Bao giờ hết khổ vì thi đại học?

Google News

Sáng 3/7, tôi chật vật mãi mới đến được cơ quan vì tắc đường do là ngày đầu tiên thí sinh thi đại học đến trường tập trung.

- Sáng 3/7, tôi chật vật mãi mới đến được cơ quan vì tắc đường do là ngày đầu tiên thí sinh thi đại học đến trường tập trung. Cái chuyện này thì đã quá quen rồi, năm nào chả thế. Và tôi thấy nó còn giống như cả trăm năm trước đây, như những gì được mô tả trong truyện Lều chõng của nhà văn Ngô Tất Tố.
 
Mà so sánh thế cũng không hẳn đúng, bởi thời xưa thi xong là ra làm việc ngay, là cuộc đời đổi thay, là đã có thể nuôi được bản thân và gia đình. Giờ đây qua được kỳ thi này, còn lo chán. Lo cho qua 4 - 5  năm học đại học với bao chi phí, với mức học phí năm nào cũng đe dọa tăng. Ra trường thì cũng chắc gì đã tìm được việc, tìm được việc chắc gì lương đã đủ sống... Vậy nhưng dường như mọi thứ cứ phải qua cho được cái kỳ thi này.
Mưa lớn xuất hiện nhưng không khí tại cổng các điểm thi vẫn không hề giảm nhiệt
Sáng 4/7, Hà Nội mưa lớn nhưng không khí tại cổng các điểm thi vẫn không hề giảm nhiệt. Ảnh: Nguyễn Hằng
Có cảm tưởng như nếu không thi đại học thì khó mà nên người được! Nên ai cũng phải cố dù nhiều khi cái sự cố đấy nó quá với sức mình. Học giỏi đi thi đã đành, học kém cũng thi với hy vọng mong manh biết đâu lại đỗ. Thế nên cứ đổ xô cả vào đại học. Liệu đó có phải là điều đáng mừng vì như thế là dân ta nhiều người hiếu học? Chả phải. Bởi cái sự học rộng lắm, nếu học để có kiến thức, học để làm người, học để biết sống cho sung sướng, hạnh phúc, thì cứ gì phải chen chúc vào đây. Ngoài kia cuộc đời thênh thang thế, kiến thức mênh mang thế, sợ gì không có cơ hội để lựa chọn cho mình một lối đi, một cách lập nghiệp.

Năm nay cả nước có tới 1,3 triệu thí sinh dự thi đại học. Trong đợt đầu này đã có tới hơn 600.000 thí sinh dự thi. Chủ yếu là tập trung ở các thành phố lớn. Mỗi thí sinh lại kèm theo một người nhà, thế nên không tắc đường mới là chuyện lạ.

Đi ngoài đường ở đâu cũng dễ dàng bắt gặp những khuôn mặt non nớt nhưng đã đầy âu lo của các thí sinh. Nhưng có lẽ vất vả nhất là phụ huynh. Bên ngoài cổng trường hay các địa điểm thi là cảnh kẻ đứng, người ngồi, ai cũng căng thẳng, lo âu ngóng chờ con em mình. Kể sao cho xiết những vất vả, lo toan, hy vọng của những ông bố bà mẹ này.

Tự hỏi không biết đến bao giờ mới hết cái cảnh thi cử vất vả như thế này. Để mỗi đứa trẻ được đến trường với niềm vui, được tiếp nhận kiến thức một cách nhẹ nhàng, tự nhiên như là những gì cần thiết để được sống cho tử tế hơn, chứ không phải chỉ nhăm nhăm đối phó với các kỳ thi.

Minh Anh
[links()]

Bình luận(1)

Minh Hiền

Thu Mai

Thập kỷ những năm 70, chúng tôi thi đại học tại địa phương mình cư trú ( huyện, thành phố ) đâu có vất vả, tốn kém như bây giờ mà chất lượng vẫn đảm bảo, nghiêm túc