Người thương binh “tàn” và mối tình không “phế“

Google News

Đó là "tiếng thơm" về mối tình của ông Vũ Xuân Hoa và bà Nguyễn Thị Dĩnh (Từ Liêm, Hà Nội).

- Bị thương tổn hại 92% sức khoẻ, liệt nửa người, chàng trai 20 tuổi những tưởng chẳng bao giờ mơ tới tình yêu. Vậy mà không ngờ, khi biết tin, cô bạn gái xinh xắn đã đạp xe hằng tuần đến chăm sóc rồi vượt bao trở ngại để trở thành bạn đời, trao cho ông tổ ấm suốt mấy chục năm qua.

Cưới trong bệnh viện

Nghe tôi hỏi thăm nhà, một bà cụ gần tuổi 80 vồn vã: "Nhà anh thương binh Hoa chứ gì. Cô vợ đảm đang giỏi người (xinh - PV) lắm, chăm chồng bao nhiêu năm nức tiếng ở đây đấy". Và quả thực khi gặp ông Vũ Xuân Hoa và bà Nguyễn Thị Dĩnh (Từ Liêm, Hà Nội) tôi đã hiểu vì sao "tiếng thơm" về mối tình của ông bà lại bay xa đến thế, dù cả ông và vợ đều cười nhẹ tênh khi kể về mình, như thể chẳng có gì đáng nói.

Ông Hoa bị thương ở chiến trường Campuchia, năm 1980 sau 3 năm nhập ngũ. "Tôi bị choáng, ngất đi không biết gì, vài ngày sau mới tỉnh. Câu đầu tiên tôi hỏi đồng đội là "mày đưa tao vào đây làm gì". Tôi bị mất trí nhớ, mãi sau mới hồi phục, nhớ lại mình là ai, vì sao mà bị thương...", ông Hoa bồi hồi.

Tỉnh táo và nhớ lại được là một điều mừng, nhưng với ông đi liền với đó là nỗi đau. Một chàng trai 20 tuổi cao ráo, khoẻ mạnh bỗng dưng biết mình bị vỡ cột sống, vĩnh viễn mất đi 92% sức khoẻ, suốt phần đời còn lại gắn với chiếc xe lăn. Ông Hoa kể: "Mới đầu tôi sốc và buồn lắm, có lúc còn nghĩ tiêu cực, hoang mang không biết tương lai sẽ ra sao". Ấy thế mà không ngờ ngay trong lúc đó, có một người con gái dịu dàng mà mạnh mẽ mang đến cho ông hạnh phúc ngọt ngào, dìu ông qua quãng thời gian khủng hoảng.

"Trước khi nhập ngũ, tôi có tham gia lớp thêu rồi gặp cô ấy. Cũng chỉ là bạn bè bình thường thôi. Tới tận lúc tòng quân cũng chưa có tình cảm đặc biệt nào, không có hứa hẹn gì. Vậy mà khi nghe tôi bị thương, nằm ở Bệnh viện Quân đội 108, tuần nào vài lần cô ấy cũng đạp xe lên thăm tôi. Tôi phải nằm viện mất 3 năm, lúc cưới vẫn còn ở trong viện", ông Hoa cười nhớ lại.
Vừa xoa bóp cho chồng, bà Dĩnh vừa rưng rưng kể chuyện đời mình.
Vừa xoa bóp cho chồng, bà Dĩnh vừa rưng rưng kể chuyện đời mình.

Chả hiểu sao lại yêu ông ấy

"Nhà tôi và nhà ông ấy gần nhau mà rước dâu đi từ 2 giờ tới tận 4 rưỡi chiều mới về đến nhà, vì đông quá. Các cơ quan đoàn thể, rồi người dân người làng, người ta thấy chú rể ngồi xe lăn đi hỏi vợ thì cảm động mà đến dự chật nhà chật ngõ", bà Dĩnh mắt lấp lánh tự hào khi nhớ lại ngày trọng đại đời mình.

Bà bảo, mới đầu khi nghe con gái ngỏ ý muốn lấy người chồng thương binh nặng, bố mẹ bà phản đối dữ dội lắm, vì sợ con khổ, nhưng bà vẫn quyết tâm không lay chuyển ý định, nhất quyết chỉ cưới ông. Vậy mà khi nghe tôi hỏi lý do cho tất cả những điều đó, bà cười lắc đầu: "Tôi không biết, chẳng hiểu vì sao lại yêu ông ấy".

Chẳng thể lý giải được trái tim mình, nhưng suốt mấy chục năm qua, bà sống với ông trọn nghĩa, vẹn tình từ những gì trái tim mách bảo. Cái tình đó khiến bà vượt qua được bao nhiêu khó khăn, khổ cực để vun đắp được gia đình có được ngày hôm nay.

"Cưới nhau xong được một thời gian thì chúng tôi ra ở riêng. Khi đó khu đất này chỉ có mỗi nhà tôi, đồng không mông quạnh. Con nhỏ, vừa chăm chồng, chăm con mọn, lại là trụ cột kinh tế chính... vất vả nhiều khi chẳng muốn nhớ lại. Tôi luôn nhủ, giờ được như thế này là tôi mãn nguyện lắm rồi", bà Dĩnh bùi ngùi.

Điều hạnh phúc nhất đối với bà là suốt mấy chục năm sống với nhau, chưa bao giờ ông bà to tiếng, nặng nhẹ với nhau một câu. Những năm đầu hôn nhân, cái đói, nghèo bủa vây, lại thêm nỗi lấn bấn con nhỏ dại, chồng đau yếu nhưng cả ông và bà đều chung suy nghĩ "hoàn cảnh đã thế rồi, có cáu giận chỉ làm cuộc sống nặng nề thêm". Vậy là ông và bà dựa vào nhau, kiên trì từng ngày vượt qua tất cả.

Bà Dĩnh bảo, mong ước lớn nhất bây giờ đối với bà là ông khoẻ mạnh. "Ông còn sống tuy chẳng làm được gì nhưng còn cái bóng của ông đó, mẹ con tôi thấy vững tâm". Ông Hoa nhìn vợ lặng lẽ mỉm cười, mãi sau mới thốt lên một câu: "Tôi thấy mình may mắn".

Mai Loan

Bình luận(0)