Sinh viên trường “xịn” không dám nói bố mẹ đều làm nông dân...

Google News

Sau khi một nữ sinh viên lên một diễn đàn sinh viên nổi tiếng ở Hà Nội chia sẻ về hoàn cảnh của mình, khi cô có cha mẹ là nông dân trong khi bạn bè đều là con nhà đại gia. Thay vì nhận được cảm thông, cô hứng "trọn" gạch đá từ cư dân mạng...

Sinh vien truong “xin” khong dam noi bo me deu lam nong dan...
Sau khi sinh viên này chia sẻ câu chuyện, thay vì sự cảm thông cô lại nhận được nhiều ý kiến phê bình, thậm chí "gạch đá" từ cư dân mạng. 
Nội dung đoạn chia sẻ của nữ sinh như sau:
Em không học NEU (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), em học 1 trường mà học phí 1 kì cũng lên tới 10-12triệu/1 kỳ. So với mặt bằng chung thì học phí đại học ở đây cũng khá cao, em thuộc dạng may mắn đỗ được đại học.
Lúc đầu em còn nghĩ là đỗ thôi chứ không đi học, vì bố mẹ làm nông dân vất vả thì làm sao mà đủ tiền đi học. Nhưng khi biết kết quả đỗ thì bố mẹ em ép em đi học bằng được, bố mẹ bảo là dù có khó khăn đến mấy thì cũng cho con ăn học đầy đủ, vay ngân hàng cũng được.
Bố mẹ bảo là bố mẹ ít học phải làm nông chứ ai muốn đâu. Bố mẹ cho con ăn học để sau này làm việc khác chứ không học lại về làm nông như bố mẹ thì chỉ khổ thôi.
Chuyện không có gì để kể nếu từ lúc em nhập học đến giờ, em thấy xung quanh các bạn ai cũng già. Không giàu thì cũng gọi là có điều kiện, ai cũng có xe máy, có smartphone xịn. Trong khi em vẫn dùng con cục gạch, đi thì đi xe bus tháng, chẳng có xe máy đi. Tiền hàng tháng tiêu thì chỉ quanh quẩn mức 1,5tr sau khi trừ tiền học, tiền nhà... những khoản cố định ấy.
Thi thoảng bạn bè có hỏi là bố mẹ em làm gì thì em chẳng dám trả lời là“Bố mẹ tớ là nông dân”. Em chỉ bảo là “Hỏi làm gì, không phải chuyện các cậu!”. Mỗi lần em suy nghĩ, nếu em nói ra thì sẽ có chuyện gì đó xảy ra... Ví như các bạn sẽ cười bảo là “bố mẹ là nông dân mà cũng học trường này” hay “Bố mẹ làm nông dân mà còn ham hố đi học”...
Nhiều khi nói chuyện thấy các bạn nói mua đồ này đồ kia, quần áo này kia, giày dép điện thoại này kia, cả đồng hồ nữa thì em chẳng biết nói chuyện gì. Em cảm thấy rất khó hòa nhập với lớp, vì trong lớp các bạn đều có điều kiện tốt hơn em. Không biết có ai như em không, chẳng dám nói ra, sợ mọi người cười chê...”.
----
Sau chia sẻ của nữ sinh được đăng tải lên diễn đàn, cô gái thay vì nhận được sự cảm thông thì lại hứng vô số “gạch đá”, vì họ cho rằng cô gái này sĩ diện ảo và không biết công ơn của đấng sinh thành.
Bạn Duong Pham bức xúc: "Chẳng có gì làm bạn phải xấu hổ khi bố mẹ làm nông cả. Lao động bằng chính mồ hôi công sức. Đồng tiền kiếm ra mới là quý giá. Các bạn xung quanh nhà có điều kiện thì sao? Chẳng qua là họ sinh ra đã được "về đích", còn bạn thì phải nỗ lực hơn người ta rất nhiều lần thôi. Mong là bạn bỏ cái suy nghĩ đó đi và cố gắng nhiều hơn để sau này không phải hối hận".
Bạn Nguyễn Minh Chiến cùng quan điểm và cho rằng: "Bố mẹ mình cũng là nông dân. Nhà cấy cả chục sào, nói thẳng như thế cho nó vuông sao phải ngại nhỉ". Trong khi đó, nhiều bạn trẻ khác thì tự nhận cũng là con em nông dân và nói rằng cảm thấy "nóng mặt" khi nghe bạn gái này tâm sự.
Thậm chí, một số tài khoản còn vào thóa mạ cô gái khi cho rằng, mới lên thành thị vài bữa mà đã có suy nghĩ như vậy. Không rõ sau 4 năm sống ở thị thành có giữ được mình không. Làm thân con gái mà ham hố vật chất, xấu hổ về thân phận thì dễ sa ngã và buông thả. Nếu ai đó thả ra một chút vật chất và đưa cho miếng mồi nhưng tưởng là "cái cọc" để bấu víu thì quá... nguy hiểm.
Tuy nhiên, cũng có những bạn lại có cái nhìn cảm thông hơn với cô gái này. Cụ thể, bạn Đặng Vinh Quang chia sẻ: "Không sao. Quan trọng bạn phải cố gắng. Mình cũng trong hoàn cảnh tương tự, nhưng chưa bao giờ mình nghĩ bố mẹ sao không giàu hơn cho mình sướng. Vì cuộc sống, hoàn cảnh ngày xưa khác bây giờ, phải thông cảm và phấn đấu nhiều hơn nhé cô gái".
Facebook Yen Nguyen thì an ủi và điềm tĩnh hơn: "Sẽ đến lúc em chỉ cần bố mẹ có sức khỏe và còn trên đời là được. Bố mẹ làm nông vẫn nuôi được ăn học đấy thôi. Nếu ngại vì hoàn cảnh gia đình thì gắng học cho tốt, làm thêm kiếm tiền, sau vực kinh tế gia đình thoát khỏi nghề nông".
Theo K. Chi/infonet

>> xem thêm

Bình luận(0)