Cảm ơn em vì vẫn yêu thương cuộc đời!

Google News

Mẫn đã gồng mình căng sức chống chọi mọi quăng quật của cuộc đời để giữ cho mình một điều giản dị: Gia đình.

(Kienthuc.net.vn) - Mẫn đã gồng mình căng sức chống chọi mọi quăng quật của cuộc đời để giữ cho mình một điều giản dị: Gia đình.

Có đến hơn 10 năm, tại buổi gặp mặt sinh viên cũ, tôi mới gặp lại Nguyễn Trí Mẫn - cậu sinh viên cực kỳ thông minh, có hoàn cảnh gia đình rất đặc biệt, giờ đã là người đàn ông ngoài 40 tuổi, khá thành đạt và vui tươi.

Nguyễn Trí Mẫn (ảnh từ Facebook của nhân vật, do tác giả cung cấp)

Một bạn nữ cùng khóa Mẫn nói nhỏ: "Cô ơi,thú thực ngày xưa chúng em rất ghét Mẫn. Cậu ấy rất kiêu căng, ngày cùng đi thực tập ở Nga, thỉnh thoảng chả hiểu vì chuyện gì mà cậu ấy cứ chửi vung lên, rồi còn bật nhạc to tướng làm chúng em cáu điên"...

Một cơn nghẹn dâng lên trong ngực tôi.

Gia cảnh ngày đó của Mẫn ùa về choán ngợp, xót xa nghẹn ngào, tôi chỉ nói được mấy lời: "Em ơi, nếu em biết Mẫn đã sống qua những ngày tháng đó như thế nào, thì em...". Tôi đã không thể nói hết câu.

Có thể nói, phải rất nhiều khóa sinh viên mới có một người năng lực trí tuệ nổi bật như Mẫn. Trí nhớ siêu việt, phản ứng cực nhanh nhạy, tiếp cận và giải quyết vấn đề rất thông minh.

Vào một ngày khi Mẫn học năm thứ 2, tôi đến thăm nhà Mẫn và gia cảnh của cậu đã làm tôi thực sự choáng váng: Mẫn vốn có một gia đình êm ấm bình thường như bao người khác, bố mẹ là viên chức nghèo nhưng ngày đó cuộc sống nói chung rất khó khăn, mẹ cậu bứt ra làm ăn.

Một ngày khi cậu 13-14 tuổi, người ta ùn ùn đến nhà lấy đi tất cả những gì có thể, chỉ còn lại căn phòng bé xíu, tối om, sạch bách.

Mẹ bỏ đi xa luôn, cha cậu với đồng lương eo hẹp, lại ốm yếu, không nuôi nổi 3 đứa con.

Thế là cậu bé 13-14 tuổi phải lăn vào đời để kiếm sống. Cậu làm tất cả mọi việc để phụ cha nuôi em trai 4-5 tuổi, em gái út mới 1-2 tuổi.

Ngày đó một gia đình cả hai cha mẹ đi làm còn bữa đói bữa no, đằng này bố Mẫn đau yếu. 2 năm sau, ông mắc bệnh ung thư. Thế là ngoài gánh nặng cơm áo cho 4 người, làm mẹ chăm sóc 2 em còn trứng nước, cậu bé lại gánh thêm người cha bệnh trọng, là thuốc men, là chăm sóc, là viện phí...

Không ai có thể hiểu người con trai ấy lấy sinh lực và nghị lực ở đâu để có thể làm được từng ấy việc, để có thể sống qua, để có thể vẫn học giỏi và đỗ đại học.

Chưa hết năm thứ nhất đại học, cha Mẫn qua đời, để lại 2 đứa nhỏ cho Mẫn vừa làm cha vừa làm mẹ...

Hiện nay, hai em Mẫn đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm và vị trí vững vàng.

Chẳng thể kể ra hết được người anh đã phải trải qua những loại công việc gì để kiếm đủ tiền nuôi mình và các em, đã lao tâm tổn trí như thế nào để dạy bảo các em nên người, đã gồng mình căng sức chống chọi mọi quăng quật của cuộc đời ra sao để giữ cho mình một điều giản dị: Gia đình.

Những người từng thấy những phút giây chưa hoàn hảo của Mẫn thân mến, những phút thiếu kiềm chế của Mẫn chỉ là biểu hiện của sự tổn thương về tinh thần sâu sắc. Nếu Mẫn không kiêu hãnh, thậm chí hơi quá kiêu hãnh, thì cuộc đời đã quật ngã cậu từ lâu. Tôi mong các bạn hãy thử đặt mình vào vị trí của Mẫn 1 ngày thôi, hẳn các bạn sẽ giống tôi, muốn cảm ơn Mẫn, cảm ơn vì Mẫn đã không tự sát, không phát điên, không trở thành một con thú bị thương, luôn hằn học với cuộc sống, dù cuộc đời đã cay nghiệt với Mẫn biết bao. 

Hỡi những bậc làm cha mẹ, xin đừng vì những ham hố vật chất tầm thường, hay vì bất cứ cái gì mà đánh mất đi sự yên bình của gia đình và con cái, quăng chúng vào đời khi còn non nớt, bởi vì các vị thật khó có may mắn để có thể có một người con như Nguyễn Trí Mẫn.

Lan Hương (giảng viên trường ĐHNN - ĐHQGHN)

Bình luận(2)

Minh Hiền

Nguyeen Thi Minh Le

Không ngờ cô Hương lại hiểu thấu một cậu học sinh cũ của mình đến như vậy! Tôi chỉ dưới cô Hương có 2 khoá mà chẳng biết gì... Thật cảm phục Mẫn, và thật tự hào khi khoa Nga có một cựu sv tuyệt vời như vậy cả trí lẫn đức.

Minh Hiền

Khánh Duy

Cảm ơn cô Lan Hương. Qua câu chuyện của anh Mẫn đã giúp em thêm niềm tin và nghị lực để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống