Nỗi ám ảnh của "thợ" đào tiền ảo

Google News

Công việc mang lại lợi nhuận cao thì những rủi ro đi kèm cũng đáng sợ không kém. Giới đào tiền ảo cũng không ngoại lệ, họ có những khó khăn của riêng mình.

Các vấn đề về kỹ thuật trong quá trình đào, hay sự thao túng của các "cá mập" lắm tiền nhiều của là những mối lo lớn nhất của các thợ cày tiền ảo.
1. Kết nối Internet chập chờn
Mặc dù đào Bitcoin hay các loại tiền khác đều không yêu cầu tốc độ mạng cao, nhưng độ ổn định tuyệt đối để trao đổi dữ liệu với ví tiền ảo là điều phải có. Một dàn máy không kết nối vào Internet sẽ gây tổn thất rất lớn đến người "nông dân". Thảm cảnh điện vẫn phải trả mà dàn máy không thể kết nối với các mỏ tiền là điều mà các nhà đầu tư không hề muốn xảy ra.
Noi am anh cua "tho" dao tien ao
Internet luôn phải ổn định cho những giao dịch tiền ảo trên toàn cầu. Ảnh: Bitcoin.com 
2. Cháy nổ
Mỗi thanh GPU có thể sản sinh ra nhiệt độ lên tới 80 độ C khi hoạt động. Với cường độ làm việc 24/7 thì một mỏ đào với hàng chục dàn máy sẽ tỏa ra một lượng nhiệt vô cùng lớn. Nếu không có biện pháp tản nhiệt, thông gió thì nguy cơ cháy nổ là điều có thể xảy ra và thiệt hại của nó hết sức nghiêm trọng. Đặc biệt là trong một mỏ đào, các chất liệu dễ bắt lửa là rất nhiều.
Mỏ cày lớn nhất thế giới được đặt tại Iceland, nơi có nhiệt độ rất lạnh. Mặc cho ngoài trời có tuyết phủ dày đặc, bên trong nhà xưởng, nhiệt độ luôn nằm ở mức 40-50 độ C.
Ngoài ra, an toàn điện cũng là một điều các "nông dân" hết sức lưu tâm. Mỗi dàn máy đều có một công tắc an toàn riêng. Khi có sự cố chập điện, công tắc này sẽ bảo vệ cho dàn máy khỏi cháy nổ.
Noi am anh cua "tho" dao tien ao-Hinh-2
Nhiệt độ trong những "mỏ tiền" luôn ở mức 40-50 độ C. Điều này làm tăng nguy cơ hỏa hoạn lên rất cao. Ảnh: 99Bitcoin. 
3. 'Trâu cày' đình công
Việc sử dụng dàn máy tính để đào tiền liên tục có thể giảm tuổi thọ cũng như đột tử linh kiện. Tỷ lệ hư hỏng sẽ ở mức 5% cho năm đầu tiên khai thác và tăng lên 10% cho những năm tiếp theo. Tại thị trường Việt Nam, những GPU sử dụng cho việc cày tiền đều không được bảo hành chính hãng. Việc linh kiện hư hỏng trong quá trình đào tiền sẽ không được nhà sản xuất bảo hành.
4. Độ khó tăng cao
Diff (độ khó khi đào tiền) là thứ mà người chơi khó lòng kiểm soát. Độ khó sẽ tăng cao khi có quá nhiều người tham gia đào tiền ảo trong cùng một thời điểm. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất của các thợ mỏ. Đồng tiền đang nắm giữ độ khó kỷ lục hiện nay chính là Bitcoin. "Bây giờ cày Bitcoin không có lợi nhuận nữa. Chắc chắn một điều, ai cày, người đó lỗ tiền điện", anh Phạm Thái - một người sở hữu hàng chục máy đào tiền, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM chia sẻ.
5. 'Cá mập'
Đây là thuật ngữ để gọi các tài phiệt, những người nắm giữ số lượng tiền ảo cực lớn. Họ thao túng thị trường bằng số vốn khổng lồ của mình. "Cá mập" quyết định giá trị đồng tiền lên hay xuống. Khi những người này bán ồ ạt số tiền họ có sẽ làm cho tiền ảo mất giá. Nếu tình trạng đó kéo dài liên tục, việc "xẻ trâu, bán thịt" là điều buộc phải xảy ra. Có người bán để chốt lời, có người bán để cắt lỗ.
Hôm 27/6 vừa qua, đồng ETH trượt dài xuống mức 230 USD/đồng, các trang mua bán linh kiện "trâu cày" liên tục có những bài đăng bán "trâu" với giá chỉ 60 triệu/máy so với 75 triệu/máy như trước đây là một ví dụ cụ thể cho sự ảnh hưởng của giá trị đồng tiền lên giới đào mỏ.
"Không ai có thể chối bỏ sự ảnh hưởng này. Vì mua máy cày tiền ảo, từ tiền ảo đổi sang tiền thật, mà tiền ảo mất giá thì bán máy là điều tất yếu", anh Nguyễn Nhân, một người đào Ethereum khẳng định.
Theo Xuân Tiến/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)