Bà Còng: “Cả đời tôi chưa bao giờ nghĩ được tặng bê“

Google News

Phụ cháu đẩy cỏ từ bì ra cho bê ăn, bà Còng hồ hởi: "Đúng là cả đời tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại có được con bê mà nuôi"

- Phụ cháu đẩy cỏ từ bì ra cho bê ăn, bà Còng hồ hởi: "Đúng là cả đời tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại có được con bê mà nuôi”.

[links()]

Ngày 6/7, sau 2 tuần nhà báo Lê Phương Dung nhờ Kienthuc.net.vn dùng số tiền 20 triệu mua bê, làm chuồng, số tiền còn lại trao cho bà còng Trịnh Thị Nhự, chúng tôi trở lại thăm gia đình bà tại thôn Cao Khánh, xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa .

Gặp Kiên Cường lui cui đẩy bì cỏ từ xe đạp xuống, thằng bé hớn hở khoe: “Cháu vừa đi cắt cỏ cho bê về cô ạ. Cô thấy con bê của cháu lớn hơn được nhiều không?”

Vừa phụ cháu đẩy cỏ từ bì ra cho bê ăn, bà Còng hồ hởi: “Từ hôm đó đến giờ, tôi vẫn chưa tin mình lại có con bê đẹp thế này. Đúng là cả đời tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại có được con bê mà nuôi”. Bà cụ quệt mồ hôi, lẫn trong đó hình như có cả những giọt nước mắt...

Kiên Cường quấn quýt bên con bê
 
Bà cụ còng chăm sóc con bê, quà tặng của nhà báo Lê Phương Dung thông qua báo điện tử Kiến Thức
Bé Kiên Cường và bà Còng chăm sóc con bê, quà tặng của nhà báo Lê Phương Dung thông qua báo điện tử Kienthuc.net.vn

Cô Trịnh Thị Viễn, người hàng xóm chia sẻ: “Chiều hôm ấy, sau  khi tiễn đoàn về, hai bà cháu cụ còng vui quá, cứ quanh quẩn dọn dẹp chuồng, lo cho con bê. Đến mấy ngày sau, bà cụ vẫn cứ nhắc đi nhắc lại là bà vui quá, bà không tin vào mắt mình”. Có lẽ niềm hạnh phúc lớn nhất của một người nông dân đó là có được con trâu, con bò…

“Nhỡ nó mà mất thì chắc tôi không sống được”

Về nhà bà cụ Còng lần này, cái thay đổi lớn nhất mà chúng tôi thấy là chuồng bê đã được xây bao quanh kiên cố thêm.

Bà cụ còng chia sẻ “Hôm đó, sau khi các anh chị phóng viên về, điều tôi lo lắng nhất là sự an toàn của con bê. Ban đêm, thằng cu Kiên Cường và tôi cứ nhấp nhổm dậy trông. Thằng bé nói: "Bà ơi, hay cho bê vào nhà đi, để ngoài đó cháu sợ mất lắm”.

Cái chuồng đã được xây bao quanh kiên cố
Cái chuồng đã được xây bao quanh kiên cố

“Sáng hôm sau, tôi có nhờ vợ chồng cô Viễn mua gạch, xi măng và gọi thợ hồ xây bao quanh cái chuồng lại cho kiên cố. Tôi cũng nghĩ kĩ rồi, thà nhịn ăn đi vì mình khổ, đói mãi cũng quen rồi. Chứ nhỡ con bê mà mất thì chắc tôi không sống được. Mà thằng Kiên Cường nó sẽ buồn lắm.”

Bà cụ khoe, từ hôm có bê đến giờ, sáng nào bé Kiên Cường cũng đi cắt một bì cỏ đầy để ở sân rồi mới đi học. Chiều về, thằng bé lại dắt con bê ra đồng chăn. 

Phóng viên Kienthuc.net.vn trao tiền độc giả báo gửi tặng gia đình cụ Trịnh Thị Nhự
Phóng viên Kienthuc.net.vn trao tiền độc giả báo gửi tặng gia đình cụ Trịnh Thị Nhự

Khi chúng tôi ra về, Kiên Cường bảo “Cháu muốn lên Hà Nội, biếu bác Dung, biếu các cô chú phóng viên hôm trước về làm chuồng bê chục quả trứng gà nhà cháu mới đẻ”. Nhưng sau đó, cu cậu đổi ý, nhờ tôi mang về. Thằng bé thật thà: “Cháu còn phải chăn bê, trông bê. Vì cháu khỏe mạnh nhất nhà. Cháu mà đi thì không có ai cắt cỏ cho bê cả…”

Nhiều tấm lòng chia sẻ cùng gia đình bà Còng

Cùng về thăm lần này, nhóm phóng viên theo dõi mảng Giao thông của hơn 10 báo tại Hà Nội: Kienthuc.net.vn; Tiền Phong, Điện tử Chính phủ, Lao Động, VOV, VTV, VTC News, Vietnamnet.vn, Thanh niên, Tin tức, Thông tấn xã Việt Nam, Đất Việt,… đã gửi tới bà cụ Nhự cùng bé Kiên Cường một tài khoản trị giá 35 triệu đồng, 1 ti vi LED 21 inch, một cây quạt máy, cùng 50kg gạo tám thơm.

Nhóm PV giao thông tặng bà sổ tiết kiệm cùng ti vi, quạt, gạo...
Nhóm PV giao thông tặng bà còng sổ tiết kiệm cùng ti vi, quạt, gạo...
Phóng viên Kienthuc.net.vn cũng trao tận tay cụ Nhự số tiền 1 triệu đồng của độc giả Vũ Thành Huy, phòng  62- Chung cư 151- Nguyễn Đức Cảnh- Hoàng Mai- Hà Nội.

Số tiền 2 triệu đồng của bác Hồng, bác Vân, cô Hạnh, cô Hải - Tổ dân cư 39/Khu dân cư số 4 Vạn Phúc-Ba Đình- Hà Nội. Đây là những người hàng xóm của nhà báo Lê Phương Dung. Sau khi đọc bài báo về bà cụ còng, con gái tật nguyền, cháu trai Kiên Cường, và cảm động trước nghĩa cử cao đẹp của nhà báo Lê Phương Dung đã quyên góp nhờ Kienthuc.net.vn chuyển giúp. Vì thời gian gấp nên chúng tôi chưa mua được đàn gà theo ý nguyện của độc giả. Chúng tôi đã nhờ người hàng xóm và cháu Kiên Cường đi mua.

Ngọc Liên

Bình luận(4)

Minh Hiền

Huỳnh Thị Tú Anh

Phóng viên ở báo Kiến Thức nhiệt tình quá. Hết mua bò, làm chuồng bò rồi quay lại thăm bà Còng trao tiền lại. Bỏ sức, bỏ công, bỏ lòng nhiệt huyết vì người nghèo quả đáng trân trọng. Bây giờ thì tôi hiểu. Lý do vì sao: mọi người cứ nói, Phóng viên đi lại nhiều. Nhưng đi lại thế này... rất ý nghĩa.

Minh Hiền

Hoa

Cuối tuần rồi, đọc được bài báo này chúng tôi đã có lên tận xã Yên Lâm để thăm bà Còng tội nghiệp. Đúng là lên mới thấy được cảnh nhà. Tôi đã nói chuyện với bà Còng cả hai tiếng. bà kể khi chồng bà còn sống, bà còn khổ hơn bây giờ vì ngày nào bà cũng bị đánh. Thôi cũng là ông trời thương nên cuối đời tôi có bê. Cả đời tôi chưa bao giờ tôi nghĩ mình có được một con bê để nuôi thế này. Rồi bà kể cho tôi nghe về các anh chị Phóng viên về mua bò, làm chuống bò. Mà tiền nhà tài trợ là một nhà báo. Tôi cảm thấy rất nể, và trân trọng các bạn lắm. Mong tòa soạn sẽ có thêm nhiều bước tiến mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực nhân sinh, cứu vớt người cận đáy này. Tôi trân trọng cảm ơn tòa soạn.

Minh Hiền

Châu

Kính đề nghị các nhà báo liên hệ với các nhân viên Thú y ở địa phương, nhờ các vị đó hướng dẫn bà Nhự cách chăm sóc bê, trước mắt là việc TIÊM PHÒNG các loại dịch bệnh. Ở quê tôi, hiện đang có đợt dịch bệnh gì đó mà đã có nhiều trâu bò bị chết.

Minh Hiền

Nga

Niềm vui nhân lên bội phần với gia đình bà Cụ. Cảm ơn tòa soạn báo Kiến thức, cảm ơn những tấm lòng hảo tâm của bạn đọc, sự nhiệt tình và tấm lòng của các nhà báo, phóng viên đã mở ra con đường tương lai cho gia đình cụ. Tôi xin chúc các nhà báo, phóng viên đặc biệt là các anh chị trong tòa soạn báo Kiến thức có thật nhiều sức khỏe để đem niềm vui với những số phận bất hạnh.