Quảy vào thành phố kí ức về một thời... không dép

Google News

Mồ hôi chảy thành dòng lăn theo những vệt thời gian sâu hoắm trên khuôn mặt, nhưng trong nụ cười hạt na của bà cụ, cuộc sống thật tươi đẹp biết bao!

(Kienthuc.net.vn) - Lần đầu tiên tôi gặp bà cụ là vào một buổi sớm mùa đông mù sương. Đôi chân trần dẹp, ngắn, nhăn nheo nhún nhún theo từng nhịp quang gánh kĩu kịt. Bà cụ gánh chuối đi bán chợ phiên. Chợ Bưởi vẫn giữ được nếp họp phiên ngày 4 ngày 9.

Trong khi tôi chưa kịp thảng thốt vì đôi bàn chân đất của bà cụ trong cái lạnh tái tê, thì gánh chuối đã theo cái lưng còng gập, theo đôi chân không dép nhún nha nhún nhảy từng nhịp xa tít. Bà cụ quảy gánh chuối đi vào sương đông, quảy vào thành phố còn đang ngái ngủ kí ức về một thời không dép. 

Bà Phạm Thị Lý
Bà Phạm Thị Lý

Rất lâu, rất lâu, hình ảnh đôi bàn chân nâu sậm đỡ những trĩu trịt trên vai, thoăn thoắt trên phố chợ cứ ám ảnh tôi mãi. Tôi băn khoăn, làm sao để có thể tìm gặp lại được bà.

Rồi một buổi chiều buông, tôi gặp lại gánh chuối của bà cụ chân đất. Thảng thốt, tôi gọi bà.

Bà cụ quay lại, chỏ chỏ đôi giày cao gót của tôi: “Cô mua chuối hả? Cô từ từ không ngã”.

Tôi cười hắt ra: “Con không... chuối, con muốn hỏi thăm... chân cụ...”.

Bà cụ bán chuối chả hiểu tôi nói gì, hạ quang, giơ một nải chuối cho tôi xem.

Trò chuyện mới biết bà cụ tên là Phạm Thị Lý, 74 tuổi, quê ở Ba Vì (Hà Tây cũ). Bà lấy chồng năm 20 tuổi. Năm bà 28 tuổi, chồng hi sinh mà không kịp để lại cho bà một đứa con để nương tựa. 

 

Một mình vò võ thờ chồng, làm ruộng kiếm sống qua ngày, không may năm 1979, chuyến xe chở bà lên Hà Nội bị tai nạn, lật ngang giữa đường. Bà may mắn thoát chết nhưng xương sống bị gãy, chùn gập xuống.

Sau mấy tháng trời điều trị, cuối cùng bà cũng được ra viện nhưng cột sống thì không thể thẳng lại. Bà phải mặc một chiếc áo đặc dụng để hỗ trợ cột sống trong suốt 10 năm trời mà lưng vẫn gẫy gập xuống. Cột sống trồi lên thành ụ.

“Những khi trở trời thì cái lưng đau không chịu được, ba mươi mấy năm nay ngày nào tôi cũng phải uống kháng sinh nhưng cũng chỉ được một thời gian thì mủ từ cột sống lại đùn ra, sưng tấy lên bằng nắm tay, đỏ mọng, lại phải đến bệnh viện hút mủ ra mới đỡ đau”.

Ngừng lại một chút, bà cụ chậm rãi cuộn mấy đồng tiền lẻ vừa bán được nải chuối vào chiếc khăn tay cũ, xoắn thêm một vòng cho gọn gàng rồi lần lần giắt vào túi áo.

Thấy tôi cứ lăm le cái đôi bàn chân đất, bà cụ cười, hàm răng hạt na đen nhánh: 74 năm nay, tôi mới chỉ xỏ chân vào dép đôi lần. Có những năm mùa đông trời rét 5-6 độ, mấy đứa cháu kêu gào bắt tôi phải đi giày, đi dép nhưng chân đất cả đời quen rồi, mang giày dép vào vướng víu không thể chịu được. Chỉ mấy ngày có đi đám cưới thì cắp dép theo, kẹp vào nách, đến cửa nhà người ta thì xoa xoa chân mấy cái rồi xỏ dép vào. Ra đến cửa là lại tuột ra cắp vào nách ngay”.

Hôm sau, chúng tôi lại theo chân bà gánh chuối đi chợ bán. Giữa trưa hè nắng cháy, mồ hôi chảy thành dòng lăn theo những vệt thời gian sâu hoắm trên khuôn mặt bà. Cây đòn gánh cong oằn ôm khít lấy cái lưng còng gập, nhô lên hụp xuống đều đặn theo những bước chân thoăn thoắt.t

Trong nụ cười hạt na của bà cụ, cuộc sống thật tươi đẹp biết bao!

Chuẩn bị chuối...
... gánh đi bán
Bé nhỏ trên phố phường tấp nập
 
 
 
 
Chờ bán nốt nải chuối cuối ngày
Mỗi ngày bà cụ bán được khoảng 20 nải chuối
Cũng có khi ế ẩm...
Đếm tiền bán chuối cuối ngày
gói ghém
... cất cẩn thận vào túi áo
Khi thành phố lên đèn...
...bà cụ về ngõ nhỏ trên phố Thuỵ Khuê tá túc nhờ nhà người cháu gái.

Bài Linh Nga
Ảnh Thu Hiền

Bình luận(13)

Minh Hiền

Nguyễn Thị Oanh

Bạn Phượng có những lời lẽ đầy nhân văn cao cả, nhưng nhận định nhún nha nhún nhảy của bạn xem ra chỉ là tỏ ra nguy hiểm. Bạn đã quan sát người ta gánh thóc, gánh lúa, mà nói chung là gánh nặng bao giờ chưa? Hai tay còn đung đưa như múa ấy. Gót chân chưa kịp đặt xuống, đầu ngón chân đã bật lên, nhún nha nhún nhảy rất có nhịp. Bạn luận đàm về ngôn ngữ nhưng trong comment của bạn đầy lỗi chính tả. Hình như bạn là người T H nên mới viết là "khoe mẻ".

Minh Hiền

Quốc Hưng

Tại sao một số người lại quay sang mỉa mai, chê bai nhau khi chia sẻ cảm nhận của mình với bài báo này nhỉ?
Bài viết thật hay và cảm động giữa thời buổi mà báo giới tập trung viết nhiều vè đại gia, chân dài... Nó cho thấy hình ảnh những bà mẹ Việt nam thậtt đẹp, suốt đời vất vả hy sinh, nhưng mặt khác cũng nói lên sự phân hóa giàu nghèo đang diễn ra ở xã hội của chúng ta!

Minh Hiền

Mai trang

Đường quê, đường đất có bóng cây còn hiểu đc chứ đg phố trải nhựa nõng giãy như thế cụ đi chân trần đc thì quả là giỏi quá. Cụ thật bé nhỏ trên đường

Minh Hiền

Nguyễn Văn Phượng

Ôi! "cuộc sống tươi đẹp biết bao!"..."nhún nha nhún nhảy" bạn dùng những cụm từ này cho cụ Lý tôi thấy xót xa quá! Cụ lý đã 74 tuổi, gần cả cuộc đời không biết đến giày,dép là gì (?).cụ phải vật lộn với cuộc sống hàng ngày để kiếm miếng ăn.Cụ đang đấu tranh sinh tồn đó thôi! Xã hội phân hóa giàu-nghèo quá rõ.Có những đứa con nít mới lớn chưa trải nghiệm cuộc đời,chưa biết,chưa hiểu thế nào là hạnh phúc,thế naò là đau khổ,chúng xem tiền bạc là thứ để chúng" khoe mẻ" và dùng những ngôn từ chẳng ăn nhập vào đâu để luận bàn...tôi cảm thấy đau lòng và xin chia sẻ những vất vả của cụ Lý.

Minh Hiền

Minh Anh

Xin được gọi: Mẹ quê! Ôi nhớ quê, nhớ mẹ quá

Minh Hiền

Nga trịnh

thương bà quá !

Minh Hiền

Cu Tít

Bán chuối thì được mấy đồng một ngày chứ.

Minh Hiền

Trần Hoàng Trí

Bác tôi cũng chỉ đi chân không, đầu còn đội một cái thúng hai tay không giữ thúng mà vẫn không bị rơi.

Minh Hiền

Thu Hằng

"Giữa trưa hè nắng cháy, mồ hôi chảy thành dòng lăn theo những vệt thời gian sâu hoắm trên khuôn mặt bà. Cây đòn gánh cong oằn ôm khít lấy cái lưng còng gập, nhô lên hụp xuống đều đặn theo những bước chân thoăn thoắt.t

Trong nụ cười hạt na của bà cụ, cuộc sống thật tươi đẹp biết bao!" - bạn Phượng có thể đọc cho kĩ lại trước khi hùng hổ chém gió. Nghĩa là dù vất vả, khó khăn nhưng bà cụ vẫn cười, thấy cuộc sống rất tươi đẹp. Vì sao tươi đẹp? Vì có những người như bạn nói, là vật lộn mưu sinh và hạnh phúc vì kiếm tiền chính đáng, hạnh phúc là được lao động chân chính. Rất là đáng cảm phục họ. Tôi thấy bạn nên đọc thật kĩ trước khi bình loạn. Tôi chỉ là một nhân viên thu tiền điện mà còn hiểu bài báo nói gì đấy bạn Phượng ạ

Minh Hiền

Nguyễn Nam

Thương quá! Mẹ Việt nam ơi! Nhớ lại những ngày thơ bé của lứa tuổi tôi (sinh năm 1960) cũng có dép guốc gì đâu, cứ chân trần mùa nắng cũng như mùa rét đi học, đi làm đồng hợp tác... có người giẫm phải đinh gỉ nhiễm trùng uốn ván chết khi còn rất trẻ... ngẫm lại thấy mình sống được đến ngày nay cũng là cả một sự may mắn!

Minh Hiền

Ngọc Minh

Chuối coi vậy chứ nặng lắm. Ngày xưa các cụ nhuộm răng đen thấy cũng dễ nhìn. Bây giờ các cô tranh nhau đi tẩy răng trắng mà nhìn vẫn thấy không xinh hè.

Minh Hiền

Bình Minh

không đi dép thế này dẫm vào mảnh sành nhiễm trùng uốn ván thì chết. Nên động viên cụ đi dép. Bọn nghiện nó vứt kim chích đầy đường ra

Minh Hiền

Hùng Lâm

giá mà bà cụ có một đứa con