Điều khiển hoa nở theo ý muốn

Google News

(Kiến Thức) - Sự thay đổi thất thường của thời tiết làm cho nhiều loại hoa, cây cảnh... nở sớm hoặc muộn hơn nhiều so với mong muốn của người trồng.

Mới đây, việc hàng loạt cây mai nở rộ hoa ở Thừa Thiên - Huế đã báo hiệu một mùa mai thất bát. Theo các chuyên gia, hiểu đúng từng loại hoa, người trồng có thể điều khiển chúng.

Dùng ánh sáng

Các nhà khoa học thuộc Viện Di truyền Nông nghiệp đã tổ chức hội thảo tổng kết dự án Hỗ trợ cho ngành trồng hoa Việt Nam. PGS.TS Lê Huy Hàm, Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết, có thể rút ngắn hoặc kéo dài thời gian chiếu sáng để cây ra hoa đúng vụ. Đối với những loại cây cần chiếu sáng ngắn thì cần che tối để rút ngắn thời gian chiếu sáng. Xử lý che tối bằng các tấm nhựa đen, vải đen hoặc giấy đen. Cây trạng nguyên, hoa lan càng cua cần chiếu sáng 10 giờ mỗi ngày, 2 tháng sau chúng sẽ cho ra hoa. 

Đối với những loại như hoa ly ly, lay ơn, huệ, salem... cần chiếu sáng dài, nhưng mùa đông thì điều kiện chiếu sáng ngắn nên phải kéo dài ngày cho hoa nở sớm. Các loại hoa này cần tối thiểu 14 giờ chiếu sáng mỗi ngày mới có thể cho ra hoa sớm. Hoa lay ơn được chiếu sáng trên 16 giờ mỗi ngày sẽ có chất lượng hoa tốt hơn, búp to hơn, bền hơn.

Ngược lại, muốn kéo dài thời kỳ ra hoa với những cây chiếu sáng ngắn thì có thể làm cho hoa ra muộn hơn. Hoa cúc ra hoa vào cuối tháng 8, áp dụng chiếu sáng dài hoặc bật đèn ban đêm khoảng 2 - 3 giờ sẽ làm cho hoa cúc có thể ra muộn đến cuối năm, thậm chí là đến mùa xuân năm sau. Hoa ly ly là cây dài ngày, chiều dài cây ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nụ hoa. Vì thế, với giống ly ly thân ngắn có thể kéo dài đốt thân bằng chiếu sáng nhân tạo 5 - 6 tiếng mỗi đêm.

 Người trồng hoa có thể tỉa cành giúp phân bổ đều chất dinh dưỡng
cho hoa.

Điều khiển bằng nhiệt độ

PGS.TS Lê Huy Hàm cho biết, các nhà khoa học của Viện Di truyền Nông nghiệp đã tiến hành thử nghiệm ở một số vườn hoa lớn trong cả nước. Một số loài hoa không nhạy cảm với ánh sáng, chỉ cần thỏa mãn điều kiện nhiệt độ là có thể ra nụ hoa sớm như hoa mai, đào. Muốn hoa nở vào dịp Tết thì giai đoạn cuối thu đem cây vào nhà giữ ấm ở nhiệt độ 18 - 24 độ C. Sau 10 - 15 ngày, cây sẽ ra nụ hoa, sau đó lại chuyển vào điều kiện nhiệt độ 8 - 15 độ C là cây có thể nở hoa vào đúng dịp Tết. 

Đối với các loại cây hoa thuộc cây cỏ hoặc rễ chum trồng ngoài trời như cẩm chướng, mẫu đơn, cúc đồng tiền, đỗ quyên... thì số ngày tăng nhiệt độ cần tính toán thời gian từ sinh trưởng phát triển đến khi hoa nở. Khi tăng nhiệt độ, mỗi ngày đều phải tưới phun nước, giữ nhiệt độ từ 25 - 28 độ C và ban đêm khoảng 15 độ C. Ngược lại, nếu giảm nhiệt độ sẽ kéo dài thời kỳ ra hoa. Đối với hoa ly ly, việc bảo quản lạnh ở nhiệt độ 2 - 5 độ C trong 6 - 8 tuần là cách cưỡng bức tốt nhất làm cho hoa nở đúng dịp Tết. Hoa loa kèn xử lý ở nhiệt độ 2 độ C từ 8 - 10 tuần cũng làm tăng tỷ lệ nảy mầm cũng như tỷ lệ nở hoa hữu hiệu. 

Ức chế cây

Theo các nhà khoa học, có thể tạo ra môi trường khô để điều chỉnh sinh trưởng cho một số loài hoa cây cảnh, làm cho sự phân hóa chồi sớm hơn. Hoa cúc trước khi phân hóa chồi có thể làm cho cây khô để xúc tiến sự phân hóa nụ hoa, đồng thời bón thêm phân lân và tưới axit boric làm cho chồi hoa phân hóa nhanh hơn, sau đó tiến hành tưới nước bình thường sẽ khôi phục sự hấp thụ nước và chỉ mấy ngày sau là cây sẽ nở hoa.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Lý, Trung tâm hoa và cây cảnh, Viện Di truyền Nông nghiệp, các cây bích đào, trúc đào trồng chậu, dâm bụt... rất cần phải tỉa cành vào mùa xuân hằng năm. Vì thế, người trồng hoa có thể áp dụng phương pháp tỉa cành để cây hoa phân bố đều chất dinh dưỡng, tạo dáng cây, xúc tiến cây ra hoa nhiều; hoặc gây tổn thương cơ giới làm cho hoa nở sớm. Các loại hoa, cây cảnh thuộc loại cây bụi sau khi ra nụ nếu gây vết thương đều có thể làm cho cây ra hoa sớm.

Bảo Khánh

Bình luận(0)