Nỗi oan của cổ mộ bị hoàng đế xiềng xích

Google News

Chỉ vì con nghịch dại mà ông bà Phước Tang tuy đã chết vẫn bị hoàng đế Gia Long trừng phạt: mộ của họ bị xiềng xích.

Với công trạng cứu chúa thoát khỏi nguy nan, lẽ ra gia tộc của ông Lê Phước Tang phải được ban hầu, phong tước. Nhưng rồi con trai của Lê Phước Tang lại dám khi quân phạm thượng, rước đại nạn tru di tam tộc khiến cả dòng họ chỉ còn vài người sống sót. Nỗi oan uổng muôn đời cho ngôi mộ bị vua ra lệnh xiềng xích.

Giai thoại mặc áo vua đi thăm ruộng

Theo lời kể của các vị cao niên và qua đối chiếu với tư liệu lịch sử địa phương thì ông Lê Phước Tang là một nhân vật có thật và vốn là một người cai quản đồn điền. Vào khoảng nửa sau thế kỉ 17, ông Phước Tang dẫn đoàn người từ miền ngoài vào nam lập nghiệp. Ông cùng đoàn người đi sâu vào miệt cây cối âm u, không người sinh sống của vùng đất ven sông Tiền, mà nay thuộc miệt Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang để khai hoang mở đất.

Mảnh đất phương Nam quanh năm màu mỡ, mưa thuận gió hòa, lại chưa ai từng khai phá nên những người mới tới nơi đây chẳng mấy chốc đủ ăn, đủ mặc nhờ mưa nắng tươi tốt. Riêng ông Lê Phước Tang vốn tính tháo vát, dám nghĩ dám làm nên sau đó gia đình phất lên nhanh chóng, rồi trở thành phú nông giàu có nổi danh khắp vùng.

Cho đến ngày nay, người dân nơi đây vẫn truyền tụng rằng Lê Phước Tang luôn sẵn lòng giúp đỡ những người nghèo đói, cực khổ. Bởi thế, ông luôn được người dân kính trọng. Và ngôi mộ bị xiềng xích ấy chính là nơi chôn cất vợ chồng ông Lê Phước Tang – cũng là người khai hoang mở đất, lập nên làng Hòa Thuận, nay là xã Long Khánh, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Không những thế, tại xã Thanh Hòa cạnh xã Long Khánh còn có con rạch từ bao đời nay vẫn được người dân gọi là rạch ông Tang như để lưu dấu người đầu tiên đặt chân đến nơi này.

Đến xã Long Khánh, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang hỏi về ngôi mộ bị xiềng xích thì không phải ai cũng biết rõ. Chỉ có một số ít cụ cao niên trong làng mới tận tường những giai thoại xung quanh ngôi mộ cổ hàng trăm năm này. Nhưng thật may mắn cho chúng tôi khi được người dân giới thiệu và chỉ dẫn đến gặp cụ Nguyễn Chí Thọ, 86 tuổi, người được cho là thuộc làu những huyền tích tại mảnh đất nơi đây.

Cụ Nguyễn Chí Thọ vui vẻ bảo rằng: “Chuyện về ngôi mộ bị vua xiềng xích đã truyền miệng tự bao đời. Cho đến nay, giai thoại xung quanh gia đình ông Tang nhiều không biết đâu mà kể. Nhưng phổ biến nhất chính là câu chuyện con trai ông Tang mặc áo vua đi thăm ruộng, khiến cả dòng họ bị tru di tam tộc”.

Theo cụ Nguyễn Chí Thọ, dân gian truyền miệng lại rằng, lúc chúa Nguyễn Phúc Ánh bị nhà Tây Sơn truy đuổi đã chạy trốn nhiều ngày và lạc vào vùng miệt vườn heo hút này. Nghe danh phú nông Lê Phước Tang vốn là người hay giúp đỡ kẻ khốn khó, chúa Nguyễn Phúc Ánh cùng đoàn người chạy loạn mới tìm đến nhà ông Tang xin tá túc.

Ông Tang không những sẵn lòng giúp đỡ mà còn tận tụy che giấu khiến chúa Nguyễn Phúc Anh hết lòng tin cẩn. Nên đến lúc rời đi, chúa Nguyễn đã giao lại một số hành lý nhờ Lê Phước Tang trông giữ. Không những thế, bản tính hào hiệp, thương người của Lê Phước Tang còn khiến chúa Nguyễn hết mực nể phục và tấn phong chức Khâm sai Cai cơ cho ông.

Cụ Nguyễn Chí Thọ dừng lại uống ngụm trà rồi tặc lưỡi kể tiếp: “Những tưởng sau khi Nguyễn Ánh phục quốc, dòng họ Lê Phước sẽ được vinh hiển, nào ngờ các con trai của ông lại dại dột khi quân phạm thượng, khiến máu nhuốm đỏ cả 3 đời trong gia phả dòng họ. Còn vợ chồng ông Lê Phước Tang lúc ấy đã chết cũng không được yên thân bởi nấm mồ muôn đời bị vua xiềng xích”.

 Mộ ông Tang với 2 cây thị cổ thụ.

Trước lúc mất, ông Lê Phước Tang có kể lại với con cháu việc chúa Nguyễn gửi lại hành lý cho gia đình. Hai con trai của Lê Phước Tang là Lê Phước Tánh và Lê Phước Khỏa (tục gọi là cậu Gương và cậu Sen) liền tò mò mở ra xem thì thấy bên trong có triều phục của chúa. Do chúa Nguyễn bị nhà Tây Sơn đánh tan tác, phải trốn chui trốn lủi nên Gương và Sen tỏ ý coi thường triều phục của Nguyễn Ánh. Tinh nghịch, họ lấy áo của nhà vua mặc vào rồi ngang nhiên ra khỏi nhà đi thăm ruộng.

Người dân nhìn thấy thì thất kinh, kẻ hầu người hạ lo sợ nên cũng hết mực khuyên can, rằng: “Đây là hành động thiếu ngôn khoan”, rằng: “Nếu sau này chúa Nguyễn phục quốc, hai cậu sẽ mang trọng tội”. Nhưng Gương và Sen chỉ cười lớn, ví von bằng những lời tục tĩu, và cho rằng chúa Nguyễn sẽ không bao giờ đánh bại được nhà Tây Sơn. Sau này, khi ông Tang mất, hai cậu Gương và Sen còn dám dùng triều phục của chúa Nguyễn để khâm liệm cho cha.

Hai cây thị cổ thụ mang danh “thị ông, thị bà”

Điều mà Gương và Sen không thể ngờ là Nguyễn Ánh lại đủ sức đánh bại được Tây Sơn Nguyễn Huệ. Năm 1802, Nguyễn Ánh phục quốc và lên ngôi vua. Nhớ ơn xưa, Nguyễn Ánh, bấy giờ đã là vua Gia Long, liền ban chiếu chỉ sai đi tìm gia đình Lê Phước Tang để đền ơn. Biết tin Lê Phước Tang qua đời, vua Gia Long định phong tước hầu cho các con trai của ông Tang. Nhưng một số kẻ ganh ghét đã tâu lên nhà vua hành động hỗn xược, khi quân phạm thượng của Lê Phước Tánh và Lê Phước Khỏa.

Ngay lập tức, vua Gia Long nổi trận lôi đình vì những lời tục tĩu mà Gương và Sen từng nói ra. Quá giận, nhà vua không còn coi trọng những ân tình ngày trước, khi gia đình Lê Phước Tang hết mực chăm lo lúc ngài thất thế. Gia Long đã ban hình phạt nặng nề và tàn nhẫn nhất dành cho gia tộc họ Lê: lệnh tru di tam tộc, tịch thu toàn bộ gia sản của dòng họ Lê Phước. Cả dòng họ tưởng chừng đến thời vinh hiển, phút chốc đầu rơi, máu chảy, oán hận ngập tràn.

Về phần vợ chồng ông Lê Phước Tang, những tưởng đã chết sẽ được yên, nào ngờ vua còn truy tội ông bà “dưỡng bất giáo”, nghĩa là nuôi con mà không dạy dỗ, để chúng làm chuyện đại nghịch bất đạo. Con dại cái mang, vua phạt đánh roi và xiềng xích cả khu mộ nơi chôn cất vợ chồng ông Lê Phước Tang. Không những thế, dân gian còn kể lại, hai cây thị to trong khu mộ ông Tang chính là thị do vua trồng. Và cây thị mang hàm ý khinh khi, miệt thị đến muôn đời về sau.

Khu mộ của vợ chồng ông Lê Phước Tang tuy đã trải qua hàng trăm năm nhưng hiện vẫn còn khá nguyên vẹn tại một khu đất rộng lớn thuộc ấp Hòa Trí, xã Long Khánh, gần đầu nguồn rạch ông Tang. Và cạnh khu mộ vẫn còn cây thị cổ thụ hiện được liệt vào hàng cây hiếm.  Theo người dân trong vùng thì không ít tên "kiểng tặc" dòm ngó cây thị hiếm, nhưng vẫn không dám làm gì.

Vì cây thị quá to, quá già cỗi, gốc rễ của nó ăn sâu đến đây vẫn chưa thể xác định được. Nhưng một số cao niên sống gần khu mộ lại cho rằng, chuyện vua cho trồng cây thị với hàm ý miệt thị là không chính xác. Vì trước đây, khu mộ được bảo vệ bằng một hàng rào cây ăn trái. Sau đó do thời gian, lũ lụt, đa phần cây ăn trái trong hàng rào bảo vệ chết hết, chỉ còn lại cây thị có sức sống mãnh liệt đến bây giờ.

Và cũng theo lời cụ Nguyễn Chí Thọ, thì bản thân cây thị cổ thụ với tuổi thọ mấy trăm năm này cũng mang trong mình những giai thoại song hành với đời sống văn hóa của người dân nơi đây.

Ông Thọ còn cho biết: “Theo cha ông kể lại, trước kia, tại khu mộ này vốn chỉ có một cây thị cổ thụ duy nhất. Thế nhưng về sau, không hiểu vì lẽ gì mà cạnh cây thị lại mọc thêm một cây thị nữa. Những lão làng như chúng tôi đi quan sát thì thấy rằng đây rõ ràng là cây con, mọc từ thân cây thị mẹ. Giống cây thị từ trước đến giờ chưa từng có chuyện mọc thêm cây con từ thân, nên việc này quả thật là rất khó giải thích. Bởi vậy, nên bà con nơi đây rất kiêng nể hai cây thị này. Tuy nói là cùng thân nhưng hiện nay do đất bồi, nên nhìn giống hai cây đang đứng tách ra xa”.

Người dân quanh vùng vẫn thường gọi hai cây thị trong khu mộ ông Tang là thị ông, thị bà. Theo cụ Thọ thì dân gian lưu truyền thị ông, thị bà là ngụ ý chỉ vợ chồng ông Tang do quá oan ức vì cứu chúa mà lại bị chúa đánh roi, xiềng xích mộ nên hóa thành cây thị, mọc cạnh bên để thoát khỏi xiềng xích muôn đời.

Sức sống mãnh liệt của hai cây thị đã khiến người dân nơi đây cảm thấy tôn kính hơn. Vượt qua mọi thời tiết khắc nghiệt, đến nay hai cây thị hiếm vẫn đều đều đơm hoa kết trái. Những mùa khô hạn, hai cây thị rụng trụi lá, người dân đồn đại, thị ông thị bà sắp bị đốn đi. Nhưng sau đó, thị ông thị bà vẫn trổ lá, xanh um cả một vùng.

Và theo một số cụ cao niên ngụ ấp Hòa Trí, thì trận ngập lụt lớn năm Mậu Ngọ tức là năm 1978, đã khiến vùng này bị ngập nước hàng tháng trời. Cây cối đa phần bị bứng gốc hay úng nước mà chết. Riêng thị ông thị bà sau trận lụt vẫn cứ thế xanh tươi. Không những thế, dù vươn lên ở đồng không mông quạnh nhưng hai cây thị trải qua biết bao mùa mưa bão, chưa bị sét đánh bao giờ.

Cụ Thọ cho rằng: “Có thể chuyện tôn trọng một cái cây sẽ bị cho là mê tín, nhưng dân vùng tôi không có ai cúng bái gì. Vả lại những câu chuyện có thật về sức sống mãnh liệt này là những điều thú vị rất riêng của làng tôi, gắn liền với tuổi thơ của người dân bao đời ở đây”.

Nói rồi cụ Thọ dắt chúng tôi đến một cái hố to cách hai cây thị khoảng 2 mét. Cụ Thọ cho biết, đây là dấu tích của một quả bom do địch ném xuống đây. Những năm tháng chiến tranh ác liền, có lần địch phát hiện quân ta ẩn nấp ở vùng này, liền cho nã đạn, thả bom cày nát xóm làng, nhưng hai cây thị tuyệt nhiên không hề hấn gì.

Dù theo quan sát của chúng tôi, những cây dừa tường bao của khu mộ chi chit dấu tích, lỗ đạn, mảnh bom nhưng hai cây thị vẫn hoàn toàn nguyên vẹn. Quả là một sức sống mãnh liệt.

Giải mã khu mộ bị xiềng xích

Theo một số nhà nghiên cứu sử học thì chuyện “mặc áo vua đi thăm ruộng” của hai con trai nhà Lê Phước Tang chỉ là giai thoại dân gian, chứ chưa có gì gọi là xác thực. Theo chữ khắc trên bia mộ, tên hai người con đứng ra lập mộ cha đúng là Lê Phước Tánh và Lê Phước Khỏa mà như trên đã nói là cậu Gương và cậu Sen. Trên bia mộ còn có ghi dòng chữ "lão tiên sinh", ắt hẳn ông Lê Phước Tang mất khi tuổi đã cao. Theo đó ông mất vào tháng 10 năm Kỷ Hợi, tức là năm 1779 dương lịch.

Phần sứt mẻ trên bia mộ lại trùng vào chỗ khắc năm sinh, nên không xác định được ông Tang gặp chúa Nguyễn Phúc Ánh vào khoảng thời gian nào. Nhưng vẫn có thể suy ra được ông Tang gặp Nguyễn Phúc Ánh lúc chưa lên ngôi vua, và chưa thể có triều phục cho riêng mình. Nên việc “mặc áo vua đi … thăm ruộng” và khâm liệm Lê Phước Tang bằng triều phục của hoàng đế rất khó xảy ra.

Theo tư liệu của nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì dòng họ Lê Phước vốn là thân tộc bên ngoại của chúa Nguyễn Phúc Ánh. Điều này chứng tỏ việc Nguyễn Ánh xin tá túc tại nhà ông Lê Phước Tang khi đang chạy loạn cũng rất có thể xảy ra. Việc gia đình ông Tang bị vua trị tội, một vài tư liệu lịch sử có ghi chép, nhưng giải thích nguyên nhân vì đâu thì chưa rõ ràng.

Nhưng theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường phân tích thì rất có thể gia đình Lê Phước Tang bị trị tội là do Lê Phước Tánh và Lê Phước Khỏa có mối liên hệ mật thiết với nhà Tây Sơn. Theo đó, vào năm 1785, sau trận Rạch Gầm – Xoài Mút, quân Tây Sơn - Nguyễn Huệ đã làm chủ nhiều làng dọc theo sông Ba Rài. Sông Ba Rài khởi thủy là rạch Ba Rài thuộc miệt Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Bởi thế, nên dựa vào tài sản và tiếng nói của gia đình, rất có thể hai con trai của Lê Phước Tang đã hỗ trợ hoặc cung cấp lúa gạo cho quân Tây Sơn.

Đến năm Đinh Mùi, tức là năm 1788, quân của Nguyễn Ánh trở lại đánh đuổi quân của Ngự uý nhà Tây Sơn đóng tại vàm Ba Rài. Nguyễn Ánh phản công thành công liền ra lệnh cho Tiền quân Tôn Thất Hội đắp đồn Mỹ Trang và Thanh Sơn mà nay thuộc khu vực thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Như vậy, việc làm của hai người con ông Tang đối với chúa Nguyễn Ánh là hành động bất trung. Vì thế nên ông Tang bị vua Gia Long kết tội dưỡng bất giáo, ra lệnh xiềng xích khu mộ và tịch thu ruộng đất để cấp lại cho con cháu Tiền quân Tôn Thất Hội. Số ruộng đất này theo thống kê trong Địa bạ Minh Mạng năm 1836 có tới 125 mẫu, dân gian gọi là đồng quan.

Đến đời vua Tự Đức, đồng quan được giao khoán cho một người có thế lực là ông Trầu Văn Điền coi sóc, lập kho chứa lúa thuế tạm trữ, trước khi chuyển về Huế. Ở gần vàm rạch Ông Tang còn địa danh Bến Kho và xa hơn một chút về phía nam có con rạch mang tên Bầu Điền.

Như thế, có thể suy ra rằng, nguyên nhân khả hữu nhất khiến dòng họ Lê Phước Tang vướng phải đại hoạ tru di tam tộc là hai cậu Gương và Sen tuy là thân tộc với chúa nhưng dám giúp đỡ cho nhà Tây Sơn hòng làm diệt vong nhà Nguyễn. Tuy cuốn gia phả đẫm máu cả 3 đời nhưng sự thật là dòng họ Lê Phước vẫn chưa hề tuyệt tự. Gia tộc này vẫn còn con cháu bàng hệ, sống rải rác ở khắp nơi. Và hằng năm, người dân quanh vùng vẫn thường chứng khiến họ kéo nhau về tảo mộ, thăm lại nơi gắn liền với lịch sử đầy biến cố của gia tộc.

Và sự thật cũng đã chứng minh không hề có chuyện Lê Phước Tánh và Lê Phước Khỏa khâm liệm áo mão vua Gia Long cho cha. Sở dĩ có thể khẳng định vậy vì vào năm 1985 đã xảy ra một vụ kỳ trộm. Gọi là kỳ trộm bởi những kẻ trộm này do quá tin vào giai thoại dân gian, chắc mẩm rằng áo mão tư trang của vua Gia Long được hai con trai của Lê Phước Tang khâm liệm cùng cha, nên ắt hẳn vẫn nằm trong mộ.

Kẻ trộm ngay sau đó đã lén đào mộ ông Tang để tìm báu vật. Vì ngôi mộ quá kiên cố nên kẻ trộm phải cất công, bí mật đào hầm ngầm xuyên phía bên hông để tìm moi quan tài. Tốn không biết bao nhiêu công sức mà kết quả lại không hề như mong đợi. Kẻ trộm đã phải thất vọng tràn trề vì ngoài hài cốt đã hóa thành bùn đất, tài sản trong mộ chỉ là chiếc ống ngoáy bằng dồng và một chiếc lược sừng dành cho nam giới thời xưa.

Di tích bị bỏ hoang

Hai ngôi mộ của ông Lê Phước Tang và vợ được thiết kế theo hình lá sen úp. Những đường gân lá sen trải qua hàng trăm năm vẫn còn hằn rất rõ. Chính vì thế nên không ngẫu nhiên mà có người tưởng tượng đây là dấu vết dây xích xiềng bao lấy ngôi mộ. Có người còn bảo rằng đây chính là dấu roi hằn, do vua ra lệnh phạt roi mộ mà hình thành. Hai ngôi mộ nằm trong khu đất 200 mét vuông, cây cối cỏ dại mọc um tùm, từ lâu đã bị bỏ hoang phế, không người coi sóc.

Khu mộ  được chôn theo nguyên tắc truyền đời từ xưa đến nay là nam tả, nữ hữu, có quynh thành bao quanh và 4 trụ hình búp sen, nhưng hiện đã bị gãy mất hai trụ. Ngoài ra còn có bình phong hậu và bình phong tiền. Các dấu tích cho thấy, trước kia 2 tấm bình phong này có thể được điêu khắc và vẽ hình rất tinh xảo, nhưng thời gian và thời tiết khắc nghiệt đã bào mòn đi.

Hai cây thị cổ thụ cũng khiến khu mộ thêm phần giá trị lịch sử. Rễ của hai cây thị cổ thụ đã ăn sâu vào lớp quynh thành bao quanh, khiến bao kẻ “kiểng tặc” muốn bứng cây cũng khó lòng mà thực hiện được.

Điều đặc biệt khiến chúng tôi không khỏi sửng sốt là khu mộ được xây dựng bằng chất liệu vôi và ô dước. Chưa xét về những giá trị văn hóa lịch sử, chỉ riêng việc khu mộ được xây bằng ô dước tồn tại qua hàng trăm năm cũng đã là một di tích đáng được đầu tư và bảo tồn. Vì ô dước theo lịch sử xây dựng được mệnh danh là “hợp chất huyền thoại”.

Hợp chất này trước khi đắp lên mộ ở thể lỏng sền sệt như nham thạch của núi lửa, hoặc ươn ướt như keo dán. Nhưng sau đó, khi đắp xong, nó khô đặc lại và các chất tổng hợp được giã nát trong đó tự kết dính, quyện vào nhau và hút chặt lấy nhau thành một khối cực kỳ rắn chắc bất khả phân ly. Ô dước gồm có 5 thành phần,  thứ nhất là vôi (vôi sống, vỏ nghêu sò, san hô nghiền vụn), thứ hai là cát, thứ ba là chất kết dính, dùng mật ong, nhựa dây tơ hồng, mật đường…, thứ tư la giấy dó và cuối cùng là than hoạt tính.

Năm thành phần này tượng trưng cho thuyết ngũ hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Các ngôi mộ xây bằng hợp chất ô dước từ lâu đã được khẳng định là một giá trị trong nghệ thuật xây dựng. Vậy mà, khu mộ vợ chồng ông Lê Phước Tang với truyền thống lịch sử lâu đời, quy mô bề thế đến vậy mà từ lâu vẫn bị bỏ hoang phế, mặc cho thời gian bào mòn, quả là vô cùng đáng tiếc.

TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Theo Pháp luật & Cuộc sống

Bình luận(0)