Tà Năng coi vậy nhưng rất dễ lạc

Google News

"Nếu mất phương hướng ở Tà Năng, hãy tìm đồi cỏ cao nhất để có thể quan sát được nhiều nơi, và xác định lại phương hướng", anh Huy Trương (Nanh Rồng) từng đi cung đường này cả trăm lần chia sẻ.

Cung đường Tà Năng - Phan Dũng rất được giới phượt thủ và văn phòng yêu thích, thường đi trek vào các dịp cuối tuần - Ảnh: HUY TRƯƠNG 
Thông tin một du khách tên A.T.K (sinh năm 1994) trong nhóm khám phá cung Tà Năng - Phan Dũng (thuộc địa phận hai tỉnh Lâm Đồng - Bình Thuận) mất tích vài ngày qua khiến nhiều người quan tâm. Hiện tại, cộng đồng mạng đang kêu gọi sự giúp đỡ và vận động tìm kiếm chàng trai này nhưng vẫn chưa có kết quả.
Sau sự việc, nhiều người có kinh nghiệm khám phá địa điểm này đã chia sẻ kinh nghiệm leo núi, đi rừng sao để có thể tránh lạc đường.
‘Người am hiểu địa hình Tà Năng mới thấy dễ đi’
Đó là lời chia sẻ của Huy Trương (nickname Nanh Rồng), người từng đi Tà Năng hơn 100 lần. Anh cũng là một trong những admin của nhóm treckking Tà Năng - Phan Dũng.
Theo lời chàng trai này, Tà Năng chỉ dễ đi với những người am hiểu địa hình. Cung đường này có nhiều ngã rẽ, chỉ cần lệch hướng sẽ đi xa và lạc sâu vào rừng.
Đây được mệnh danh là một trong những cung trek đẹp nhất Việt Nam - Ảnh: HUY TRƯƠNG 
"Mình từng chứng kiến nhiều nhóm, cá nhân bị lạc. Nguyên do là họ chưa thật sự tìm hiểu kỹ về cung đường này. Khi bị lạc, tâm lý không vững dẫn đến mất phương hướng", anh Huy nói.
Tà Năng nói riêng và địa hình rừng núi nói chung đều rất phức tạp. Theo anh Huy, đi rừng núi nếu không có kinh nghiệm và kỹ năng sinh tồn sẽ rất khó. Anh khuyên mọi người nên thuê hướng dẫn có kinh nghiệm để tránh hậu quả đáng tiếc.
Cung đường Tà Năng không khó đi vì có đường mòn sẵn, nhưng lại có nhiều ngã rẽ, nhiều đồi cỏ trọc. "Nếu không may bị mất phương hướng, các bạn nên tìm những đồi cỏ cao nhất. Ở đó, chúng ta có thể xác định lại phương hướng và tìm đường ra dễ hơn", anh Huy chia sẻ.
Yếu tố đầu tiên khi phát hiện bị lạc là phải giữ bình tĩnh, định hình lại những đoạn đường vừa đi qua, đi ngược lại điểm xuất phát. Người bị lạc cũng nên để lại dấu hiệu để những người đi tìm biết.
Anh Huy cũng cho hay khi bị lạc, tuyệt đối không nên di chuyển khi trời tối, chỉ tìm đường khi trời sáng, để tránh nguy hiểm.
"Hãy tìm nguồn nước và đi theo"
Đó là lời khuyên của Thái Phương Thanh (28 tuổi), người từng 3 lần khám phá cung Tà Năng.
Cũng như Huy, Phương Thanh đưa ra nhận định, tất cả các cung đường khám phá rừng đều nguy hiểm và dễ lạc.
"Mình cũng nghe nhiều trường hợp bị lạc ở Tà Năng. Nơi đây khá dễ lạc do có nhiều đường mòn và một số ngã ba đường", Phương Thanh nói.
Lên đồi cao để xác định lại phương hướng, tìm nguồn nước, trong balo luôn có đồ ăn nhẹ, một số thiết bị như hộp quẹt, dao nhỏ, đèn pin, la bàn... là lời khuyên của những người có kinh nghiệm đi trek đường rừng núi dành cho những người muốn khám phá thiên nhiên - Ảnh: HUY TRƯƠNG 
Là một người có kinh nghiệm đi rừng trong và ngoài nước khá nhiều, cô bạn cho hay nguyên tắc khi đi lạc trong rừng là hãy cố gắng tìm nguồn nước và đi theo. Ở Tà Năng rất nhiều suối nên dễ gặp.
"Khi không nghe thấy tiếng suối chảy, bạn có thể nhắm hướng cây cối mọc um tùm, ắt hướng đó có nước. Nếu có thể tìm được dây gai để dùng làm định vị đường thẳng trong rừng thì càng tốt, vì trong rừng cây mọc nhiều.
Bạn nghĩ là mình đi thẳng, nhưng thực tế khi bạn né cây, vô tình sẽ chệch đi từng chút một, càng ngày càng xa mà bạn không hay biết", cô gái 28 tuổi chia sẻ.
Cô gái này cũng đưa ra lời khuyên với các nhóm đi rằng họ không nên tiết kiệm chi phí nếu chưa nắm rõ địa hình cung đường này.
"Bạn nên thuê ít nhất 3 người dẫn đoàn: 1 dẫn đầu, 1 chốt đoàn để đảm bảo không ai bị rớt lại, và 1 giữa đoàn để những người đi giữa không lạc. Hãy nhớ phải luôn đi cùng nhau, không nên đi một mình", Phương Thanh nói.
Cô gái này cũng đưa ra gợi ý hành trang nên mang theo trong mỗi chuyến đi rừng gồm một hộp quẹt, dao nhỏ, socola, bánh ngọt, đèn pin, la bàn để phòng trường hợp bất trắc.
"Để tránh bị lạc, các bạn nên mang theo bản đồ, la bàn nơi khám phá. Khi bị lạc, bạn nên ở yên một chỗ và giữ ấm. Khi tinh thần đã ổn định, hãy tìm suối nước và đi dọc theo bờ để tìm lối ra", Hoàng Lê Giang - chàng trai Việt Nam chinh phục Bắc Cực - chia sẻ.
Theo TIỂU HÀN/ Tuổi trẻ

>> xem thêm

Bình luận(0)