Tuy Lai, Mỹ Đức, Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Cộng, thôn Thượng, xã Tuy Lai, Mỹ Đức, Hà Nội.

"Hà Nội đông quá, chỉ sợ chạm vào người khác!"

Ông có muốn cho con đi học đại học không?

Nó đỗ được thì tốt quá chứ lị. Ai chẳng muốn cho con đi học đại học. Chỉ sợ nó không đỗ thôi.

Quanh xóm nhà ông có ai phải vay mượn hoặc bán đất, nhà cho con đi học không?

Bán nhà thì ở vào đâu, nhưng gần như nhà ai cho con đi học cũng phải vay mượn cả. Chứ nhà và đất thì không có để bán. Cháu nhà tôi mà đỗ thì tôi cũng đi vay cho nó đi học. Thôi thì "hy sinh đời bố củng cố đời con" chứ biết làm thế nào được.

Cháu nhà ông làm bài tốt không?

Hôm qua nó bảo cũng làm được bài, nhưng không biết là được bao nhiêu điểm. Tôi hỏi là liệu 2 môn có được 5 điểm không, thế là nó mắng: "Hai môn mà có 5 điểm, bố cứ đùa".

Trong thời gian chờ cháu làm bài thì ông làm gì?

Tôi đi lang thang cho hết giờ chứ ngồi một chỗ thì cũng buồn lắm. Cứ thấy chỗ nào đẹp đẹp là ngó vào xem. Nhưng cũng chỉ dám đi loanh quanh chứ không dám đi xa kẻo lạc. Tính là người Hà Nội nhưng tôi cũng chưa bao giờ vào nội thành cả. Đường lắm người, nhiều ngã rẽ, chỉ sợ lạc, sợ va vào người khác thôi.

Trước đây việc học của ông thế nào?

Ngày trước tôi học hết lớp 7  là ở nhà làm ruộng. Nhà đông anh chị em, người được học người không, có khi bố mẹ bắt đi học nhưng không đi, thích đi chơi với bạn bè, thích đánh khăng đánh đáo hơn. Đến giờ thì thấy rằng không học vất vả lắm.

Nếu được làm lại thì ông có nghĩ là ông sẽ học lên cao chứ không làm ruộng?

Giờ nó cũng qua rồi, nghĩ lại thì cũng chỉ đến thế thôi. Ngày đó do mình không thích học, một phần vì cái thời thế nó thế, nhà nghèo, cơm độn không có mà ăn nên chẳng nghĩ được gì ngoài việc phải kiếm cái gì ăn cho no.

"Anh trí thức phải hơn chứ, nhàn nhã mà có ăn"

Phong trào học tập ở quê ông thế nào?

Lớp trẻ giờ nó thích đi học hơn tôi ngày trước. Đa số học hết cấp 3, chỉ có điều hiếm đứa nào đỗ vào đại học.

Có gia đình nào con đỗ đại học mà không có tiền cho con đi học?

Không, nếu đỗ thì đứa nào cũng được đi học hết. Giờ có chính sách cho vay, nên cứ đỗ là được đi học thôi.

Nếu con ông đỗ đại học thì ông tính sao?

Tôi sẽ vay tiền cho nó đi học chứ. Nếu không thì biết lấy gì nuôi. Thu  nhập cả nhà phụ thuộc vào mấy sào ruộng, tiền mua đạm lân, máy cày máy bừa, giống má... vào nữa thì gần như là hòa gốc.

Là người làm ruộng từ nhỏ đến giờ, ông thấy sự khác nhau giữa lao động chân tay và trí óc là thế nào?

Anh trí thức phải hơn chứ. Nhàn nhã mà có ăn. Còn anh nông nghiệp thì tối ngày ngoài đồng. Có ăn nhưng cũng chỉ gọi là thôi, ăn đầy bụng để đi làm thôi. Làm ruộng là nghề vất vả nhất trong tất cả các nghề rồi.

Ông có bao giờ bảo các con là phải học đi để không phải làm ruộng như bố hay không?

Tôi cũng có bảo nhưng học là quyền của chúng nó, mình không bắt được. Có bắt mà chúng nó không học thì cũng thế thôi. Nếu là một thửa ruộng, mình chỉ cần bảo mày phải cuốc xong ruộng này cho tao, chắc nó cuốc được ngay. Nhưng lại bảo, mày phải đỗ đại học, thì khó lắm, khó vô cùng cô ạ. Sức học nó có hạn thì mình phải chịu thôi. Cuốc ruộng dễ hơn học bài nhiều!

Nếu con ông không đỗ đại học thì ông sẽ cho cháu làm gì?

Thì sẽ cho nó đi học trung cấp thôi. Còn chuyện có xin việc được hay không thì tính sau. Mình cứ lo dần dần thôi. Làm cha mẹ thì mình cứ nuôi nó học hành đàng hoàng, thế là được rồi. Còn học thế nào, xin được việc không thì tính sau thôi.

Xin cảm ơn ông!

"Tôi cũng mong nó đỗ đạt để thành người. Chứ quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho giời như tôi thì vất vả lắm. Cả đời tôi chẳng biết đến sự sung sướng là gì. Người ta cứ bảo đi du lịch, đi nhà hàng, mà cả đời tôi chưa bao giờ biết đến. Tôi thấy tủi cực vì mình nghèo, mình khổ, mình không học hành lên cao, nên con mình cũng phải chịu thiệt thòi.

Giờ con muốn thoát khỏi cảnh ấy thì chỉ còn cách phải học lên cao, phải đỗ đạt thôi. Tuy nhiên tôi cũng không ép chúng. Mình tạo hết điều kiện cho chúng nó học, nếu đỗ đạt thì chúng nó sướng, còn không thì chúng nó phải chịu thôi."

Tô Hội (Thực hiện)

[links()]

Bình luận(2)

Minh Hiền

Phan Đức Hải

Bác này nói chuyện chân chất thật, đúng bản chất nhà nông. Cầu mong con của bác ấy đỗ ĐH để sau này cuộc sống đở vất vả hơn bố mẹ.

Minh Hiền

Trần Thanh Vân

Người nông dân trên nước Việt mình còn nghèo khổ quá!