Về ngôi làng mót được cả chục tấn vàng ở Hà Nội

Google News

Nhà nào ít nhất cũng có 1 người đi khai thác vàng, nhiều thì 2 -3 người và nghề này phần lớn là phát triển tự phát.

Thông tin có làng đào được cả chục tấn vàng, cầm bạc tỷ trong tay đã được lan truyền khắp trong vùng đất Ba Vì (Hà Nội) khiến nhiều người “sửng sốt” khi nhắc đến. Người lạ tìm đến hỏi, ai ai cũng chỉ vào làng Chu Minh.
[links()]
Điều ngạc nhiên là khi PV đến Chu Minh vào thời gian này, cả làng đông nhúc trẻ con và đàn bà, đàn ông quá tuổi đều "đi vàng" cả. Trẻ con nô đùa ven sông, bên cạnh những chiếc thuyền đào vàng vừa trở về. Hỏi ra mới biết, đàn ông, thanh niên trai tráng theo thuyền lênh đênh trên sông hút cát tìm vàng.

Người dân Chu Minh được dân quanh vùng nói là "giàu cũng đúng, mà nói nghèo cũng chẳng sai", nghe có vẻ nghịch lý, nhưng cứ nhìn vào thực tế thì thấy người có bạc tỷ trong tay không phải hiếm, số người chạy vạy, gồng gánh kiếm ăn từng bữa cũng nhiều.
Những chiếc thuyền vừa là nơi che mưa gió tạm bợ vừa là công cụ hút vàng dưới sông
Những chiếc thuyền vừa là nơi che mưa gió tạm bợ vừa là công cụ hút vàng dưới sông.

Trao đổi với PV, ông Trần Đình Hảo - Chủ tịch UBND xã Chu Minh - cho biết, nằm sát bên bờ sông Hồng, làng Chu Minh được coi là xã có diện tích đất nông nghiệp ít, tính ra, mỗi người dân nơi đây chỉ vỏn vẹn 6 thước ruộng.

Ruộng ít, họ chẳng thể “bấu víu” vào nông nghiệp, nên những năm đầu thập niên 1990 người dân Chu Minh phần đông đi làm ăn xa, hoặc sống chủ yếu vào việc khai thác lâm sản dọc theo sông Hồng, sông Đà, sông Lô... và một thời Chu Minh được biết đến là bến đậu gỗ nổi tiếng.

Thế nhưng từ khi đóng cửa rừng cũng là lúc người dân nơi đây rơi vào cơn “bĩ cực”, nhưng vốn năng động nhạy bén "cái khó ló cái khôn" khoảng đầu năm 1994 nghe đâu ở Trung Quốc có "công nghệ" khai thác vàng sa khoáng (vàng cám). Thế là một người trong làng có “máu” làm ăn đi học nghề.

Cách khai thác này khá đơn giản, chỉ cần sắm một chiếc thuyền chuyên dụng cho việc lọc vàng, sau đó dọc theo các dòng sông để tìm bãi vàng sa khoáng khai thác. Thuyền đãi vàng của người dân Chu Minh được ghép lại từ 2 chiếc thuyền nhỏ, chiều dài khoảng 15 - 20m, rộng 6m, ở giữa lắp máy hút siêu tốc để hút cát từ lòng sông lên, máy hút này có thể hút được những viên đá có đường kính 20 cm và một chiếc máng rửa cát.

Sau khi cho nước cùng cát chảy qua máng, vàng đọng lại dưới các rãnh nhỏ của máng. Những hạt vàng đọng lại rất nhỏ, chỉ vài nhót. Lúc đầu nghề này mới chỉ có một vài hộ làm, thấy "trúng quả" phất lên nhanh chóng, thế là trong làng rộ lên phong trào "nhà nhà tìm vàng, người người đãi vàng".

Người nào có nhiều tiền thì mua riêng thuyền, người nào ít tiền thì hùn vốn, đi vay ngân hàng để "đi vàng" cho khỏi kém bạn kém bè. Ai không có máu liều thì đi làm thuê.

Địa điểm đầu tiên mà người dân Chu Minh khai thác là sông Thao. Lúc cao điểm ở dọc đoạn sông này tập trung đến 50 chiếc thuyền đãi vàng. Khi nguồn vàng đã kiệt các chủ thuyền vươn xa hơn lên Lai Châu, Sơn La... Các địa điểm giàu vàng mà dân Chu Minh thường nhắc đến là Bắc Uôn, bãi Dầu Xá, bãi Hát Do...

Anh Trần Văn Hạt cho biết, anh là một người có thâm niên trong nghề đi thuyền vàng, bây giờ người Chu Minh đã đưa thuyền đi khai thác vào tận Thanh Hoá, Nghệ An và cả miền Nam nữa.

Để có được quyền khai thác vàng thì các chủ thuyền đều phải xin phép chính quyền địa phương có bãi vàng. Trung bình mỗi thuyền có thể thu 4 -5 chỉ vàng/ngày, còn bữa nào “trúng quả” có thể kiếm được 3 - 4 cây vàng.
Những gàu múc đất, cát lẫn vàng được thả xuống sông sâu cả chục mét, sau đó đưa lên thuyền lọc lấy vàng
Những gàu múc đất, cát lẫn vàng được thả xuống sông sâu cả chục mét, sau đó đưa lên thuyền lọc lấy vàng.

"Nghe đâu ở sông Mã có bãi vàng trữ lượng lớn lắm các chủ thuyền đã vào thương lượng với chính quyền địa phương và hứa sẽ bỏ ra hàng tỷ đồng để xây trường học, đường xá nhưng không được chấp nhận với lý do sợ bị động mạch", anh cho biết.

Khi chúng tôi ra bến phà Chu Quyến thì được chị chủ phà cho biết: “Mùa này các chú đến thuyền vàng ít về chứ mấy hôm nữa đến mùa nước nổi đoạn sông này có đến 60 -70 thuyền tập trung. Những người đi làm vàng chỉ nghỉ ngơi vào tháng nước lũ về, không khai thác được.

Ngày trước thuyền khai thác vàng thuộc dạng nhỏ, chỉ khai thác ở độ sâu 10m, bây giờ thì nguồn vàng đã cạn nhiều họ bắt đầu chuyển sang đóng thuyền loại trung, khai thác ở độ sâu 15m. Với loại thuyền này có thể khai thác tận thu ở các mỏ cũ. Người chuyên cung ứng thuyền cho cả làng là ông Khoa.
Những ngôi nhà trị giá bạc tỷ, sau những lần đi mót vàng "trúng đậm" mọc lên nhan nhản ở Chu Minh
Những ngôi nhà trị giá bạc tỷ, sau những lần đi mót vàng "trúng đậm" mọc lên nhan nhản ở Chu Minh.

Mỗi năm ông cho ra xưởng 5 - 7 chiếc thuyền khai thác vàng. Theo những người sống gần bến phà Chu Quyến thì gần đây trên Sơn La mới phát hiện một mỏ mới có người chỉ đi mấy tháng đã ẵm về vài chục cây vàng.

Từ đó đến nay, tổng cộng, dân Chu Minh đào được cả chục tấn vàng, người xây nhà lầu, tậu xe hơi, thậm chí có người chuyển sang buôn bán tậu hàng chục lô đất mặt đường, mặt phố…
Những ngôi nhà trị giá bạc tỷ, sau những lần đi mót vànÔng Trần Đình Hảo - Chủ tịch UBND xã Chu Minh cho hay cả làng đi đào vàng theo phong trào tự phát
Những ngôi nhà trị giá bạc tỷ, sau những lần đi mót vànÔng Trần Đình Hảo - Chủ tịch UBND xã Chu Minh cho hay cả làng đi đào vàng theo phong trào tự phát.

Đại diện UBND xã Chu Minh cho biết thêm, số thuyền đi khai thác vàng của người dân Chu Minh xã cũng không nắm rõ, nhưng cũng đến cả vài chục chiếc, nhà nào ít nhất cũng có 1 người đi khai thác vàng, nhiều thì 2 -3 người và nghề này phần lớn là phát triển tự phát.

Không chỉ khai thác vàng, hiện nay người dân ở đây còn khai thác cát, đá, sỏi... ven sông để phục vụ xây dựng. Tuy nhiên, mặt trái của nghề đào vàng sa khoáng ở Chu Minh đang tiềm ẩn nhiều vấn đề làm đau đầu chính quyền địa phương.

(Theo Infonet)

Bình luận(0)