Bí ẩn bảo vật 600 năm cất trong tráp gỗ

Google News

Đền thờ tướng quân Phạm Văn Liêu được cấp bằng di tích lịch sử văn hóa từ năm 1990 lại đang trong tình trạng báo động trước sự xuống cấp và lãng quên.

Trải qua bao trận binh đao, loạn lạc song hậu duệ của tướng quân Phạm Văn Liêu - người có công đầu trong trận đánh giữ thành Xương Giang (tỉnh Bắc Giang ngày nay) vẫn luôn giữ gìn trân trọng bảo vật của dòng tộc. Đến nay, hậu duệ đời thứ 19 của vị tướng quân này vẫn cất giữ những thứ đồ gia bảo dẫu mỗi lần giở ra lại thấy chúng cũ kỹ, mủn dần đi...

Bảo vật 600 năm cất trong tráp gỗ

Ngôi nhà đơn sơ ở thôn Chùa, xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang của gia đình ông Phạm Văn Côn nằm dưới chân núi Cấm. Chẳng ai ngờ rằng, người đàn ông có vẻ ngoài lam lũ, già nua ấy đang lưu giữ cả một “kho báu vật”. Phải tin tưởng chúng tôi lắm, ông Côn mới vào buồng, khệ nệ bê ra chiếc tráp lớn. Chiếc tráp vốn được sơn son đã mất hoàn toàn lớp vỏ ngoài, chuyển sang màu xám. Những ánh mắt của chúng tôi đổ dồn vào đó. Từng chiếc áo gấm trang trí rồng chầu mặt nguyệt, hoa văn thời vua chúa xưa… Nhiều chiếc áo có đường chỉ khâu rất mộc mạc. Nhiều chiếc áo mỏng, màu đen đã bị rách chỉ còn là miếng vải. Có áo do trải qua thời gian quá dài, nó bị mủn dần, nhấc lên là cả lớp bụi bay ra.

Nói về nguồn gốc của những hiện vật trong cái tráp kia, ông Côn kể: “Tôi được cha giao lại cho, nói rằng đây là áo mũ của tướng quân Phạm Văn Liêu và công chúa Thiều Dương cách đây chừng 600 năm”. Số đồ trên là vật gia bảo, được truyền giữ từ đời này sang đời khác. Ở một chiếc thùng gỗ khác là 28 sắc phong ghi từ thời Lê Lợi. Một số sắc phong đã bị mối xông nham nhở.

 Đền thờ tướng Phạm Văn Liêu đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Theo một số tài liệu, Phạm Văn Liêu là con Phạm Văn Thánh, từng được phong hàm Đô đốc đồng tri, nguyên quán ở thôn Nguyên Xá, hương Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên, xứ Thanh Hóa. Ông theo Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn gây dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh từ những ngày đầu ở hội thề Lũng Nhai. Trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược, ông từng lập nhiều chiến công lớn trên chiến trường Nghệ An, Thanh Hóa. Khi Lê Lợi tiến quân ra Bắc, ông lại được cùng các đại tướng tài danh như Trần Nguyên Hãn, Lê Sát, Lê Thụ, Lê Lý… đánh thành Xương Giang thắng lợi. Phạm Văn Liêu là vị tướng chỉ huy một đạo quân mật phục ven sông Thương (vùng Xuân Hương, Mỹ Thái, huyện Lạng Giang ngày nay) rồi đồng loạt tổng công kích tiêu diệt và bắt sống hơn 7 vạn viện binh nhà Minh vào cuối năm 1427.

Tháng 10/1427, Lê Lợi đại phá quân Minh. Phạm Văn Liêu được phong Bình Ngô khai quốc công thần, chức vụ Tả sa kỵ Đại tướng quân và được nhà Lê chính thức đưa vào tập Sổ hội đồng. Ông đứng thứ 89 trong số 122 vị tướng lĩnh của Lê Lợi. Ông được cấp nhiều thực ấp ở xứ Kinh Bắc và sinh cư lạc nghiệp tại xóm Chùa, xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang ngày nay.

Phạm Văn Liêu có hai người con, một trai một gái. Con gái được tuyển vào cung, được phong làm Minh Phi. Sách Đại Việt thông sử, sử gia Lê Quý Đôn chép về bà như sau: “Phạm Minh Phi (vợ vua Lê Thánh Tông). Minh Phi họ Phạm là cháu của quan được tặng hàm Đô đốc đồng tri tên là Thánh và con của quan được tặng Đô Đốc đồng tri Tri Khang Vũ Bá Phạm Văn Liêu… Người con thứ hai của Phạm Văn Liêu là Phạm Đức Hóa. Phạm Đức Hóa lấy con gái thứ 8 của vua Thánh Tông Thuần Hoàng đế là Thiều Dương công chúa Lê Thị Ngọc Khanh. Như vậy, Phạm Đức Hóa vốn là em vợ, sau được kén làm phò mã của đức vua Lê Thánh Tông”.

Tướng Phạm Văn Liêu trở thành thủy tổ của dòng họ Phạm ở làng Chùa, xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang. Phần mộ và di tích đền thờ của tướng Phạm Văn Liêu đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử từ năm 1990. Thế nhưng, những gì chúng tôi đã chứng kiến tại đây cho thấy, hiện tại di tích được đối xử không tương xứng với giá trị đã được quốc gia công nhận.

 Áo và sắc phong có tuổi đời chừng 600 năm, là hiện vật có giá trị lịch sử cao.

“Ngủ quên” sau 23 năm nhận bằng di tích cấp quốc gia

Ông Phạm Văn Lại là cháu đời thứ 16 của danh tướng Phạm Văn Liêu run run cuộn tờ sắc phong cho chúng tôi xem. Ông và ông Côn cùng kể, cái tráp đựng quần áo của công chúa Thiều Dương và chiếc thùng gỗ đựng sắc phong được dòng họ của ông giữ gìn, bảo quản như báu vật. Thời kháng chiến chống Pháp, cả làng đi chạy loạn, chiếc tráp cũng được gánh đi theo. Người đi đâu, tráp theo đến đấy. Khi giặc Pháp lùng dữ quá, đàn ông trong họ cho đồ gia bảo ấy vào tay nải để giấu. Trời nắng thì mang đồ ra phơi, nhưng chỉ dám phơi trong bóng râm vì sợ hỏng. Tuy vậy, do thời gian quá dài nên việc bảo quản cũng không thể toàn vẹn được. Vải áo đã bắt đầu mủn ra, sắc phong thì bị mối xông mất một phần.

Đền thờ danh tướng Phạm Văn Liêu xây dựng trên một khu đất rộng hơn 1.600m2, bao gồm phần hậu cung và tiền tế. Trong đền hiện còn giữ nhiều hiện vật, tài liệu, cổ vật có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa như: Kiệu, sổ hội đồng, bia đá, đồ thờ, câu đối thời Lê... Nhà tiền tế thiết kế theo hình chữ "nhất" với sáu hàng chân cột gỗ lim. Chiếc kiệu cổ không còn nguyên vẹn để phủ bụi ở góc đền thờ. Ông Côn cho biết, mỗi khi trời mưa, nước chảy lênh láng qua các vết nứt hai bên tường đầu hồi, cộng thêm nước dột từ trên mái xuống đã hủy hoại nhiều cấu kiện gỗ trong di tích như cửa, quá giang, hoành và các vì kèo... Trước đây, Nhà nước từng cấp 10 triệu đồng để tu sửa di tích, nhưng số tiền này quá ít ỏi. Toàn bộ di tích đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Dòng họ tự vận động các thành viên góp tiền sửa nhà tiền tế.

Ông Côn được dòng họ giao nhiệm vụ nhang khói đền thờ và phần mộ tướng Phạm Văn Liêu. Trước đây, tráp quần áo, sắc phong để tại đền thờ, nhưng nay sợ mất và bảo quản không tốt sẽ hỏng nên ông đưa về nhà từ năm 1960. Được biết, dòng họ Phạm cũng đã đề nghị các cấp được sửa chữa để bảo tồn di tích nhưng chưa được đáp ứng. Đối với các bảo vật như quần áo lưu giữ mấy trăm năm, các sắc phong… cũng mới chỉ có người bên Sở Văn hóa đến xem, tìm hiểu chứ chưa có một kế hoạch bảo tồn, lưu giữ. Nếu không khẩn cấp bảo tồn, e rằng báu vật chẳng mấy sẽ tự biến mất.

Trên núi Cấm, phía sau nhà ông Côn là phần mộ của tướng Phạm Văn Liêu. Nơi đây cũng chỉ có hậu duệ của tướng Phạm Văn Liêu thắp hương, chăm sóc. Cách đền thờ chưa đầy 1 cây số là đền thờ công chúa Thiều Dương (gọi là đền Từ Mận) nằm bên dòng sông Thương. Cả một quần thể di tích thờ vị tướng thời Lê Lợi, nơi đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia mà không có nhiều người biết đến. Ngay cả một lời giới thiệu, biển chỉ dẫn di tích cũng không có. Do là Di tích cấp Quốc gia nên mọi sửa chữa, tôn tạo đều phải có quy trình. Nhưng với thực trạng hiện nay, di tích lịch sử này cần có biện pháp bảo vệ khẩn cấp. Những bảo vật dòng họ đang gìn giữ truyền đời cũng cần được đặt vào một vị trí trang trọng, xứng đáng với giá trị lịch sử. 

TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Theo Công An Nhân Dân

Bình luận(0)