Có thương mình, vợ mới ở lại

Google News

May mắn trở về từ chiến trường khốc liệt, nhưng "nỗi buồn chiến tranh" vẫn luôn hiện hữu trong gia đình anh thương binh Trần Văn Đạo.

- May mắn trở về từ chiến trường khốc liệt, nhưng "nỗi buồn chiến tranh" vẫn luôn hiện hữu trong gia đình anh thương binh Trần Văn Đạo. Những đứa con lần lượt bỏ anh đi vì chất độc da cam từ bố... Niềm an ủi duy nhất với anh bây giờ là người bạn đời mà anh rân rấn nước mắt khi nhắc đến: "Có thương mình vợ mới ở lại".

Còn được sống là niềm hạnh phúc

Gương mặt hiền, nụ cười tươi, dáng vẻ "trực chiến" sẵn sàng phục vụ khách, thoạt nhìn, chẳng ai nghĩ anh "xe ôm" Trần Văn Đạo (Tiêu Sơn, Đoan Hùng, Phú Thọ) là một thương binh và đằng sau nụ cười tươi vui ấy là cả một nỗi buồn chất chứa.

Anh Đạo tham gia chiến trường miền Nam từ năm 1974, đất nước giải phóng, anh lại tiếp tục sang Lào, rồi Campuchia chiến đấu cho nước bạn, mãi tới tận năm 1985 mới trở về. Anh yêu rồi lập gia đình với người con gái cùng quê là chị Nguyễn Thị Loan, những mong có một cuộc sống hạnh phúc, sống thay cả phần cho những đồng đội đã chẳng thể trở về. Nhưng không ngờ ước mơ đó của anh chẳng thể thành hiện thực.

Ba đứa con anh lần lượt chào đời. Nhưng chúng lần lượt vào viện rồi lần lượt vĩnh viễn bỏ bố mẹ mà đi. Đứa ở cùng bố mẹ được lâu nhất mới chỉ có 4 tuổi. Chúng bỏ anh chị mà đi cùng một bệnh giống hệt nhau: tán huyết. Theo kết luận của bác sĩ thì đó là di chứng chất độc da cam từ bố.

"Lúc mới biết tin, buồn và sốc lắm. Nhưng rồi lại tự an ủi, thôi, mình còn được trở về, còn được sống là hạnh phúc lắm rồi. Tôi nhớ mãi trận đánh ngày 24/4/1974 vào căn cứ Đồng Dù (Củ Chi). Cả đại đội hành quân suốt đêm đi đánh đồn địch mà không biết rằng đã bị lộ. Lúc mình tấn công vào sở chỉ huy của địch thì không vào được, mà địch lại đánh úp sau lưng. 55 người ngã xuống, bị thương vô số, tôi cứ tưởng chẳng thể thoát được trận đó, nhưng may mắn chỉ bị thương. Thế nên, giờ mình có bất hạnh thì so với các đồng đội đã tử nạn vẫn là may mắn. Phải nghĩ thế để mà sống", anh Đạo trầm tư.
Nghề xe ôm được gặp gỡ nhiều người đem lại cho anh Đạo niềm vui, khuây khỏa phần nào.
Nghề xe ôm được gặp gỡ nhiều người đem lại cho anh Đạo niềm vui, khuây khỏa phần nào.

Bảo vợ đi lấy chồng khác

Ôm ấp, chăm sóc các con từ khi lọt lòng, rồi lại đưa tiễn từng con khi mới chập chững ra đi chỉ vì mầm bệnh từ mình... nỗi đau quặn thắt lòng người cha. Nhưng là đàn ông, anh có thể nén nỗi đau, nuốt nước mắt vào trong để còn là chỗ dựa cho vợ, còn với chị Loan, nỗi buồn không thể nào giấu nổi.

"Cô ấy rất hay khóc thầm. Nhiều đêm tôi bất chợt tỉnh giấc thấy cô ấy đang thổn thức. Có khi bế trẻ con hàng xóm cô ấy cũng mủi lòng rơi nước mắt. Tôi thương vợ nhưng chẳng biết làm sao, lỗi là ở mình, chỉ biết sống cho tốt bù đắp phần nào cho vợ. Có lần tôi bảo hay là mình đi lấy người khác còn có cơ hội sinh con đẻ cái, nhà tôi chẳng nói gì, nhưng cũng không đi đâu cả", anh Đạo mắt rơm rớm kể.

Từ khi mất bé thứ 3, anh chị không dám sinh thêm con nữa "vì sợ mình khổ đã đành, con bị bệnh tật giày vò còn khổ hơn nhiều, thương lắm". Những ngày không đau yếu, người thương binh ra ngã ba đường cạnh nhà chạy xe ôm kiếm thêm đồng ra đồng vào phụ giúp vợ làm nông nghiệp trang trải cuộc sống, chăm người mẹ già gần tuổi 90.

Dáng người khoẻ mạnh, đậm đà của một phụ nữ trải qua nhiều lần sinh nở, chị Loan gợi cho người gặp sự ái ngại khi biết về nỗi mất mát của chị. Nói về sự ở lại của mình với anh, chị nghẹn ngào: "Vợ chồng là duyên phận. Anh ấy bị thế cũng là vì chiến đấu cho đất nước. Giờ anh ấy khổ, mình sao có thể đành lòng bỏ chồng đi tìm hạnh phúc cho riêng mình".

Vậy nhưng, những lời đó dường như chưa một lần chị nói với anh. Anh chỉ phỏng đoán chắc "có thương mình vợ mới ở lại". Với anh chị, tình yêu thật giản dị, từ chính những hành động hai người dành cho nhau.

Mai Loan

Bình luận(0)