Nhiều người Hàn phải lập lời thề không mua sắm vì Covid-19

Google News

Từng chi nhiều tiền cho quần áo mới nhưng gần đây nhiều người trẻ Hàn Quốc quyết tâm không shopping trong một năm để tiết kiệm tiền và làm gọn không gian sống.

Nhiều người trẻ Hàn Quốc thề sẽ ngừng mua sắm trang phục mới trong cả năm 2021 để tham gia phong trào sống tối giản mới được thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19, theo JoongAng Ilbo.

“Một trong những lý do chính khiến tôi mua nhiều quần áo mới là để có thể mặc chúng trong các chuyến du lịch nước ngoài”, một phụ nữ khoảng 30 tuổi họ Kwon nói. “Thế nhưng điều đó đã không còn do đại dịch nên tôi quyết định ngừng mua sắm”.

Jeong, một nhân viên văn phòng 28 tuổi, cho biết: “Tôi từng chi 300.000 won (273 USD) mỗi tháng cho shopping, nhưng tôi đã quyết định dừng việc đó lại và dùng tiền để mua cổ phiếu trong suốt năm qua.

Trong thời Covid-19, tất cả chúng ta đều mắc kẹt ở nhà, vì vậy tôi nghĩ tại sao không sử dụng thời gian đó để kiếm nhiều tiền hơn thay vì chi tiêu cho quần áo?”.

Nhieu nguoi Han phai lap loi the khong mua sam vi Covid-19

Nhiều người trẻ Hàn Quốc muốn ngừng mua sắm.

Nếu Marie Kondo, người được mệnh danh là “thánh nữ dọn nhà”, đã tạo ra phong trào toàn cầu nhằm khuyến khích mọi người loại bỏ những đồ vật không "khơi dậy niềm vui", thì ở Hàn Quốc dường như cũng có một tác giả đứng sau phong trào sống tối giản mới thời Covid-19.

Im Da-hye, tác giả của cuốn sách Living a Year Without Shopping for Clothes được xuất bản vào năm 2019, đã đề nghị độc giả của mình thử không mua sắm quần áo mới trong một năm. Cuốn sách ra mắt ngay trước thời điểm đại dịch bùng phát đã đánh trúng vào tâm lý của nhiều người trẻ.

“Tác giả này có thói quen mua sắm giống tôi”, một người hâm mộ đã viết trên Naver. "Nếu cô ấy có thể ngừng mua sắm trong một năm, ai nói rằng tôi không thể? Và có lẽ đây là thời điểm phù hợp vì chúng ta đang ở giữa đại dịch. Hãy bắt đầu một năm không mua sắm!".

Dọn dẹp lại không gian sống

Theo nhà tư vấn Jeong Hee-sook, mặc dù quy mô của phong trào chưa rõ ràng, mọi người chắc chắn đang thích thú với ý tưởng sở hữu ít đồ đạc hơn và làm sạch không gian sống kể từ khi đại dịch bùng phát. Jeong điều hành một công ty tư vấn trong 10 năm qua đã giúp khoảng 2.000 chủ nhà ở Hàn Quốc cải thiện không gian sống của họ.

“Nhiều người dành thời gian ở nhà hơn. Điều đó có nghĩa là rất nhiều thứ xung quanh nhà đã bị bỏ qua trước đây giờ lại thu hút sự chú ý của họ. Một trong số đó là bạn chợt nhận ra mình sở hữu quá nhiều quần áo. Đại dịch đã giúp nhiều người thấy tầm quan trọng của việc có một ngôi nhà sạch sẽ, ngăn nắp”, Jeong nói.

Các dụng cụ hỗ trợ dọn dẹp nhà cửa, như các giá đỡ, thùng chứa đồ đang bán rất chạy tại Hàn Quốc. Ikea Korea cho biết doanh số bán các sản phẩm như vậy đã tăng ít nhất 50% từ năm 2019 đến năm 2020.

Nhieu nguoi Han phai lap loi the khong mua sam vi Covid-19-Hinh-2

Nhiều người hạn chế mua sắm để sống tối giản trong đại dịch.

Jeong Gyeong-ja, chủ tịch của một hiệp hội chuyên tổ chức các lớp học dọn dẹp, cho biết: “Nhu cầu ở thị trường này sẽ tăng lên khi nhiều người làm việc ở nhà muốn tổ chức lại không gian xung quanh họ.

Gần đây, chúng tôi đã thấy nhiều phụ nữ ở độ tuổi 20 và 30 quan tâm hơn và đăng ký các lớp học để trở thành chuyên gia tư vấn được cấp phép về dọn dẹp nhà cửa”.

Ngoài Hàn Quốc, phong trào không mua quần áo mới còn xuất hiện ở Nhật Bản khi thu nhập giảm, kinh tế khó khăn trong mùa dịch.

Theo một cuộc khảo sát hàng năm của chính phủ, số người trong độ tuổi 20-30 chọn tiết kiệm tiền thay vì tiêu xài đã tăng lên trong những năm qua. Một cuộc khảo sát trực tuyến được thực hiện vào tháng 3/2018 cho thấy 49% người Nhật không ngần ngại sử dụng quần áo cũ thay vì sắm đồ mới.

Không chỉ quần áo, thị trường hàng second-hand Nhật Bản rất đa dạng, có đầy đủ các mặt hàng từ mỹ phẩm, đồ gia dụng, điện tử...

Reuse Business Journal, một tạp chí chuyên về các doanh nghiệp tái chế, ước tính rằng người tiêu dùng đã chi khoảng 16 tỷ USD cho hàng hóa đã qua sử dụng trong năm 2016.

Con số này, không bao gồm mua xe và nhà đã qua sử dụng, tăng 40% trong 5 năm. Tạp chí từng dự kiến thị trường này sẽ đạt 17,7 tỷ USD vào năm 2020.

Theo Zingnews

>> xem thêm

Bình luận(0)