Ai bảo giàu là khổ?

Google News

Từ lâu trong tâm thức của nhiều người, giàu thường đi liền với không hạnh phúc, nhiều tiền thường gắn với sự bất chính.

- Đám cưới với chi phí lên tới 50 tỷ ở Hà Tĩnh đang khiến cho thế giới mạng xôn xao bởi sự xa hoa, hoành tráng, chịu chơi chả kém gì các sao Hollywood. Xem rồi, trầm trồ rồi thì cứ thắc mắc, sao nhiều người giàu thế, làm gì mà giàu thế không biết? Còn tôi cứ băn khoăn tự hỏi, có nhiều tiền thế có sung sướng không?

Từ lâu trong tâm thức của nhiều người, giàu thường đi liền với không hạnh phúc, nhiều tiền thường gắn với sự bất chính. Con nhà nghèo thì mới học giỏi, chứ con nhà giàu thì chỉ có học dốt và hư... Điều đó dường như đã thành quy luật của cuộc sống, quy luật đền bù: Khi con người ta thiếu hụt về hạnh phúc thì được đền bù bằng tiền bạc.

Nhưng tôi thấy điều đó không hoàn toàn đúng, dường như nó là liều thuốc an ủi cho những người nghèo, những người chưa giàu mà thôi. Bởi tôi thấy có rất nhiều người giàu mà hạnh phúc. Giàu thì được làm nhiều việc theo ý mình.
 
Một gia đình, hai vợ chồng làm việc cho một tổ chức nước ngoài có điều kiện cho con đi học ở Mỹ. Hằng ngày cha mẹ, con cái vẫn chat chit với nhau nên như không có khoảng cách cả nửa vòng Trái Đất. Bố mẹ ở nhà thì suốt ngày rủ rỉ như đôi chim câu. Mỗi năm họ đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Ai bảo thế là không sướng?
 
Một ông giáo sư sống trong một căn biệt thự to đẹp ở một phố trung tâm của Hà Nội. Điều kiện sống tốt cả về vật chất và tinh thần nên ông khoẻ mạnh, hồng hào, phong thái ung dung như một ông tiên. Ông muốn nghiên cứu khoa học, muốn tham gia hoạt động gì thì tham gia, muốn đi chơi nước nào thì đi... không phải lo về kinh tế. Mỗi năm ông bỏ ra một vài tỷ để đi làm từ thiện. Ai cũng ngưỡng mộ. Ông bảo mọi thứ là do con cái kinh doanh mà ra. Ai bảo giàu là khổ?

Giàu chỉ khổ khi con người ta thành nô lệ của đồng tiền. Có nhiều tiền rồi là muốn nhiều nữa, nhiều nữa, để rồi bằng mọi cách, bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được. Có tiền rồi cũng không biết dùng vào những việc đem lại niềm vui, hạnh phúc cho bản thân mình và những người khác.
Minh Anh

Bình luận(4)

Minh Hiền

Ai bảo giàu là khổ

Vâng! Đúng thế, người giàu vô cùng sung sướng. Người giàu có thể chi nhiều tiền cho những kẻ bồi bút chuyên bóp méo sự thật, có thể ca ngợi kẻ xấu không tiếc lời, tâng bốc, ca ngợi kẻ hiểm ác như một mẫu gương đáng ca ngợi.
Ai bảo giàu là khổ?

Minh Hiền

Lê Nguyên Hùng

Cái khổ của người giàu là muốn giàu nữa?Họ chỉ muốn nghỉ ngơi khi con cháu có thể thay họ làm giàu.Còn những cái khổ khác chỉ là tưởng tượng của những anh nghèo.Một đất nước nhiều người giàu bao giờ cũng sướng hơn đất nước bói 100 lần cũng không có được 1 tỷ phú ,thì lấy đâu gọi là sướng.Vụ cưới con 50 tỷ là sướng ,nhưng ngu vì sớm muộn cục thuế sẽ sờ gáy?(Không khảo mà xưng).Hoặc ngày mai thu lỗ,vỡ nợ thì hôm nay vẫn có thể cưới con 50 tỷ.Thì là vẫn sướng ,và cần sự hi sinh của đời cha thôi.

Minh Hiền

Nguyễn Thành Giang

Ôi, lại 1 kẻ ăn tiền của thiếu gia Hà Tĩnh, nói chuyện nhà giàu có hạnh phúc và có đạo đức! Tuyệt vời cho những kẻ vì tiền lật lọng!

Minh Hiền

Khương Việt Hưng

Sự thật là 90% người giàu thì hạnh phúc và 90% người nghèo thì bất hạnh. Còn tư duy của đa số chúng ta thì bị ảnh hưởng bởi con số 10% còn lại.

Tôi mới đọc cuốn Tư duy triệu phú, thấy có sự khác biệt rõ ràng giữa tư duy của người giàu và người nghèo như sau:

1. Tôi tạo ra cuộc đời tôi: Đời tôi thế nào hoàn toàn do tôi quyết định (Người nghèo thường hối tiếc, oán trách, đổ lỗi cho sự nghèo túng, bất hạnh).
2. Người giàu quyết tâm làm giàu (Người nghèo chỉ mong muốn chứ không quyết tâm hay bắt tay hành động).
3. Người giàu luôn chọn cả hai “giàu có & hạnh phúc”, luôn đòi hỏi nhiều hơn từ cùng 1 khoản đầu tư (Người nghèo đòi ít vì nghĩ mình chỉ đáng như vậy).
4. Người giàu luôn luôn học hỏi và phát triển: Vì tri thức và trải nghiệm làm giàu có hơn. (Người nghèo hay chê bai bằng cấp, sách vở, hoặc chê những người có học hay có ý chí học hỏi).
5. Người giàu luôn biết đón nhận: Nghĩa là tự tin, xứng đáng nhận, hưởng những gì của mình, thuộc về mình. Đồng nghĩa với việc chấp nhận cao hơn (Người nghèo an phận vì nghĩ mình chỉ xứng đáng phần nhỏ).
6. Người giàu luôn ngưỡng mộ người giàu có và thành công khác.
7. Người giàu luôn kết giao với người giàu có và người thành công khác (là những người thành đạt và lạc quan).
8. Người giàu luôn nghĩ lớn (Người nghèo luôn nghĩ nhỏ), người giàu luôn đứng cao hơn vấn đề.
9. Người giàu luôn biết giá trị của mình và biết cách quảng bá bản thân mình. Điều này vừa phản ánh sự tự tin, vừa tạo ra sức hấp dẫn của bản thân.
10. Người giàu luôn tập trung vào các cơ hội (Người nghèo xem cơ hội là khó khăn).
11. Người giàu chú trọng vào những gì họ muốn, trong khi những người nghèo lại tập trung vào những gì họ không muốn.
12. Người giàu tiết kiệm cho những ngày hạnh phúc chứ không phải là những ngày khốn khó.
13. Người giàu biết tập trung vào tổng tài sản (bất động sản, công ty, chứng khoán…).
14. Người giàu tập trung vào cả 4 kênh thu lợi: Thu nhập, tiết kiệm, đầu tư, đơn giản hóa lối sống để giảm chi phí. Ví dụ: Nếu nghèo thì không nên ở nơi chi phí đắt đỏ. Nếu nghèo thì không nên có quá nhiều đồ vật hay các thứ xa xỉ.
15. Người giàu biết đầu tư, biết dùng tiền để đẻ ra tiền (thay vì tiết kiệm hưởng lãi thụ động).
16. Người giàu biết cách quản lý tiền bạc nên càng kiếm được nhiều tiền, áp lực càng nhỏ (ngược với người nghèo).
17. Người giàu dũng cảm khi hành động (dám bỏ tiền ra đầu tư, tự mở công ty…), người giàu chấp nhận rủi ro (Người nghèo thường coi cơ hội như khó khăn).
18. Nếu mục đích của bạn là sống thoải mái, nhiều khả năng là bạn sẽ chẳng bao giờ giàu có được. Nhưng nếu mục đích của bạn là giàu có, nhiều khả năng là bạn sẽ có cuộc sồng vô cùng thoải mái.
19. Người giàu đòi hỏi trả theo kết quả công việc, người nghèo theo thời gian.
20. Người giàu dành 20% thời gian quy định công việc để giải quyết xong công việc. Người nghèo lãng phí thời gian mà chỉ chờ đợi cho xong 8h hành chính.
21. Phần lớn những người ảnh hưởng nhất đến bạn, như bố mẹ bạn có xu hướng lập trình bạn thành kể thất bại bằng những quan niệm sai trái về chuyện làm giàu hoặc sử dụng tài sản. Chẳng hạn họ chê người giàu nhưng lại thèm khát tài sản của người giàu. Họ khoe khoang quan hệ với người giàu có nhưng không tự vươn lên để giàu có như những người giàu. Họ đưa chuyện giàu có của người khác ra không phải như tấm gương mà như biện pháp để làm giảm lòng tin hoặc giảm giá trị của con cái. Điều này làm bạn phải trở lại với ý đầu tiên: Bạn tự quyết, tự chọn niềm tin và lối sống của bạn không phụ thuộc vào bố mẹ hay quá khứ.
22. Người giàu nhìn thấy tiền, thấy cơ hội làm giàu ở khắp nơi (Người nghèo thì thường không nhận ra điều này hoặc nếu có nhận ra gì cũng không nắm bắt).