Giáo dục đặc biệt ở Nhật: 10 học sinh, 6 giáo viên

Google News

Lớp có 10 học sinh thì có tới 6 giáo viên. Với trường hợp nặng, 1 cô giáo kèm 1 học sinh suốt cả ngày.

(Kienthuc.net.vn) - Cả trường tiểu học có một lớp dành cho các em khuyết tật từ lớp 1 đến lớp 6. Em bị thiểu năng trí tuệ, hầu như chẳng hiểu mình làm gì. Em bị bệnh down, cực nhạy cảm, động tí thì khóc tu tu. Có em trông khỏe mạnh, khôn ngoan nhưng hiếu động quá mức, không kiểm soát được hành vi của mình.

Các em đều đáng thương, nhưng cũng cực may mắn, vì vẫn được đến trường, chăm sóc dạy dỗ chu đáo như mọi em bé bình thường khác.

Lớp có 10 học sinh thì có tới 6 giáo viên. Với trường hợp nặng, 1 cô giáo kèm 1 học sinh suốt cả ngày. Bé nào có sức khỏe, trí tuệ tốt hơn thì 2 trò 1 cô. Sự phân công như thế cũng chỉ là tương đối vì các cô phối hợp với nhau rất hài hòa, linh hoạt.

Cậu bé Yuta 9 tuổi học lớp 3, nhưng người cậu cứ nhũn ra như một cọng bún. Thầy giáo dạy tiếng Anh thì Yuta mang bút ra hí hoáy vẽ con bọ cạp. Cậu luôn ngọ ngoạy và cứ như là sẽ nằm lăn ra ghế, ra sàn. Cô giáo phụ trách phải ngồi cạnh và theo sát cả ngày, chăm cậu y hệt một em bé sơ sinh, không chiều theo ý muốn của cậu mà vẫn theo yêu cầu học tập của cả lớp.

Mọi trẻ em đều phải được đến trường. Ảnh minh hoạ

Cô bé Mira học sinh lớp 5, bị tăng động giảm chú ý, thường chỉ làm theo ý mình, cấm ca cấm cảu, luôn chống lại yêu cầu của giáo viên. Có giờ học, bé hoàn toàn không theo lời giáo viên một chút nào, lúc đó một cô phải đến ngồi cạnh và yêu cầu bé: “Em viết đi nhé, các bạn đang viết đó kìa, em không được làm thế!”

Thoạt tiên bé phản ứng, xoay người lại với các bạn và giáo viên, gây ồn ào nhưng sau những nỗ lực của cô giáo nghiêm khắc nhưng bình tĩnh, thì Mira cũng chịu viết.

Cậu bé Kai bị bệnh down. Lúc học tiếng Anh, giáo viên yêu cầu nhặt 2 viên bi bỏ vào vòng tròn để đếm số 2, cậu không chịu, cô giáo cầm tay cậu giúp cậu cho viên bi vào, thế là cậu khóc ầm ĩ cả giờ đồng hồ, mũi dãi ròng ròng. Cô giáo nhẹ nhàng lau mặt cho cậu, vừa nghiêm khắc: “Kai cần phải nghe chỉ dẫn của thầy giáo chứ...”

Vào giờ ăn trưa các em ăn cùng nhau tại phòng dành riêng cho sinh hoạt của lớp khuyết tật. Các cô giáo lớp khuyết tật không được nghỉ trưa, vừa tranh thủ ăn vừa theo dõi các em học sinh. Các cô ngồi xen kẽ với các em để bảo đảm là các em được ăn no và không phá phách trong giờ ăn.

Tuyệt nhiên không hề thấy một thoáng cau mày, một chút khó chịu hay bực bội trên khuôn mặt của các cô giáo cho dù là cô giáo trẻ. Họ luôn nở nụ cười, và giọng nói dù nghiêm khắc nhưng vẫn dịu dàng. Khi các em đi vệ sinh, các cô cũng phải đi theo giúp đỡ, thậm chí các em lớn nhưng không kiểm soát được đại tiểu tiện, các cô cũng phải lau dọn sạch sẽ cho các em.

Các em học sinh lớp khuyết tật có một lớp dành riêng cho mình, nhưng cũng tham gia giờ học thể dục và một số giờ học với các bạn khác trong trường. Mỗi khi các em học hòa nhập thì một cô giáo phải đi kèm, giúp em ngồi học ổn định không quá làm phiền các bạn khác. Các em tham gia toàn bộ các hoạt động khác bình đẳng với các học sinh khác như là biểu diễn văn nghệ, tham gia lễ hội thể dục, các hoạt động ngoại khóa bình thường nhưng với sự chăm sóc sát sao luôn của các cô giáo của mình.

Các em học sinh khác đối xử với các bạn học sinh đặc biệt rất công bằng, bình đẳng không tỏ ra chú ý đặc biệt như nhìn chằm chằm, chỉ trỏ, bình luận, giễu cợt...

Trường công lập là của Chính phủ lập ra, dùng Ngân sách từ tiền thuế của dân để chi trả lương cho giáo viên, những nhân viên của trường, và phục vụ cho quyền được đi học, được đến trường của tất cả mọi công dân ở tuổi đến trường. Và vì thế các em nhỏ như tôi kể cho các bạn nghe đó đều được đến trường, được học tất cả những gì các bạn khác được học.

Trong cái không may của cả đời người, các em nhỏ khuyết tật ít ra cũng ấm lòng khi nhận được sự tôn trọng, yêu thương bằng những hành động cụ thể của Chính quyền, xã hội, nhà trường. Cha mẹ, gia đình của các em dù mãi mãi sẽ có những nỗi lo buồn riêng của họ, nhưng ít ra cũng cảm nhận được sự chia sẻ của cộng đồng...

Tôi chạnh nghĩ tới hình ảnh người em trai bị bệnh down của một cô bạn học cấp 1 ngày xưa. Em ấy bị bệnh và đương nhiên là không thể đến trường, em thường đứng loanh quanh ở cổng nhà, các bạn đi học về trêu em thì em cười ầm ĩ. Không ai hiểu em cười vì vui hay vì tức giận.

Trẻ em bị khuyết tật, down, tự kỷ, tăng động giảm chú ý… ở mình, biết bao giờ mới được đến trường?

Hà Linh (từ Nhật) 

[links()]

Bình luận(0)