Mẹ Tơm và chiếc váy đụp trăm miếng vá

Google News

Mảnh đất Đông Thành (Đa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) nơi mẹ Tơm đã bao bọc những người chiến sĩ cách mạng ấy đã thay da đổi thịt từng ngày...

"Con đã về đây, ơi mẹ Tơm/Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm/Cho con, cho Đảng ngày xưa ấy/Không sợ tù gông, chấp súng gươm".

Theo câu thơ đằm thắm tình cảm của nhà thơ Tố Hữu tôi trở về mảnh đất của người mẹ nghèo khổ năm xưa đã tần tảo, kiên cường nuôi dưỡng những người con yêu nước. Giờ đây, mảnh đất Đông Thành (Đa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) nơi mẹ Tơm đã bao bọc những người chiến sĩ cách mạng ấy đã thay da đổi thịt từng ngày...

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2012), để tìm hiểu về cuộc sống của người mẹ nghèo khổ, tần tảo sớm hôm, chở che cho những chiến sĩ cách mạng, chúng tôi được ông Vũ Xuân Thu (67 tuổi) người cháu nội của mẹ Tơm kể lại những câu chuyện cảm động qua hồi ức của mình.

Nhà thơ Tố Hữu về thăm lại Mẹ Tơm (ảnh tư liệu).
Nhà thơ Tố Hữu về thăm lại Mẹ Tơm (ảnh tư liệu).


Mẹ Tơm không phải tên thật

Ông Thu cho hay, bài thơ Mẹ Tơm của Tố Hữu viết vào tháng 7/1961. Đó là thời điểm sau 19 năm đi xa rồi trở về thăm, Tố Hữu ra mộ thắp hương cho ông bà, tri ân người đã nuôi dưỡng mình. Lần về thăm ấy đã khiến nhà thơ Tố Hữu xúc động viết bài thơ Mẹ Tơm.

 

Bài thơ đã khái quát toàn bộ cuộc đời, công lao của người đã có công nuôi dưỡng các chiến sĩ yêu nước trước cách mạng tháng 8/1945. Nhưng tên thật của mẹ Tơm là Nguyễn Thị Quyển, bà mất năm 1953, thọ 73 tuổi.

Ông Thu giải thích về cái tên mẹ Tơm trong bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu rằng: "Mẹ Tơm sinh được 4 người con (hai trai, hai gái). Một người em gái bị bệnh hiểm nghèo mất sớm, còn người chị lớn lên đi lấy chồng xa nhà. Chỉ còn bố và bác tôi ở nhà. Khi đó người bác, anh ruột bố tôi là Vũ Văn Sồ lấy vợ đã lâu mà không có con.

Ông bà tôi mới xin một người người con gái của bác họ làm con nuôi, chị ấy tên là Vũ Thị Tơm. Khi những cán bộ cách mạng về ở gia đình tôi năm 1942 thì Tơm cũng khoảng 7, 8 tuổi. Sau khi bác tôi có Tơm làm con, mọi người không gọi tên cúng cơm là bà Quyển, ông Sởn (chồng mẹ Tơm) nữa mà gọi là ông Tơm, bà Tơm".

Ông Thu nhớ về những ký ức năm xưa: Năm 1945, bố tôi bị giặc Pháp bắt. Một năm sau ngày bố tôi ra tù, tôi mới ra đời. Bà tôi mất năm 1953 khi đó tôi mới 7, 8 tuổi. Tuy không nhớ nhiều nhưng trong lòng tôi vẫn còn những kỷ niệm về người bà của mình. Bà tôi là người bé nhỏ, gầy còm, hiền lành. Tuy già yếu phải chống gậy, nhưng bà vẫn làm giúp con cháu việc nhẹ nhàng ngoài đồng áng.

"Tôi nhớ vào khoảng năm 1951, trên đường ra Hà Nội công tác, ông Lê Tấc Đắc, một người chiến sĩ cách mạng từng được bà tôi nuôi giấu trong nhà mình đã về thăm lại bà. Đó là buổi chiều khi tôi cùng bà chăn bò ở rừng cây phi lao bên bãi cát. Nhìn thấy bà, ông ấy đã xúc động chạy lại ôm chầm lấy bà như một người con sau bao ngày xa cách nay được gặp lại. Bà và ông Đắc nhìn nhau, nước mắt nghẹn ngào mà không nói lên lời.

Dường như, nhìn thấy người mẹ còm cõi, vẫn bộ quần áo nâu vá víu, ông ấy thương bà lắm. Ông Đắc lấy từ trong ba lô mấy mét vải lụa biếu bà may quần áo. Đêm hôm đó, ông Đắc cùng người cận vệ về nhà tôi ngủ lại. Mọi người tâm sự đến 4h sáng thì bác tôi tiễn chân ông Đắc qua đò sang Nga Sơn (Thanh Hóa) để đi ra Hà Nội", ông Thu nhớ lại.

Ngôi nhà Mẹ Tơm trước đây giờ được xây dựng là di tích lịch sử cách mạng.
Ngôi nhà Mẹ Tơm trước đây giờ được xây dựng là di tích lịch sử cách mạng.


Khi con chết, bố mẹ đừng chôn thành m

“Nhà ông bà tôi lúc đó là ngôi nhà tranh ba gian, vách nứa, mái nhà lợp bằng cây bổi (cây cói loại ra). Căn buồng của gian nhà được dành riêng cho các bác hội họp bàn kế hoạch chiến đấu với địch, viết truyền đơn tuyên truyền cách mạng.

 

Tờ báo "Đuổi giặc nước" do Tố Hữu làm chủ bút in bằng li tô xuất bản số đầu tiên ở gia đình chúng tôi. Những lá truyền đơn được viết lên hòn đá bằng chữ ngược chiều, sau đó đắp tờ giấy vào lấy con lăn đi lăn lại cho hiện chữ lên.

Khi những người chiến sĩ cách mạng về đây hoạt động, bác tôi được bố con cụ Đinh Chương Dương (người cùng quê) giác ngộ cách mạng. Họ đã dạy bố tôi, bác tôi nghề cắt tóc dạo để vừa có tiền mua gạo nuôi gia đình, vừa có điều kiện đi phân phát tài liệu tuyên truyền cho cách mạng.

Bố tôi, ông tôi hằng ngày đi cắt tóc dạo khắp các nơi, tài liệu được giấu dưới đáy tráp đựng đồ nghề cắt tóc. Hai người vừa cắt tóc vừa tuyên truyền chống bọn cường hào ác bá ở nông thôn, kêu gọi những người yêu nước chống lại kẻ thù. Còn bà tôi cứ chiều chiều đi bộ lên chợ Diêm Phố (Ngư Lộc, Hậu Lộc) gánh một bên rau, bên củi đi bán. Thực chất là ngụy trang để cất giấu tài liệu, truyền đơn.

Bà thường đến chỗ đông người quan sát không thấy sự kiểm tra của quân lính thì bà rải truyền đơn cho dân chúng. Truyền đơn khi đó có nội dung: Đuổi giặc nước, chống sưu cao thuế nặng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa”.

Ông Thu kể: "Năm 1960, ông Lê Tất Đắc viết bài với nhan đề "Cá nước". Trong cuốn hồi ức của mình, ông đã kể lại câu chuyện thật cảm động về tình yêu thương những đứa con làm cách mạng của Mẹ Tơm".

Một phần nội dung bài viết ấy kể rằng, ông Lê Tấc Đắc vốn bị sốt rét rừng từ những lần bị giặc Pháp bắt giam ở nhà tù Buôn Mê Thuột. Một hôm ông lên cơn sốt rét, khi đó trong nhà Mẹ Tơm nghèo đến mức chăn chiếu cũng không có để đắp.

Khi được xác định là khó qua khỏi, ông Đắc đã dặn dò mọi người trong gia đình Mẹ Tơm rằng: Con khó sống được, sau khi con chết bố mẹ đừng chôn con thành mồ mà hãy san bằng phẳng. Nếu đắp mồ bọn chúng phát hiện thì giết cả nhà mất. Mẹ Tơm đã dùng chiếc váy đụp rách trăm miếng vá đắp lên người ông Đắc để giữ ấm, sau đó bà lấy lá nấu xông hơi cho ông Đắc và nấu cháo cho ông ăn. Nhờ thế mà tuần sau ông đã qua được cơn nguy kịch.

"Ngôi nhà tranh ba gian của ông bà xưa kia nuôi dưỡng cán bộ đã bị lũ lụt cuốn trôi. Hiện, ngôi nhà của Mẹ Tơm đã được tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ xây dựng lại và công nhận là khu di tích lịch sử cách mạng, lưu lại những kỷ vật của ông bà đã sử dụng suốt những năm tham gia nuôi giấu cán bộ cách mạng. Mẹ Tơm được tặng Kỷ niệm chương Tổ Quốc ghi công và bằng gia đình có công với nước", ông Thu tự hào cho biết.

Những kỷ vật xưa kia của gia đình Mẹ Tơm.
Những kỷ vật xưa kia của gia đình Mẹ Tơm.
 
"7 người con được Mẹ Tơm và gia đình tôi nuôi giấu, che chở đùm bọc từ năm 1942 - 1944 gồm: Tố Hữu, Lê Tất Đắc, Hoàng Tiến Trình, Đinh Chương Lân, Đặng Hữu, Phạm Thị Thái, Nguyễn Xung Phong. Sau này những đồng chí đó giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta".
Ông Vũ Xuân Thu

"Xã chúng tôi vốn là xã nghèo, ruộng đồng bị nhiễm mặn nên việc trồng trọt gặp nhiều khó khăn. Nhưng hiện nay đời sống người dân cũng được nâng lên từng bước, người dân đã thoát khỏi cảnh đói nghèo. Niềm tự hào nhất của người dân chúng tôi là có truyền thống cách mạng của thế hệ cha ông, trong đó Mẹ Tơm là một tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo".
Ông Bùi Thế Sinh (Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa)

Đức Lợi

 

Bình luận(0)