Lần đầu tại Việt Nam: Chôn cáp điện dưới đáy biển

Google News

(Kiến Thức) - Dự án cáp điện xuyên biển 110KV kéo điện ra hòn đảo Phú Quốc đã được khởi công. Đây là công nghệ lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. 

Công trình phải an toàn về lâu dài
Trong thi công cáp đáy biển, chiều dài đoạn cáp lớn có thể lên đến 160km, trong khi cáp trên đất liền chỉ khoảng dưới 1km mỗi đoạn, do đó trọng lượng cuộn cáp rất nặng. Cần phải có tàu chở cáp dạng bàn xoay, ru lô cuốn cáp đặt nằm ngang trên tàu. Trường hợp toàn tuyến cáp quá dài cần phải thực hiện nối các đoạn cáp, việc thực hiện nối cáp sẽ thực hiện trên tàu nối cáp sau đó cáp được rải xuống biển. 
Việc rải cáp đúng tuyến định sẵn là việc phức tạp do sóng biển, gió luôn tác động vào tàu, vì vậy tàu rải cáp có hệ thống động cơ điều khiển hiện đại, có trang bị các hệ thống định vị rất tinh vi thường là định vị vệ tinh. Tuy nhiên, vấn đề thời tiết ảnh hưởng rất lớn đến việc rải cáp, ảnh hưởng này có thể không lường trước được.
Khi cáp rải ở những vùng biển sâu áp lực nước tác động lên cáp sẽ rất lớn, trong trường hợp này cần phải sử dụng các cáp có vỏ bọc gia cường chịu áp lực, hoặc cáp phải đặt trong ống kín để giảm áp lực tác động lên cáp làm hư hỏng cách điện. Để tránh tác động của tàu thuyền qua lại vùng đặt cáp, cáp có thể được rải dưới các rãnh đào sâu từ 2 - 4m dưới đáy biển. Trường hợp đáy biển là bùn cát có thể dùng máy đào, thổi tạo rãnh, còn trường hợp gặp đá cần phải có máy xẻ rãnh trên đá.
Chuẩn bị các khâu trước khi thi công tuyến cáp điện ngầm dưới đáy biển. 
Công trình cáp Phú Quốc áp dụng phương thức vừa côn vừa rải. Phần chôn cáp dưới đáy biển sẽ khó khăn hơn, theo mô tả của Nhà thầu Prysmian Powerlink (Ý) thì: “Máy chôn cáp được kéo bởi tàu chính di chuyển phía trước theo tuyến đã được thiết kế bằng các neo đánh dấu điều khiển hướng theo hệ thống định vị toàn cầu GPS. Hệ thống ống phun nước cao áp trên 2 thân cày đặt hai bên thân cáp tạo nên rãnh cáp ở phía trước có độ sâu theo chế độ cài đặt. Cáp được thả xuống đáy rãnh ở phía sau. 
Máy chôn cáp di chuyển về phía trước, tiếp tục phun nước cao áp tạo rãnh, đồng thời lượng đất cát xói lở sẽ được ống phun định hướng đẩy về phía sau lấp đầy rãnh cáp. Quá trình này được thực hiện một cách liên tục và đồng thời. Độ sâu chôn cáp có thể điều chỉnh bằng hai chân trượt phía trước, tối đa có thể chôn sâu 3m so mặt đáy biển tùy thuộc địa hình đáy biển. Quá trình thực hiện rải và chôn cáp được thực hiện hoàn toàn tự động tuân thủ chế độ giám sát, kiểm soát nghiêm ngặt”. 
Trong các vùng nước không có tàu thuyền qua lại có thể rải cáp trực tiếp trên mặt đáy biển, người ta sẽ khảo sát kỹ mức độ bằng phẳng của đáy biển để tránh hư hỏng cáp. Đối với cáp rải trực tiếp trong những vùng  nước chảy có thể làm di chuyển cáp, cáp sẽ được neo lại bằng các túi bê tông hoặc các tấm nệm bê tông, dọc theo tuyến cáp phải được lắp đặt các biển báo cấm neo đậu.
Kiểm tra lại các sợi cáp điện ngầm xuyên biển. 
Đáy biển phải được dọn sạch sẽ
Để tiến hành rải, chôn cáp một công việc khá phức tạp là phải khảo sát chi tiết khu vực tuyến rải cáp dưới đáy biển, việc này có thể thực hiện bằng các thiết bị quét độ sâu biển sử dụng tàu khảo sát bằng sóng âm, kết hợp sử dụng xe điều khiển từ xa để khảo sát đáy biển. 
Có nhiều chướng ngại có thể gặp phải trên tuyến rải cáp như xác tàu đắm, các hệ thống ngầm đã lắp đặt trước đây, bom mìn trong chiến tranh, khu vực an ninh quân sự, khu neo đậu tàu thuyền... tất cả những chướng ngại này phải được khảo sát kỹ lưỡng và phải khắc phục loại bỏ, hoặc vạch ra các tuyến vòng tránh. Khảo sát độ sâu, địa hình chi tiết đáy biển. 
Những khu vực có đá ngầm, đường nứt, hẻm núi, dốc lớn, các khu vực đá bất thường, cấu trúc của đất dưới đáy biển, các dữ liệu địa vật lý như kích thước hạt, độ cứng, độ dẫn nhiệt, sự dịch chuyển của trầm tích hay các vấn đề thủy văn như nhiệt độ nước, nước mặt và nước đáy biển, sóng, thủy triều, hải lưu, gió trong năm cũng được khảo sát kỹ lưỡng phục vụ cho kế hoạch rải cáp. Chuẩn bị thi công tuyến cáp ngầm Phú Quốc, Bộ Quốc Phòng cũng đã tổ chức rà phá bom mìn, vật nổ dưới đáu biển và hai bên bờ, đảm bảo thi công an toàn.
Đặt cáp ngầm trên cạn đã khó, cáp điện đặt ngầm dưới đáy biển khó hơn rất nhiều, nhất là với những hệ thống cáp điện công suất lớn. Do đó, cần thực hiện kỹ thuật công nghệ một cách khoa học để đảm bảo an toàn về lâu dài.
Dự án cáp điện ngầm xuyên biển 110kV Hà Tiên - Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang dự kiến đóng điện vận hành ngày 11/1/2014. Đây là công trình cáp điện xuyên biển có tính phức tạp và dài nhất Đông Nam Á (dài 57,33km), với vốn đầu tư gần 2.336 tỷ đồng.
TS Trần Hoàng Lĩnh (Bộ môn Hệ thống điện, trường Đại học Bách khoa TPHCM)

Bình luận(0)