Nghe bà xã cố GS Vũ Tuyên Hoàng tâm sự về chồng

Google News

Vì đi công tác từ lúc vợ có bầu đến sắp sinh, hôm về đến cổng, nhìn thấy bụng vợ, GS Hoàng đứng sững, hét toáng: "Sao bụng vợ to thế".

- Vì đi công tác từ lúc vợ có bầu đến sắp sinh, hôm về đến cổng, nhìn thấy bụng vợ, GS Hoàng đứng sững, hét toáng: “Sao bụng vợ to thế”.
 
“Công tác nghiên cứu khoa học vất vả, đôi lúc cũng gặp khó khăn nhưng ngọn lửa say mê trong anh chưa lúc nào tắt. Tôi luôn ủng hộ và tự hào về anh” bà Nguyễn Thị Hồng Nga – vợ cố giáo sư Vũ Tuyên Hoàng chia sẻ.

Tình yêu chân thành, vượt qua tuổi tác

Chia sẻ về câu chuyện tình yêu với giáo sư Vũ Tiên Hoàng, bà Nga cho rằng đó là một mối tình bình dị, trong sáng, hạnh phúc. Dù là người nghiên cứu khoa học nhưng giáo sư Hoàng rất lãng mạn, luôn dành cho bà sự bất ngờ và riêng biệt. Chính vì thế, từ lúc gặp, yêu nhau và trước khi vĩnh biệt vợ, ông đều gọi bà là bé, xưng chồng.

Cố giáo sư Vũ Tuyên Hoàng
Cố giáo sư Vũ Tuyên Hoàng
 
Năm 1976, tình cờ gặp giáo sư Vũ Tuyên Hoàng tại một bữa tiệc ở thành phố Leningrad (nay là Saint Petersburg, Nga), bà Nga nảy sinh tình cảm, tình yêu với ông. Hồi đó, bà là nữ sinh năm thứ 3, ĐH Sư phạm Leningrad, còn giáo sư Hoàng là nghiên cứu sinh ở ĐH Đại học Nông nghiệp, Krasnodar.

Học tập và nghiên cứu ở cách nhau gần 2000 km, lại tổ chức không khuyến khích sinh viên yêu đương nên suốt hai năm, hai ông bà chỉ gặp nhau vẻn ba lần và lần nào cũng vội vàng.

“Anh Hoàng hơn tôi gần 20 tuổi, nên lúc quen nhau, anh đã đứng tuổi, chững chạc. Còn tôi mới 20 tuổi,  mọi suy nghĩ còn rất non nớt, trong sáng. Khi yêu nhau, anh luôn giành tặng tôi những điều thú vị, lãng mạn. Những lá thư anh viết bao giờ cũng vẽ kèm một bức tranh và một bài thơ do anh tự sáng tác”, bà Nga chia sẻ về quãng thời gian ông bà yêu nhau.

Năm1977, ông Hoàng về nước công tác, bà Nga ở lại hoàn thành chương trình học tập rồi trở về nước giữa năm 1978. Bố mẹ bà lúc đó không ủng hộ chuyện con gái yêu một người đàn ông ở cách xa hàng nghìn cây số, lại nhiều hơn gần 20 tuổi, đã có một đời vợ. Nhưng bà đã nhận được sự đồng ý của bố mẹ sau khi thẳng thắn chia sẻ: “con chỉ hạnh phúc khi ở bên anh ấy”.

Tháng 11/1987, đám cưới của ông bà được tổ chức và vài tháng sau đó bà đã mang thai cậu con trai đầu. Thế nhưng, đó cũng là lúc ông bà bắt đầu phải sống cảnh “vợ Nam chồng Bắc” và kéo dài suốt 12 năm sau đó với sự thiếu thốn tình cảm cũng bao nỗi vất vả trong cuộc sống.

“Thành công của ba, có má đứng sau”

Chung niềm đam mê nghiên cứu khoa học nên bà Nga luôn thông cảm và chia sẻ với chồng những khó khăn trong công việc cũng như cuộc sống, ngay cả khi phải sống xa nhau.

Theo bà Nga, vợ chồng bà gian nan nhất là quãng thời gian 12 năm đầu khi ông Hoàng công tác ở miền Bắc, bà và hai con chủ yếu ở miền Nam. Thời gian đó, ông Hoàng lần lượt đảm nhiệm các công việc: Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp kiêm Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, Ủy viên trung ương Đảng.

“Biết chồng vất vả, thương lo cho chồng nhiều lắm nhưng tôi chỉ biết động viên anh, chăm các con thật tốt. Con bị bệnh nặng tôi cố gắng xoay sở, không để anh biết, khiến anh lo lắng, ảnh hưởng đến công việc. Khi sống cùng nhau, tôi luôn cố gắng bù đắp cho anh ấy”, bà Nga chia sẻ.

Khi bà chuyển ra Bắc, vợ chồng bà không còn thiếu thốn tình cảm nhưng với đồng lương làm nghiên cứu khoa học chỉ đủ mang lại cho gia đình một cuộc sống đơn giản, vui vẻ. Suốt hơn 30 năm chung sống, bà Nga chưa một lần cằn nhằn chồng chuyện tiền nong mà cố gắng chi tiêu tằn tiệm, “liệu cơm gắp mắm”. Bởi lẽ, nếu bà làm vậy sẽ khiến ông thêm mệt mỏi, thậm chí, có thể mắc sai lầm.

Không những thế, bà Nga quan tâm và hiểu từng sự thay đổi trong tâm trạng của chồng, thậm chí chỉ cần nghe tiếng thở dài, bà đã biết ông buồn.

Nhắc đến vai trò của mẹ trong những thành công của bố, anh Vũ Thế Vinh chia sẻ: “Khi còn sống, ba mình luôn với chúng tôi: Để có những thành công của ba hôm nay, sau lưng có má con, không có má ba không thể thành công như thế này”.

Cũng theo anh Vinh, má anh rất cẩn thận trong việc chăm sóc và dạy dỗ con cái. Bà thường nói với con một số câu triết lý như: “Các con phải sống như một dòng sông, lúc nào cũng chảy ra đại dương và vượt qua mọi ghềnh thác của cuộc đời” hay “Ngôi nhà của mình dù nghèo, dù tồi tàn nhưng nó vẫn là gia đình của các con”. Những câu nói đó cùng sự dạy dỗ chu đáo của ba má đã giúp các anh trưởng thành, thành đạt.

Những kỷ niệm còn mãi

Nhắc đến kỷ niệm với chồng con, bà Nga nói: “có nhiều lắm”, nhất là từ khi bà mang bầu anh con trai cả.

Bà Nga kể: Hồi mang thai anh con trai lớn, khi vừa biết “có tin vui”, ông Hoàng đã phải đi công tác xa, sát ngày sinh mới về. Hôm về đến cổng, nhìn thấy bụng vợ, đứng sững và hét toáng: “Sao bụng vợ to thế”.

Trong cuộc sống hàng ngày khi ông Hoàng còn sống cũng để lại cho bà rất nhiều kỷ niệm. Đó là những lần viết bài cộng tác, ông đều đưa cho bà đọc trước khi gửi rồi nịnh vợ: “bài viết nào bé chưa đọc qua, chồng không yên tâm”. Hay những lần, vì thương người bán hàng, ông mua cả gánh rau, gánh hoa về nhà rồi bảo vợ đem chia cho hàng xóm.

Song kỷ niệm buồn nhất với bà là lúc ông Hoàng bỏ mẹ con bà đột ngột ra đi (tháng 2/2008). Lúc đó, bà đang trên đường đến bệnh viện thì nhận đuợc điện thoại và nghe anh nói câu cuối cùng trước khi nhắm mắt: “Bé ơi, chồng mệt lắm!”. Khi ông Hoàng trút hơi thở cuối cùng, dù đau buồn nhưng bà cố kìm nén, giữ bình tĩnh để tự tay tay tắm, thay quần áo cho ông.

“Lúc anh ấy ra đi, tôi nói với các con: Ba lấy cuộc sống má đi rồi. Tôi sốc lắm, nhưng vẫn phải sống vì còn hai đứa con”, bà Nga xúc động nhớ lại.

Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng sinh ngày 2/12/1938 tại Hà Nội trong một gia đình đại trí thức, bố là nhà văn, nhà nghiên cứu văn học hiện đại và văn học dân gian Vũ Ngọc Phan, mẹ là nhà thơ Hằng Phương.

Ông được giới trí thức biết đến qua nhiều công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp. Với những đóng góp to lớn cho khoa học nông nghiệp ông được công nhận là Viện sĩ Viện Hàn Lâm khoa học nông nghiệp Liên Xô (1988-1991), Viện sĩ Viện Hàn Lâm khoa học Liên bang Nga (từ năm 1991), Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba (từ năm 1994).

Cùng với hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật, GS. Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng còn được biết tới như một nghệ sĩ đa tài với những tác phẩm văn học nghệ thuật mang bản sắc riêng.

Bên cạnh những thành công trong sự nghiệp, ông có một gia đình rất hạnh phúc với vợ là tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hồng Nga, cùng hai con trai.

Tháng 2/2008, giáo sư Vũ Tuyên Hoàng đột ngột qua đời tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô Hà Nội vì bệnh tiểu đường. Dù đau đớn trước mất mát lo lớn nhưng vợ ông – bà Nguyễn Thị Hồng Nga vẫn vượt qua, nuôi hai con học hành, thành đạt. Hiện, hai anh đều có công việc ổn định, anh lớn đã xây dựng gia đình riêng.

 
M.Anh
 
[links()]

Bình luận(0)