Cầm bằng đại học ngành điện tử viễn thông về quê...chăn bò

Google News

Đồng lương vài triệu với đủ thứ tiền nhà, tiền điện, tiền ăn, tiền sinh hoạt khiến cho cuộc sống trở nên ngột ngạt...

- Lên Mộc Châu hỏi Huấn "hâm" chăn bò nhiều người biết. Huấn nổi tiếng vì có trong tay tấm bằng đại học chuyên ngành điện tử viễn thông nhưng lại quyết chí về quê vắt sữa bò. Huấn còn nổi tiếng vì mới 30 tuổi đã có trong tay gia sản nhiều người mơ ước.

Tôi đến đúng lúc Huấn đang đánh xe chở cỏ từ đồng về. Đội mũ cối, áo len đơn giản, quần bảo hộ lao động cộng thêm đôi ủng lấm lem bùn đất, trông Huấn không hề giống "đại gia". Nhìn thấy tôi, Huấn nhảy ùm một cái từ xe bò xuống cười bẽn lẽn giải thích: Tôi đi lấy thức ăn cho bò về. Trong suốt buổi nói chuyện về việc làm giàu có khó, về quyết định bỏ phố về quê, có lúc Huấn cười rạng rỡ, lúc lại lấy tay quệt nước mắt.
Triệu phú Phan Doãn Huấn,  tiểu khu 26/7 thị trấn Mộc Châu, Sơn La.
Triệu phú Phan Doãn Huấn, tiểu khu 26/7 thị trấn Mộc Châu, Sơn La.

Bằng đại học treo chuồng bò

Anh có biệt danh Huấn "hâm" khi nào?

(Cười bẽn lẽn) Từ khi tôi quyết định mang bằng đại học về treo cửa chuồng bò. Bạn bè bảo, nếu có ý định làm anh nông dân nuôi bò thì việc gì phải lặn lội từ Sơn La xuống Hà Nội học đại học, mà chuyên ngành lại là điện tử viễn thông, vốn chẳng có gì ăn nhập với nghề vắt sữa bò.

Bạn anh nói cũng có lý đấy chứ?

Gia đình tôi quê gốc ở Thái Bình. Năm 1980, cả nhà chuyển lên Mộc Châu. Thời điểm đó kinh tế nhà tôi khó khăn lắm. Bàn đi tính lại, bố mẹ tôi quyết định nuôi bò. Làm gì có tiền để mua đâu. Bố mẹ tôi vay được 44 triệu đồng để sắm vài con bò. Thời điểm đó, đấy là số tiền khổng lồ. Vì số tiền quá lớn nên cả nhà "ăn vì bò, ngủ vì bò" chăm bò như chăm trẻ nhỏ.

Tôi đã lớn lên trong nghèo khó và gắn bó với những công việc ủ cỏ, cho bò ăn... như thế. Cuộc sống nghèo và êm ả khiến tôi mơ về cuộc sống khác. Tôi thích được mặc những bộ đồ sạch sẽ, ngày ngày xách cặp đến công sở. Vậy là tôi lao vào học. Năm 2002, tôi đỗ vào Khoa Điện tử Viễn thông, Đại học Công nghệ, ĐHQGHN. Tôi xuống Hà Nội học, tâm hồn vui phơi phới.

Vui như thế, sao anh lại quay về?

Ra trường, thú thật là tôi cũng chưa tính đến chuyện về quê mà hăm hở đi xin việc. Nhưng cuộc sống của một kỹ sư mới ra trường khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Đồng lương vài triệu với đủ thứ tiền nhà, tiền điện, tiền ăn, tiền sinh hoạt khiến cho cuộc sống trở nên ngột ngạt. Lương cầm chưa khỏi tay đã thấy hết...

Anh quyết định quay về là vì cảm thấy quá mệt mỏi?

Không phải thế (lắc đầu và xua tay rối rít). Tôi ra trường vào năm 2007, thời điểm đó ở quê tôi đã bắt đầu thay da đổi thịt. Nhiều gia đình nhờ nuôi bò đã vươn lên thành triệu phú, tỷ phú. Tôi tự đặt câu hỏi, tại sao lại cứ cố bám trụ ở thành phố, tại sao không về quê giúp bố mẹ làm giàu. Bố mẹ thì không còn trẻ còn các em thì vẫn nhỏ, tôi về sẽ giúp được nhiều. Đặt lên bàn cân, tính đi tính lại, tôi quyết định quay về.
Giờ nếu Huấn về Hà Nội thì cũng chỉ để đi chơi và thăm thú bạn bè
Giờ nếu Huấn về Hà Nội thì cũng chỉ để đi chơi và thăm thú bạn bè

Làm thuê cho chính mình là sướng nhất

Mọi người phản ứng thế nào về quyết định của anh?

Bố mẹ tin vào sự lựa chọn của tôi. Còn bạn bè thì bất ngờ. Biệt danh Huấn "hâm" cũng có từ đó.

Sau vài năm ở quê, anh thấy quyết định của mình thế nào?

Trước khi về nhiều đêm tôi không ngủ được. Nhưng ngay đêm đầu tiên khi trở về tôi đã ngủ rất ngon. Cũng có lúc tôi băn khoăn không biết mình có làm sai. Nhưng nhìn lại tôi nghĩ mình đã đúng. Trong khi nhiều bạn học vẫn còn đang chật vật với cơm áo gạo tiền ở thành phố, còn tôi trở về những đã có nhiều thứ. Khi về, tôi bàn với bố mẹ mở rộng số lượng đàn bò, áp dụng quy trình sản xuất sạch. Mới đầu bố mẹ tôi cũng run. Nhưng tôi thuyết phục được. Nhờ đó, giờ gia đình tôi đã có "của ăn của để", trang trại ngày một rộng, bò ngày thêm đầy chuồng. Nếu bây giờ tôi có về Hà Nội thì cũng chỉ là về đấy chơi hoặc thăm hỏi bạn bè, chứ lập nghiệp thì không. Tôi thấy làm thuê cho chính mình là sướng nhất.

Nhưng anh từng nói ghét cuộc sống quanh quẩn với những công việc tủn mủn vắt sữa, cho bò ăn...?

(Cười) Bây giờ tôi không còn suy nghĩ đó. Có lẽ khi đã trưởng thành, cái nhìn của tôi cũng thay đổi. Tôi hạnh phúc vì mỗi sáng được hít thở không khí trong lành của thảo nguyên, hạnh phúc khi nhìn thấy đàn bò khoẻ mạnh.

Còn tấm bằng đại học, anh không thấy tiếc sao?

Có chứ (mắt rơm rớm nước). Quả thật những kiến thức chuyên ngành học ở đại học không giúp ích trực tiếp cho tôi trong công việc cắt cỏ, vắt sữa bò... (khóc). Nhưng tôi nghĩ tri thức không bao giờ thừa. Nó không giúp cho mình trong việc này thì sẽ giúp cho mình trong việc khác. Tôi có đứa em trai. Thằng bé cũng có ý muốn ở nhà chăn bò. Nhưng tôi và bố mẹ nhất quyết bắt nó phải đi học, có tấm bằng đại học rồi thích làm gì thì làm.

Tương lai anh có ý định theo học cái gì đúng chuyên ngành không?

Có chứ. Chăn bò, cắt cỏ, vắt sữa... mới nghe thì tưởng là đơn giản, nhưng giờ chúng tôi đang bước vào nền công nghiệp sản xuất sạch, phải học chứ. Rồi học để còn biết cách nhân giống, chăm sóc bò để bò không bị bệnh. Có thời gian tôi vẫn muốn đi học. Có điều, giờ tôi nhiều việc quá, khó lòng mà dứt ra đi học như trước. Tôi chỉ tham gia học những khóa đào tạo ngắn hạn thôi.
Huấn đã đúng khi quyết định về quê chăn bò
Huấn đã đúng khi quyết định về quê chăn bò

Không sắm xe hơi, mua nhà lầu

Tôi nghe nói anh giàu lắm, thực tế anh giàu đến mức nào?

Tôi cũng bình thường thôi (lại tủm tỉm cười). Hiện giờ gia đình tôi có hơn 70 con bò, trong đó khoảng 30 con có giá trên 50 triệu đồng/con, số còn lại khoảng 35 - 40 triệu đồng/con. Tổng số tiền từ bò khoảng gần 3 tỷ đồng. Ngoài ra, gia đình tôi có hơn 4ha trang trại. Cũng không thể gọi là giàu được. Nhưng tương lai thì đang vẫn mở rộng ở phía trước. Tháng vừa rồi, chúng tôi thu về được 117 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, chúng tôi lãi được khoảng 70 - 80 triệu đồng. Tôi đang bàn với bố mẹ mở rộng thêm. Khi đó, tiền có khi còn nhiều nữa.

Tiền nhiều như thế anh có ý định mua ô tô, xây nhà lầu không?

Nói thật, gia đình tôi có đủ khả năng xây nhà to, mua ô tô xịn. Nhưng tôi không thích kiểu "khoe mẽ" như thế. Không lẽ tôi mua ô tô để đi lấy cỏ cho bò. Tiền lãi chúng tôi tiếp tục đầu tư vào sản xuất, mua thêm bò, mở rộng trang trại...

Anh không sợ rủi ro sao, ví dụ dịch bệnh này rồi như năm vừa rồi người dân nuôi bò điêu đứng vì vụ sữa nhiễm melamine?

Đúng là không thể nào mà lường hết được rủi ro. Nhưng tôi đã tính rồi, sữa bò của chúng tôi giờ có đầu ra. Khâu lo nhất là bò ốm đau hoặc chết. Nhưng giờ chúng tôi tham gia vào quỹ bảo hiểm vật nuôi của Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, chẳng may nếu bò của gia đình tôi có "mệnh hệ gì" chúng tôi vẫn được bồi thường. Mình có kiến thức cộng thêm sự chăm chỉ cần cù, trời sẽ không phụ lòng người đâu.

Trò chuyện đến đây, anh cáo lỗi vì đến giờ cho bò ăn. Nhìn cách anh nhảy lên lưng trâu lao ra khỏi cổng trang trại, khuôn mặt ánh lên nụ cười rạng rỡ, chúng tôi nhớ lại câu anh nói "Vấn đề không phải là ở thành phố hay ở quê. Điều quan trọng là lựa chọn cho mình hướng đi đúng".
"Trong một lần dắt bò thi hoa hậu bò sữa, tôi đã gặp được người bạn đời của mình. Nhà cô ấy cũng có bò mang đi thi. Gặp gỡ, thấy tâm đầu ý hợp nên thành duyên. Tôi vẫn nói đùa là có được mọi thứ như hiện nay đều là nhờ con bò".
Lan Hoa (thực hiện)

Bình luận(4)

Minh Hiền

Nguyễn Tấn Vinh

Em thật khâm phục anh. Em cũng là sinh viên nghành điện tử viễn thông đang học năm thứ 3. Học thì học còn tìm được việc làm thì em thấy mơ hồ quá. Cuộc sống ở thành thị quá khó khăn cho 1 kỹ sư đi làm thuê. Quê em cũng ở nông thôn làm nông là chủ yếu (Quãng Ngãi). Gia đình em cũng làm nông và em cũng đã từng làm nông khó khăn lắm, lúc nào cũng chật vật lo âu. Nhưng em thấy anh xây dựng cơ nghiệp từ bàn tay của mình em rất khâm phục. Sau này nếu em có điều kiện em cũng sẽ phát triển về lĩnh vực này. Em chúc anh thành công hơn nữa. Cố lên nhé!!!

Minh Hiền

David ong.

Chào huấn,chúng Minh cùng là người thái bình xa xứ,chúc mừng huấn tiến tới nữa và tương lai phía trứơc nhé.
Nếu nhận được Mail trả lời nhé.
Los angeles Quang.

Minh Hiền

Đạo Tôn

Ở đâu và thời nào cũng có trường hợp như bạn ... nhất là ở Hoa Kỳ chứ không riêng gì ở Việt nam . Quốc Tp^? Đại Miếu Mỹ Việt chúng tôi mong có cơ hội thảo luận cùng bạn ... trân trọng www.quocto.com Đạo Tôn

Minh Hiền

Vương Bích Ngọc

Sau khi đọc xong câu chuyện của anh tôi thấy rất khâm phục anh. Tôi cũng là sinh viên đại học tốt nghiệp năm 2009 nhưng cũng đang vật lộn với cuộc sống cơm áo gạo tiền, làm mãi làm mãi cũng chẳng đủ ăn. Tôi luôn mơ ước mình có một cuộc sống dân dã và có một trang trại chăn nuôi nhưng thục sự tôi không có đủ tiền cũng không có đủ khả năng như anh nên tôi không thực hiện được mơ ước của mình. Tôi rất yêu rừng nhưng lại sống vùng đồng bằng, mọi người bảo tôi là người cổ, là người dân tộc tôi cũng chỉ cười thôi. Sau khi đọc xong tôi thấy anh là người có chí hướng tôi cũng ước được như anh. Hãy cố lên anh nhé!