Cụ bà 90 tuổi bại liệt dựa con mù lòa, ngớ ngẩn

Google News

"Nếu già đi thì ít lâu sau hắn cũng đi theo già cho coi…"

- Nhiều năm qua, cụ Nguyễn Thị Kia (90 tuổi, trú tại tổ 5, thôn Hưng Lộc, xã Bình Định Nam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) bị bại liệt nhưng vẫn làm “ánh sáng soi đường” cho đứa con gái mù lòa, ngớ ngẩn Trần Thị Thiên (68 tuổi).

“Thương thay cũng một kiếp người”

Chúng tôi tìm đến nhà cụ Nguyễn Thị Kia vào một buổi chiều muộn.

Ngôi nhà của cụ Kia không có cửa mà được che chắn phập phành bằng bạt và mấy tấm phên cũ. Bên trong là xoong nồi nằm lăn lóc, nham nhở quần áo, dép guốc, bao bì, cỏ cây khô… và những thứ hỗn độn khác nằm chen lấn lối đi. Bóng tối và đủ mùi hôi hám chiếm lĩnh hết không gian. Ở giữa gian nhà, một đống củi dở khô dở ướt nằm bên bếp than bụi bặm, khói mù mịt.

Nhà cụ Nia ngổn ngang, bừa bộn.
Nhà cụ Kia ngổn ngang, bừa bộn.

Trên chiếc giường với manh chiếu rách rưới, cụ Kia đang nằm thở yếu ớt, chân tay co quắp, mắt đầy những ghèn. Thân hình khô đét của cụ bất động trên đống quần áo ruồi nhặng bu đầy. Thỉnh thoảng hai tay cụ khẽ quờ quạng, đôi mắt mấp máy như người đã thiếu ăn, thiếu uống từ rất lâu…

Cụ Nia nằm còng queo bất động trên chiếc gường hôi hám.
Cụ Kia nằm còng queo bất động trên chiếc gường hôi hám.

Cùng ở trong nhà, bà Trần Thị Thiên (68 tuổi, con gái cụ Kia) bị mù lòa đang mò mẫm hai tay dưới nền nhà, lần kiếm cây đèn và quẹt lửa để nhóm bếp nấu cơm tối. Khuôn mặt bà Thiên đen thui, nhem nhốc màu than củi.

Bà Thiên mò mẫm tìm cây đèn dầu.
Bà Thiên mò mẫm tìm cây đèn dầu.

Trong căn nhà trống tuềnh toàng, chúng tôi kiếm tìm quanh chỉ thấy một cái cốc uống nước bằng nhựa mất quai chẳng mấy sạch sẽ. Nhà cụ Kia không có  điện cũng không có nước để uống…

Sống vì lo mình chết thì con chết theo

Cố gượng người dậy, cụ Kia quệt vội những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt hốc hác, tiều tụy kể: “Khổ lắm! Nhiều bữa bà con hàng xóm đi ra đồng hết nên không có ai để nhờ đi chợ, gửi mua ít tôm tép, bó rau về nấu ăn. Già mới nhờ hắn (con gái-PV) đi chợ. Từ nhà đến chợ chỉ cách có 4 cây số nhưng hắn đi từ nửa buổi trưa đến 3-4 giờ chiều, có chị hàng xóm đi làm đồng về thấy té ngửa ngoài đầu đường nên dẫn về giùm. Cả ngày hôm ấy phải nhịn ăn… Bà con thương tình đem đến gói mì tôm cho ăn qua bữa”.

Hướng đôi mắt mờ đục về phía có tiếng động (phía con gái), cụ nói trong hơi thở đứt quãng: “Già, già lớn tuổi rồi. Già có chết cũng được. Nhưng già chỉ sợ khi già chết đi thì ai sẽ lo cho hắn. Hắn ngớ ngẩn đã đành lại thêm mù lòa nữa chắc khó mà sống lâu được. Già có cần cái chi nhiều đâu. Già chỉ mong sao có chỗ mô đó thương tình dẫn con gái già vào nuôi giùm cái. Nếu già đi thì ít lâu sau hắn cũng đi theo già cho coi…”.

Hai mẹ con cụ Nia sống bám víu vào nhau.
Hai mẹ con cụ Kia sống bám víu vào nhau.
 
Người dân xóm nghèo này đã quá quen thuộc với hoàn cảnh hai mẹ con cụ Kia hằng ngày phải dìu nhau lê lết, thậm chí bò cả trên nền đất để thổi lửa, nấu cơm, nấu cháo lấy miếng ăn “tồn tại” qua ngày.
Bà Thiên đôi khi cũng khóc vì thương mẹ.
Bà Thiên đôi khi cũng khóc vì thương mẹ.
Ông Nguyễn Diện (85 tuổi, hàng xóm với cụ Kia) nói: “Cùng là bạn già với nhau nên tui hiểu rõ nỗi khổ của bả (cụ Kia-PV). Sống sao được với mấy đồng trợ cấp, mấy ký gạo hỗ trợ. Nuôi thân đã không đủ lại còn đèo bòng thêm cô con gái… Bà con nơi đây ai cũng thương cho hoàn cảnh bả hết nên thường xuyên cử người qua chăm sóc, giúp đỡ. Bả yếu lắm rồi. Lỡ bả có đi nửa đêm cũng không ai hay biết… Nghĩ mà thương!”.
 
Chị Phạm Thị Yên (47 tuổi) thường sang giúp mẹ con cụ Nia tắm giặt và nấu ăn.
Chị Phạm Thị Yên (47 tuổi) thường sang giúp mẹ con cụ Kia tắm giặt và nấu ăn.

Ông Nguyễn Vinh, Tổ trưởng tổ 5 cho biết: “Ở cái xã nghèo này thì gia đình cụ Kia là khổ nhất. Cụ được liệt vào diện hộ nghèo đặc biệt nhận trợ cấp 180.000đ/tháng và các suất hỗ trợ khẩn cấp khác. Địa phương còn nghèo, còn nhiều người khốn khó, sự giúp đỡ cũng chỉ có vậy”.

Màn đêm buông xuống, ánh đèn dầu hiu hắt không đủ để soi tỏ 2 gương mặt mờ nhạt.
 
 

Mọi hỗ trợ xin gửi về địa chỉ:

1. Cụ Nguyễn Thị Kia, tổ 5, thôn Hưng Lộc, xã Bình Định Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam

2. Tòa soạn Báo điện tử Kiến Thức

Địa chỉ: tầng 5, Tòa nhà Láng Trung, số 60/850, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Số điện thoại: (04) 62.765.887; (04) 62.765.886. Hotline: 098.884. 4039.

Số tài khoản ngân hàng: 126.10.000.119.106 tại ngân hàng BIDV chi nhánh Ba Đình (Hà Nội). Chủ tài khoản: Báo điện tử Kiến Thức

Xin vui lòng ghi cụ thể tên người được hỗ trợ hoặc tên bài báo có nhân vật được hỗ trợ. Kienthuc.net.vn cam kết chuyển đến tận tay.

Trân trọng!


Lưu Minh
[links()]
 

Bình luận(0)