Ngày tàn của website đang đến

Google News

Hãy quên website đi, tương lai của thương mại điện tử giờ nằm trong tay tin nhắn và công nghệ hỗ trợ giọng nói. 

 Thời của website đã qua, thời của ứng dụng chat đang đến. Ảnh: Chatbotslife.
Đó là nhận định của Alex Spinelli, cựu chuyên gia của Amazon, hiện là giám đốc điều hành tại LivePerson. Theo ông, World Wide Web sẽ sớm trở nên lỗi thời. Những tác vụ chúng ta đang làm trên website ngày nay sẽ sớm được chuyển sang các nền tảng giao tiếp thông qua tin nhắn (messaging) và giọng nói (voice). iMessage, WhatsApp hay Alexa của Amazon sẽ sớm nắm quyền kiểm soát việc mua bán trên mạng.
Spinelli giới thiệu tương lai mới cho thương mại điện tử mà ông đang áp dụng cho các sản phẩm tại LivePerson. Ở đó không còn những thanh menu drop-down dài dằng dặc, không còn “giỏ hàng” và cũng chẳng còn bất kì một đường link nào. Việc mua bán sẽ diễn ra gọn gàng trong một cửa sổ chat.
“Chúng tôi cho rằng những cuộc hội thoại là cách tự nhiên hơn rất nhiều để tương tác với dịch vụ của các nhãn hàng. Đó sẽ là cách giao tiếp chính của con người trong thời kĩ thuật số”, Spinelli nói.
Ông cho rằng chỉ trong vòng năm năm tới đây, các website sẽ biến mất hoàn toàn và sẽ chỉ còn rất ít ứng dụng. Theo ông, việc này là tự nhiên sau cuộc cách mạng về ứng dụng điện thoại đã đến đỉnh điểm. “Bạn không thể tiếp tục làm gì được khi mà trong iPhone đang có 127 apps cần được update”, Spinelli chia sẻ.
 Mô phỏng một cuộc mua bán qua hội thoại trên ứng dụng chat. Ảnh: LivePerson.
Viễn cảnh đó của Spinelli cũng không quá xa, nếu xét những động thái gần đây của Apple và Google. Cả hai ông lớn này đều đã thêm các sản phẩm thương mại thông qua hội thoại (conversational commerce) trực tiếp vào hệ điều hành thiết bị di động của họ.
Năm ngoái, phiên bản beta của Apple Business Chat đã được ra mắt và chạy thử với một vài nhãn hàng. Chức năng này cho phép người dùng tìm kiếm các nhãn hàng ngay trong iMessage và tương tác trực tiếp, bao gồm tính năng đặt lịch hẹn hoặc thanh toán sản phẩm thông qua hệ thống Apple Pay.
Google cũng có một sản phẩm tương tự nhắm đến doanh nghiệp có tên “Rich Communication Services”, cũng đang ở bản dùng thử. Cả hai sản phẩm này đều sử dụng nền tảng back-end của LivePerson do đội ngũ của Spinelli phát triển.
Nền tảng này cho phép các công ty dùng chỉ một giao diện để tương tác thông qua một loạt ứng dụng chat khác nhau, tuỳ theo lựa chọn nào là tiện nhất với khách hàng của mình. Họ cũng dùng trí tuệ nhân tạo để trả lời tự động một số câu hỏi cơ bản, nếu câu hỏi quá khó, cuộc hội thoại sẽ được chuyển sang một chuyên viên tư vấn trực tuyến.
Theo Hiền Minh/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)